Trẻ tuổi, năng động, nhiệt tình, ham học hỏi, hiếu thuận là những ưu điểm nổi trội của Đinh Văn Mai, trưởng thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Anh là một điển hình của đồng bào dân tộc Cơtu trong nỗ lực vượt khó vươn lên, ổn định cuộc sống ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.
Đinh Văn Mai, người dân tộc Cơtu, trưởng thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc. |
Bố mất sớm, nhà lại có đến 6 anh em, mẹ không đủ sức khỏe để chăm sóc, nuôi dưỡng các con, là anh lớn nhất trong gia đình, Mai đã bỏ ngang việc học khi bước vào lớp 11, tìm cách mưu sinh nuôi sống cả gia đình. Để thoát khỏi nghèo khó, điều mà Mai nghĩ đến đầu tiên là phải làm kinh tế bằng chính những tài nguyên sẵn có trên mảnh đất quê hương mình. Mai tâm sự: “Đồng bào dân tộc Cơtu sống gắn bó với núi rừng, nên mình nghĩ đây cũng là cách để làm giàu, chỉ có phát triển kinh tế rừng mới giúp được gia đình mình thoát khỏi cuộc sống khó khăn lúc đó”.
Nghĩ là làm, Mai quyết tâm thực hiện kế hoạch của mình với số vốn 15 triệu đồng vay của Ngân hàng Chính sách xã hội cộng với khoản tiền dành dụm còn lại trong gia đình. Thêm vào đó, Mai tự tìm hiểu những cá nhân làm kinh tế giỏi được giới thiệu trên báo chí, truyền hình và tham dự các lớp tập huấn về phát triển kinh tế do huyện Hòa Vang tổ chức.
Năm 2004, với số vốn ít ỏi và những kiến thức thu nhận được, Mai đã tự khai hoang và trồng được 15ha rừng cây keo lai. Đáng tiếc là năm 2006, cơn bão số 6 đã tàn phá rừng keo lai mà Mai đã bỏ công sức vun trồng, chăm sóc. Khoản tiền thu được từ việc bán cây keo thất thoát nhiều. Điều đáng trân trọng là chàng trai trẻ người Cơtu hoàn toàn không nản chí.
Tiếp sau đó, Mai đã vay thêm tiền, vừa trồng keo, vừa trồng thêm hơn 1ha cỏ để đầu tư nuôi trâu, bò, kết hợp với việc trồng rau màu trên mảnh vườn 1.000m2 và phát rẫy đồi trồng hơn 200 cây chuối. “Lấy ngắn nuôi dài”, số trâu, bò mà gia đình Mai nuôi đủ để anh trang trải cuộc sống hằng ngày. Mai cho biết: “Nhờ nuôi thêm trâu bò, trồng thêm rau màu nên mình mới có thêm khoản tiền để lo cho gia đình, chứ trồng keo bây giờ như “đánh bạc”.
Lúc đầu mình nghĩ trồng trong khoảng 5 năm thì thu hoạch sẽ được lời nhưng bây giờ, vài ba năm lại có bão lớn, cây bị hư hại nhiều, tiền vay ngân hàng thì phải trả, nếu không làm thêm thứ khác thì khó có đủ tiền để trang trải cuộc sống và lo cho các em mình ăn học”.
Năm 2007, Đinh Văn Mai trở lại trường học, hoàn tất chương trình cấp 3 và hiện tại, theo học năm thứ hai chuyên ngành Quản trị kinh doanh của Trung tâm Đại học Mở Hà Nội tại Đà Nẵng. Nói về chuyện chọn ngành theo học, Mai tâm sự: “Là một chuyên viên của xã, một trưởng thôn, đáng lẽ mình nên học luật hoặc ngành liên quan đến hành chính, nhưng mình chọn ngành Quản trị kinh doanh. Bởi mình nghĩ, học để làm kinh tế, không chỉ cho mình mà còn tích lũy kinh nghiệm để truyền đạt lại cho bà con trong thôn nữa.
Bây giờ có trình độ thì mới phát triển được. Mình còn sức khỏe, còn trẻ, nếu làm được thì sẽ tạo nên một tấm gương tốt cho thanh niên trong thôn. Vì hiện tại, còn nhiều thanh niên thôn Giàn Bí có trình độ học vấn thấp, bằng lòng với cuộc sống bình thường và không quen với việc làm kinh tế”. Mai cũng cho biết, sắp đến, anh sẽ nghiên cứu trồng cây đót và cây mây vì đây là những loại cây có thể chống chọi với điều kiện gió bão tốt hơn cây keo.
Và nếu có khả năng, anh sẽ tận dụng sản lượng đót và mây thu được để chế biến ra thành phẩm bằng chính nguồn lao động của địa phương. Mục tiêu phấn đấu là vậy, nhưng con đường phía trước của Mai vẫn còn khá gian nan, vì để thực hiện được kế hoạch này anh phải có số vốn lớn mà nguồn lực kinh tế hiện tại của gia đình chưa kham nổi.
Gác lại chuyện làm kinh tế, khi hỏi anh về vai trò trưởng thôn Giàn Bí, Mai nói: “Năm 2007, khi mọi người trong thôn tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, mình cũng lo ngại không biết có làm được không, nói mọi người có nghe mình không, rồi thời gian đâu để đầu tư làm kinh tế, lo cho các em ăn học. Sau khi nhận nhiệm vụ rồi thì cũng quen dần.
Bà con rất tin tưởng mình”. Không chỉ chăm lo cho đời sống của mọi người dân trong thôn, Mai đã vận động bà con nhận đất rừng để phát triển kinh tế, vừa bảo vệ rừng, vừa tạo thêm thu nhập. Bà con người Cơtu trong thôn Giàn Bí bây giờ cũng quen dần với việc phát triển kinh tế rừng và cuộc sống của họ cũng bớt cái nghèo, cái khó.
Mục tiêu của chàng trai người Cơtu lúc này là làm sao tăng thu nhập để lo cho 4 em còn đang ở tuổi đến trường. Vì theo anh, chỉ có con đường học vấn mới giúp các em thoát nghèo và tạo dựng một cuộc sống ổn định.
Khi kết thúc những năm đại học, Mai khẳng định mình sẽ giúp sức cho bà con dân tộc Cơtu, đem kiến thức đã học truyền đạt lại cho thanh niên trong thôn. Điều mà Mai tâm nguyện là phải phấn đấu làm sao để không chỉ bản thân gia đình Mai thoát khỏi khó khăn mà tất cả các gia đình ở Giàn Bí đều có một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc.
Bài và ảnh: MỸ HẠNH