.

Vì sao tàu thuyền chìm, mắc cạn nhiều?

.

Bão số 9 năm nay không lớn và dữ dội  như bão số 6 năm 2006, thế nhưng ở Đà Nẵng, số tàu thuyền, kể cả tàu vận tải biển loại trên dưới 1.000 tấn bị mắc cạn, chìm, hư hỏng khá lớn.

Tàu Tiền Giang 16 bị sóng đánh dạt vào bờ kè đá.

Có 14 tàu vận tải trọng tải trên dưới 1.000 tấn bị sóng đánh dạt vào bờ cát, kè đá; 24 tàu đánh cá của ngư dân chìm, mất tích, hàng chục chiếc khác hư hỏng nặng trong bão số 9 vừa qua. Mặc dù công tác cứu hộ diễn ra rất khẩn trương nhưng đến nay, 2 tàu tải trọng lớn vẫn chưa thể rời bãi cát dọc đường Nguyễn Tất Thành trở về với biển, 2 tàu của ngư dân vẫn chưa tìm thấy, hàng chục chiếc đành chấp nhận “xẻ thịt” do hư hỏng quá nặng. Tại sao tàu bị nạn nhiều như vậy? Đây là vấn đề được dư luận, nhất là các cơ quan chức năng rất quan tâm.   

Trước hết phải thấy rằng, tuy bão không thật lớn nhưng cường độ sóng biển bão số 9 tạo nên lớn hơn bão số 6 ba năm trước rất nhiều. Đây là cơn bão giật cấp 14, cấp 15, chưa từng xảy ra kể từ trước đến nay. Với cường độ giật như vậy, khi di chuyển ở vùng biển gần bờ tạo nên cường độ sóng rất lớn, cột sóng cao đã đánh tơi tả kè đúc bằng bê-tông ven biển. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến các tàu neo đậu tránh bão tại vịnh Đà Nẵng gặp nạn, mặc dù đã thả cùng lúc 2 neo.

Bên cạnh đó, thực tế các tàu này vẫn ở khu vực cửa biển, chính luồng đi của bão, sóng gió cuốn đi là điều dễ hiểu. Tuy vậy, cũng phải thấy rằng, sự nỗ lực chống bão của các tàu vận tải biển chưa đáp ứng yêu cầu. Các tàu này chỉ mới dừng lại ở việc thả neo đậu tại chỗ tránh bão mà không triển khai chống bão, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Ban chỉ huy PCLB&TKCN thành phố cho biết như vậy.
 
Theo ông, các tàu bị sóng đánh dạt vào bờ đều bị đứt dây neo, hoặc neo bị rê. Đúng ra, khi bão dữ dội nhất, tàu phải nổ máy, gài số tiến chống chọi với bão. Khi tàu hoạt động, sức đẩy của động cơ hỗ trợ rất lớn cho dây neo nên không bị đứt. Thực trạng này được thuyền trưởng tàu Thành An 27 Nguyễn Văn Thắng cho biết: 

“Trước khi bão vào, tàu thả cùng lúc 2 neo đậu tránh bão ở vịnh Đà Nẵng. Gần sáng 29-9, sóng gió giật liên hồi, 1 dây neo bị đứt, tàu bị nghiêng đột ngột. Trước tình thế đó, chúng tôi nhổ neo còn lại và thả trôi trên biển. Chẳng bao lâu, sóng đánh dạt tàu vào bờ”. Hậu quả là hơn 1 tháng trời mắc cạn và phải chi phí 1,5 tỷ đồng cho việc cứu hộ.

Tàu Thái Sơn 02 vẫn yên vị trên bãi cát ven biển, mặc dù bão đã qua hơn 1 tháng.

 

Đối với tàu đánh cá của ngư dân, số bị chìm và hư hỏng đều do neo đậu không đúng quy định. Gần như 100% tàu vào neo đậu ở Âu thuyền Thọ Quang đều an toàn, duy chỉ 2 chiếc ghe nhỏ do đứt neo bị bão đánh dạt lên bờ kè. Ông Huỳnh Vạn Thắng cho biết: Bão số 6 năm 2006 tại âu thuyền có 116 chiếc bị mắc cạn hư hỏng, bão này chỉ 2 chiếc nhỏ.
 
Đây là kết quả từ việc lắp đặt thêm 28 phao bù giữa lòng âu thuyền. Tàu bị chìm đa số neo đậu  trên sông Hàn. Trước bão, cơ quan chức năng đã tiến hành đưa các tàu đậu trên sông Hàn về âu thuyền, song do chủ tàu chủ quan dẫn tới thiệt hại. Phải nói rằng đây là thiệt hại không đáng có. Như tàu ĐNa 30996 của ông Nguyễn Văn Lý, trú An Hải Tây (Sơn Trà), mặc dù Bộ đội Biên phòng đến nhắc nhở nhiều lần, nhưng tàu này và một số chiếc khác vẫn không chịu rời vị trí neo đậu ở sông Hàn về Âu thuyền Thọ Quang. Hậu quả là tàu bị chìm.

Bão năm nào cũng xảy ra, đó là quy luật tất yếu của tự nhiên. Không ít người cho rằng, với tàu vận tải biển, cũng cần có nơi neo đậu tránh bão. Hiện tại, do lắp đặt 28 phao bù giữa lòng âu thuyền và việc bố trí neo đậu, số tàu vào đây tránh bão không nhiều, nhất là các tàu công suất lớn. Và như vậy, cần thiết phải mở thêm khu vực neo đậu ở vịnh Mân Quang? Tại vịnh này, cần đầu tư xây dựng một số phao bù lấy chỗ để tàu thuyền buộc dây mỗi khi vào tránh bão.

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu

;
.
.
.
.
.