Năm 1965, tình hình chiến sự ở khu 5 nói chung, Mặt trận Quảng Đà nói riêng ngày càng ác liệt. Yêu cầu phục vụ chiến đấu ngày càng cao, các trạm xá dân y không thể tiếp nhận, cứu chữa thương binh như trước được do địch liên tục càn quét, đánh phá, trong khi đó số lượng thương bệnh binh ngày càng nhiều. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy Tỉnh Đội quyết định thành lập Bệnh xá 78 trực thuộc Phòng Hậu cần. Bệnh xá nằm ở khu vực núi Hòn Tàu thuộc huyện Duy Xuyên.
Chiến công trong hang đá
Là bệnh xá tiền phương nên nhà cửa đều là lán trại dã chiến bằng tre nứa, giường nằm cho thương binh cũng làm bằng sạp tre. Có những thời kỳ địch bắn phá từ sáng đến chiều, bệnh xá bị cày xới tan nát, bác sĩ, y tá, hộ lý của bệnh viện đêm đêm đào hầm làm chỗ trú cho thương binh hoặc đưa vào ẩn nấp trong các hang đá. Dãy Hòn Tàu những năm đó không hề có một bóng cây, địch đã dùng mọi thủ đoạn tàn phá, băm nát nơi này hòng tiêu diệt tận gốc lực lượng của ta.
Chú Lê Lam, phụ trách hậu cần của Bệnh xá giai đoạn 1966-1969 cho biết: “Có những thời điểm, cả tháng trời địch ở trên hang, ta ở dười hang như chơi trò ú tim mà chúng không hề phát hiện được, gặp khi địch càn, anh em bệnh xá khiêng thương binh cắt rừng mà đi, chạy vòng quanh các ngọn núi từ Duy Xuyên qua Quế Sơn, nhiều khi vừa chạy càn vừa dừng lại để mổ cho thương binh. Có khi địch ném bom làm lấp hầm, anh chị em lại moi đất chui ra đưa thương binh chạy qua hầm khác, gian khổ vô cùng nhưng không một ai nhụt chí”.
Năm 1968, thương binh chuyển về Bệnh xá rất nhiều, có ngày từ 50-100 ca, nhiều thương binh phải khiêng cáng đi đường rừng mất từ 3-5 ngày nên khi đến nơi vết thương đã sinh dòi. Bác sĩ và y tá trải ni lông ngay dưới nền hang đá, ngồi chồm hổm mổ trong ánh đèn dầu. Thiếu dụng cụ y tế, những miếng gạc đầy máu được các hộ lý giặt đi giặt lại nhiều lần rồi hấp lên dùng lại cho đến khi rách nát mới vứt đi; kham khổ, thiếu thốn vô cùng, nhưng tất cả chiến sĩ quân y của Bệnh xá đều đặt sự sống của thương binh lên trên hết, quyết tâm không để cho thương binh bị đói, khát hoặc thiếu thuốc men.
Vừa làm công tác chuyên môn, các y, bác sĩ còn tranh thủ vào rừng hái lá thuốc về nấu cao chữa vết thương cho thương binh. Đêm đêm họ lại thay nhau xuống đồng bằng gùi cõng lương thực, thuốc men lên nuôi thương binh. Họ mừng rơi nước mắt khi một ca mổ thành công, và họ ôm nhau khóc khi sau mỗi trận càn của địch lại có thêm một đồng đội ra đi vĩnh viễn. Rồi tất cả lại lao vào cuộc chiến đấu giữa cái sống và cái chết mong manh như sợi tóc mà không một chút phân tâm, lặng lẽ góp những chiến công để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một bệnh xá tiền phương anh hùng trong những tháng năm ác liệt, gian khổ nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ.
Những chiến sĩ quân y quả cảm, kiên cường
Bia tưởng niệm những chiến sĩ quân y Bệnh xá 78 đã hy sinh anh dũng đặt dưới chân núi Hòn Tàu. |
Trong tâm trí cô và tất cả những chiến sĩ quân y Bệnh xá 78, không ai có thể quên được tấm gương của Bác sĩ trưởng Bệnh xá - liệt sĩ Hoàng Kham. Là người Hà Nội xung phong vào chiến đấu ở chiến trường miền Nam, nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua, là Bệnh xá trưởng nhưng anh vẫn tham gia gùi hàng như nhiều đồng đội khác, thương yêu, tận tụy với thương binh, có nhiều sáng kiến giải pháp khắc phục khó khăn để chữa bệnh…
Năm 1972, trong chuyến tăng cường cán bộ y tế về các địa phương, không may bị lọt vào ổ phục kích của địch, anh bị thương nặng, bị địch tìm mọi cách dụ dỗ để khai ra nơi trú quân của ta nhưng không được nên bọn chúng tra tấn anh rất dã man, giết chết anh và cắt đầu giấu đi, phơi xác anh giữa rừng. Anh hy sinh khi chưa tròn 30 tuổi. Hài cốt của bác sĩ Hoàng Kham mới vừa tìm được gần đây tại núi Hòn Tàu.
Trong suốt 10 năm chống Mỹ, rất nhiều bác sĩ, y sĩ, hộ lý của Bệnh xá 78 đã ngã xuống hoặc bị thương để bảo vệ thương binh. Bác sĩ Công, trong một trận ném bom của địch nhảy từ hầm lên kiểm tra thương binh đã hy sinh; y sĩ Nhật cũng đã ngã xuống vì pháo kích của địch. Chú Lê Lam cũng từng bị sức ép của bom hất tung từ hầm ra ngoài suối.
Còn những y tá, hộ lý như cô Thanh, cô Vân thì cả ngày làm không ngớt tay từ chăm sóc, băng bó, rửa vết thương, lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho hàng trăm thương binh; đêm đêm lại tay cuốc, tay xẻng đào hầm hoặc nấu cơm vắt, gạo rang phục vụ anh em. Nhiều lần các cô còn dùng lưng mình suốt đêm làm chỗ dựa cho những thương binh nặng; động viên, dỗ dành, làm vơi bớt cơn đau cho các anh bằng những bài hát kháng chiến mà vừa hát các cô vừa khóc; nhiều người bị sốt rét nặng vẫn gượng dậy để phục vụ thương binh bằng tấm lòng yêu thương, tận tụy hết mình.
Cô Thanh ngậm ngùi: “Bao nhiêu năm qua rồi mà kỷ niệm của một thời hào hùng, máu lửa vẫn không thể nào quên được. Nhiều cán bộ, chiến sĩ được cứu chữa ở bệnh xá khi giải phóng trở về miền Bắc, mấy chục năm sau vẫn lặn lội tìm đến thăm những bác sĩ, y tá, hộ lý của Bệnh xá tiền phương năm xưa.
Cảm động lắm, chúng tôi gặp nhau để ôn lại những năm tháng gian khổ và ôm nhau khóc bởi nhớ về những đồng đội thân yêu đã không thể hưởng được một giây phút hòa bình”. Tìm về thăm những ân nhân của mình, trong lòng những thương binh ấy không chỉ có lòng biết ơn sâu nặng, mà với họ, mỗi chiến sĩ quân y của Bệnh xá 78 thời ấy đều là một biểu tượng của sự hy sinh quả cảm và rất đỗi anh hùng.
CÁT TƯỜNG