.

Bát nháo biển hiệu!

.

“Service you can trust”, “P.’shoes”, “Opening soon”… Những dòng chữ rất to này trên biển hiệu ở khắp các đường phố lớn của thành phố Đà Nẵng dễ khiến người ta lầm tưởng đang đi giữa phố Tây, bất chấp những tiêu chuẩn quy định đối với loại hình này.

Tiếng gì cũng có, trừ… tiếng Việt

Có tiếng Anh, tiếng Tàu, còn tiếng Việt thì không.

Trên các tuyến phố tập trung đông cửa hàng buôn bán, không khó để nhìn thấy những tấm biển hiệu đầy màu sắc. Chỉ có điều, với nhiều người không rành tiếng nước ngoài, nó thật khó hiểu.

Một khách sạn trên đường N.T.T có hai tấm biển ghi bằng hai thứ tiếng Anh và Tàu, riêng tiếng Việt thì không. Phải chăng, đặt chữ “Khách sạn” tròn trịa bằng thứ ngôn ngữ của mình thì không được sang (?!). Trước một cửa hàng chuẩn bị khai trương, nhiều người nhìn dòng chữ “Opening soon” (và tuyệt nhiên không có thêm chữ tiếng Việt nào), ngỡ ngàng tự hỏi:
 
Đó là cái gì? Với những người biết tiếng Anh bập bẹ, sẽ không khó để hiểu mang máng là nơi này không lâu nữa sẽ mở cửa phục vụ đón khách, còn những người khác thì chịu! Tại một cửa hàng trên đường L.T.T, nếu không chú ý kỹ, nếu ai không am tường về công nghệ thông tin và phim ảnh sẽ chẳng biết họ bày bán thứ gì. Nào là Rank, entertainment, movie, training choán nguyên tấm biển lớn.
Một người dân bức xúc:

“Có thể người đặt biển hiệu và cả những người có tư tưởng “sính” ngoại nên thích lấy tên bằng tiếng nước ngoài cho oai. Một vài bạn trẻ tỏ ra thích thú khi mời ai đó đến một cửa hàng có “yếu tố nước ngoài” ngay từ cái biển hiệu”. Một người khác cho rằng: “Đôi khi, việc đặt biển hiệu hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài khiến nơi đó tự làm khó mình. Với những khách hàng không biết ngoại ngữ, họ làm sao dám vào cửa hàng, nếu không rõ trong ấy buôn bán thứ gì”.

Lồng ghép biển hiệu và quảng cáo

Biển hiệu bít mặt tiền.

 

Không phải đăng ký hay xin phép khi đặt biển hiệu, nhưng với bảng quảng cáo thì buộc phải đăng ký với cơ quan chức năng. Từ điều này, để đỡ xin phép khi đặt bảng quảng cáo, nhiều nơi đã lách luật bằng cách lồng ghép nội dung quảng cáo vào ngay biển hiệu. Theo Nghị định của Chính phủ về nội dung biển hiệu, trên biển chỉ có tên cơ quan chủ quản trực tiếp, địa chỉ, ngành nghề, loại hình doanh nghiệp và một logo (biểu tượng).

Tuy nhiên, qua khảo sát của Trung tâm Quản lý quảng cáo Đà Nẵng, hiện nay trên địa bàn thành phố tồn tại rất nhiều biển hiệu lồng ghép quảng cáo. Tức ngoài các nội dung trên, người đặt biển còn trưng thêm nhiều biểu tượng khác, giới thiệu sâu về sản phẩm hoặc đơn vị mình.

Ngoài ra, nhiều biển hiệu và cả biển hiệu lồng ghép quảng cáo đã vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn về diện tích, kích cỡ. Bà Khúc Thanh Hương, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý quảng cáo Đà Nẵng cho biết: “Đối với mặt tiền công trình, nhà ở, biển hiệu được quy định chiều cao 1m và chiều dài bằng hết ngôi nhà”. Trên thực thế, những biển hiệu quá khổ cho phép vẫn được trưng bày một cách rầm rộ. Nhiều nơi còn đặt biển hiệu che lấp từ tầng trên cùng ngôi nhà xuống tầng trệt.

Bà Khúc Thanh Hương-Phó giám đốc Trung tâm Quản lý quảng cáo Đà Nẵng khẳng định:
 
“Biển hiệu phải viết bằng chữ Việt Nam, trường hợp muốn thể hiện tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế, tên, chữ nước ngoài phải ghi ở phía dưới, kích thước nhỏ hơn chữ Việt Nam. Như vậy, biển hiệu chỉ có chữ nước ngoài hoặc chữ nước ngoài choán phần lớn diện tích là sai”.

Cũng theo bà Hương: “Đặt biển hiệu không cần xin phép nên phát sinh nhiều việc tự phát, rất khó quản lý. Những nơi vi phạm về quy tắc biển hiệu thường tỏ ra bất hợp tác trong việc chấn chỉnh. Họ cho rằng phải trang trí như vậy mới tạo được mặt bằng đẹp, thu hút khách hàng, tăng doanh thu”.


Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.