.

Bố trí lực lượng kiểm lâm tương xứng với yêu cầu bảo vệ rừng

.

Thành phố Đà Nẵng hiện có 59.989ha đất rừng và đất lâm nghiệp, trong đó rừng đặc dụng là 33.165ha, rừng phòng hộ 8.688 ha, rừng sản xuất 15.351ha. Để quản lý, bảo vệ diện tích rừng trên, ngoài lực lượng của các chủ rừng, các địa phương, là lực lượng kiểm lâm.

Lực lượng kiểm lâm kiểm tra gỗ lậu bị tịch thu.

Hiện tại, ngoài các phòng chức năng, Chi cục Kiểm lâm có 3 đơn vị trực thuộc đó là Hạt Kiểm lâm huyện Hòa Vang, Hạt Kiểm lâm quận Liên Chiểu, Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn và Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa. Từ trước đến nay, lực lượng kiểm lâm đã tích cực giám sát việc quản lý, bảo vệ rừng và kiểm soát lâm sản tại các địa phương và đơn vị chủ rừng. Nhờ vậy, tình trạng phá rừng giảm đáng kể so với nhiều năm trước đây. Tuy vậy, tại các khu rừng đặc dụng, “máu rừng” vẫn chưa ngừng chảy. Một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do lực lượng kiểm lâm bố trí chưa hợp lý.

Ai cũng biết, vận chuyển gỗ trong rừng sâu đưa ra bìa rừng là việc không hề đơn giản. Từ bìa rừng để vận chuyển gỗ về xuôi chỉ có thể đi theo 2 con đường, đó là đường sông và đường bộ. Tại lâm phận xã Hòa Bắc, lâm sản về xuôi chỉ có thể từ sông Cu Đê và đường 601. Đường sông có chỗ chỉ rộng 50 - 70 m, ngăn chặn cũng không mấy khó khăn nếu như tại đó có một trạm chốt chặn, canh trực 24/24 giờ. Hoặc trên đường bộ, chỉ cần có Trạm Kiểm soát lâm sản, lâm tặc khó có thể đưa cây gỗ qua nổi. Thế nhưng gỗ vẫn về xuôi trót lọt chỉ vì trên suốt chặng dài đường sông và đường bộ, không có điểm chốt chặn.

Tại sao có tình trạng này? Trước hết do lực lượng kiểm lâm quá mỏng nhưng bố trí chưa hợp lý. Trong khi cả huyện Hòa Vang có 51.267ha rừng nhưng chỉ được biên chế 21 cán bộ, nhân viên. Ngoài số CBCC làm việc chuyên môn tại văn phòng Hạt, chỉ còn hơn 10 người đảm nhiệm việc kiểm tra, kiểm soát trên một khu vực rộng lớn trên 50 nghìn ha. Họ không thể chốt chặn nổi lâm tặc cũng là điều dễ hiểu. Trong khi ở Hòa Vang, diện tích rừng lớn, nhân lực ít, thì ở Sơn Trà, nơi chỉ còn 2.591ha rừng thì có đến 16 cán bộ, nhân viên và ở Liên Chiểu - nơi có 2.544ha, chủ yếu là rừng trồng - có 15 cán bộ, nhân viên. Với địa hình và thực tế đời sống hiện nay, Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà rất ít khi bị xâm hại, do người dân các vùng lân cận không lên núi lấy củi nữa, các đơn vị du lịch phủ kín xung quanh. Hơn nữa, lâm sản tại đây ít có giá trị về kinh tế. Hoặc như ở Liên Chiểu, nơi chỉ có 2.544ha rừng, chủ yếu là rừng trồng, có nên bố trí lực lượng kiểm lâm đông như vậy?

Theo chúng tôi, cần ưu tiên lực lượng kiểm lâm cho bảo vệ rừng ở huyện Hòa Vang và đặc biệt chú trọng lâm phận xã Hòa Bắc. Rừng tại khu vực này không chỉ giàu tài nguyên lâm sản mà còn có giá trị rất lớn về phòng hộ đầu nguồn, nếu rừng bị xâm hại, không chỉ lâm sản cạn kiệt mà môi trường sinh thái cả khu vực sẽ biến đổi khó lường. Khi rừng được bảo vệ nghiêm ngặt, chắc chắn hạn chế lâm sản trái phép về đô thị. Và như vậy, việc quản lý lâm sản nội thị sẽ đơn giản hơn và lực lượng tại đây sẽ không cần nhiều người như hiện nay. 

 Bài và ảnh: Nguyễn Cầu 

;
.
.
.
.
.