.

Vui-buồn người nuôi chó - Bài 3: Ai bảo vệ chó?

.

Các quy định của Nhà nước về trách nhiệm của người nuôi chó đã rõ (như bài 2 đã nêu). Nhưng một khi người dân đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm mà chó của mình vẫn cứ bị đập, bị đánh bã, thậm chí bị cuỗm ngay trước mắt mình, thì người dân phải làm gì để đòi lại sự công bằng? Ai sẽ là người đứng ra bảo vệ quyền lợi người nuôi chó, cũng như bảo vệ các con vật nuôi?

        >> Vui-buồn người nuôi chó - Bài 2: Quy định một đàng, làm một nẻo
        >> Vui-buồn người nuôi chó Bài 1: Cưng cún nhất nhà

Không dám đuổi theo kẻ bắt chó 

Tiêm thuốc chữa bệnh cho chó.

Càng ngày, những “chuyên gia” bắt chó càng tỏ ra trắng trợn, mặc cho chủ nhà đứng trước mặt, bọn chúng vẫn ngang nhiên “phang” chó chết tại chỗ, rồi ung dung bỏ chó vào bao tải, rồ xe máy vừa chạy vừa quay lại nhứ đùi đập chó hăm dọa chủ nhà. Ông Lê Văn Tạo (đường Nguyễn Chánh) cách đây không lâu chịu mất chó vì trở tay không kịp, khi ông thả chó ra ngoài vào buổi sáng sớm. Ông T.L.S (đường Sơn Trà-Điện Ngọc) kể:

“Nửa tháng trước, ông chứng kiến chú chó phốc nhỏ xinh của người hàng xóm bị hai thanh niên đi xe máy dùng cây đập mạnh vào lưng. Lúc đó chúng tôi tụ tập nói chuyện gần cả chục người. Khi nghe con chó kêu “ẳng”, chúng tôi định thần lại thì thấy hai người đó đã chạy vù đi với con chó nằm lả trên tay. Không ai trong chúng tôi dám chạy theo vì sợ bị “hạ”. Chính vì e ngại bị đòn tấn công trả thù của những tay đập chó, hầu như không người nuôi chó nào có ý định tri hô hay đuổi theo khi cún cưng của mình gặp nạn. Cũng từ đó, những người trong khu nhà ông S. mỗi khi dẫn chó đi dạo phải “kè kè” thêm một cây gỗ thật to.

Đối với những con chó cỡ bự như bẹc-giê, theo ông Chín, Chi cục phó Chi cục Thú y Đà Nẵng, những tên săn chó luôn dùng thủ đoạn đánh bã, hay cao cấp hơn là dùng roi xung điện. Chú bẹc-giê nhà ông vừa bị đánh bã hơn một tháng nay. “Các tay săn thường gói bã trong lớp giấy mỏng. Đánh được chó rồi, họ mới tìm cách để chó nôn độc ra. Sau đó, họ nuôi ít ngày cho chó mập mạnh bình thường mới mang đi tiêu thụ”, ông Chín nói.

Không ai bảo vệ chó

Những con chó bị mất, nếu to con sẽ được mang đi giết thịt làm các món ăn, chó cảnh nhỏ thì được sang tay qua cửa hàng bán chó. Tại một tiệm bán vật nuôi trên đường Hoàng Diệu, khi nghe chúng tôi tả tỉ mỉ về hình dáng chú chó cưng bị mất mà mình đang cố tìm lại, ông chủ tiệm lắc đầu: “Chịu, mấy bữa ni không thấy họ mang tới bán loại chó đó. Có khi họ thấy đẹp nên giữ lại nuôi rồi”. Một người đang chọn mua chó ở tiệm trên thêm vào: “Dễ chi tìm được. Lần trước tui mất một con phốc, nhưng đi tìm khắp thành phố  cũng không thấy”.

Chủ nuôi có nghĩa vụ chăm sóc con vật nuôi, nhưng khi con vật bị hành hung thì người chủ lại chẳng biết kêu ai.trong ảnh: đo nhiệt độ cho chó.

 

Có điều lạ là, người nuôi chó cũng như người bán chó đều không biết, khi bắt được kẻ trộm chó, họ sẽ đưa tới cơ quan nào giải quyết. Theo ông Chín, hiện nước ta chưa có luật bảo vệ động vật nuôi nói chung và chó nói riêng như ở các nước, thành ra không có cơ quan nào có thể nhận trách nhiệm bảo vệ chó và cả người nuôi. Việc xem xét các vụ việc liên quan đến mất chó lại thuộc về thẩm quyền của cơ quan công an. Tuy nhiên, ông Chín nói: “Chó, mèo vẫn chưa được đưa vào danh mục tài sản, nên nếu công an có bắt cũng chủ yếu cảnh cáo, răn đe. Vì vậy, càng ngày những tay đánh chó càng lộng hành”.

Không chỉ bị kẻ gian đánh, bắt..., đôi khi các chú chó cưng còn bị chính chủ nhân hành hạ. Bà Nguyễn Thị Hương (phường Nam Dương, quận Hải Châu) vừa nhận nuôi một chú chó cảnh bị chủ đánh đập thậm tệ đến gần chết, chỉ vì chú lỡ dại “tè” trên nệm của chủ.

Bà Hương đã mất cả tháng chăm sóc, bồi bổ, chích thuốc cho chú phục hồi sức khỏe. Đối với những trường hợp như vậy, ông Chín cho hay, phía Chi cục Thú y cũng không thể can thiệp, vì “Quy định nói rõ trách nhiệm của người nuôi chó, mèo là phải chăm sóc, yêu thương chúng, nhưng lại không hề có chế tài kèm theo. Vậy thì, nếu xử lý họ  sẽ xử lý theo cách nào, áp dụng điều khoản gì?”

THU HOA-HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.