.

Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc

.

Mặc dù tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chỉ chiếm 0,6% tổng dân số toàn thành phố, nhưng những năm qua, Đảng bộ và chính quyền thành phố đã triển khai rất nhiều chính sách nhằm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc. Từ đó tạo sự bình đẳng, đoàn kết giữa các thành phần dân tộc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội.        

Đầu tư cho phát triển kinh tế

100% đồng bào dân tộc Cơtu được khám chữa bệnh miễn phí.         (Ảnh minh họa)


Thành phố Đà Nẵng hiện có 32 dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó, phần lớn là người Cơtu và người Hoa. Nếu như người Hoa sống tập trung phần lớn ở trung tâm thành phố, một số ít sống tại thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang thì đa số người dân tộc Cơtu lại sống tập trung tại những vùng miền núi, chủ yếu là ở thôn Phú Túc, xã Hòa Phú và thôn Tà Lang, Giàn Bí, xã Hòa Bắc.

Chính vì vậy, đời sống của đồng bào dân tộc Cơtu so với những thành phần dân tộc khác có những khó khăn nhất định. Cư trú chủ yếu ở địa hình miền núi, do vậy người Cơtu khó có thể phát triển sản xuất lương thực hàng hóa. Trong khi đó, điều kiện đi lại khó khăn, địa hình cách trở, xa trung tâm cũng hạn chế phần nào nhu cầu phát triển đời sống kinh tế-xã hội của đồng bào Cơtu.

Để tạo điều kiện cho bà con dân tộc Cơtu các xã miền núi huyện Hòa Vang cải thiện đời sống, chính quyền thành phố đã thực hiện nhiều chương trình phát triển cụ thể, thiết thực, phù hợp với tập quán sinh hoạt, sản xuất của bà con.

Trong đó, để giúp đồng bào dân tộc có lương thực trang trải cuộc sống hằng ngày, các cấp, các ngành liên quan đã thực hiện giải pháp tận dụng địa hình để phát triển lúa nước, từng bước đưa khoa học-kỹ thuật và kết hợp thủy lợi vào sản xuất, đầu tư nâng cấp các hồ đập chứa nước, các trạm bơm, xây dựng hệ thống nước tự chảy… Nhờ những biện pháp này mà năng suất lúa tăng từ 40-45 tạ/ha lên 52 tạ/ha.

Cuộc sống của đồng bào dân tộc Cơtu quanh năm gắn bó với núi rừng. Do vậy, phát triển kinh tế rừng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm cải thiện và tạo thu nhập cho các hộ đồng bào dân tộc. Với Chương trình 134/CP về giao đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, huyện Hòa Vang đã giao 456,67ha đất rừng cho người Cơtu ở 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí, xã Hòa Bắc và 141ha đất rừng cho các hộ dân tộc thôn Phú Túc, xã Hòa Phú.
 
Cùng với chương trình này là việc thực hiện giao 6.000ha rừng để bà con 3 thôn nói trên quản lý, bảo vệ. Mặc dù được tạo điều kiện để phát triển kinh tế rừng, nhưng ngoài thu nhập để ổn định đời sống, ý thức về bảo vệ tài nguyên, môi trường rừng ở bà con dân tộc chưa cao, việc khai thác thế mạnh về đất rừng chưa đạt hiệu quả.

Cùng với các giải pháp trên, thành phố cũng chú trọng đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, giúp đồng bào dân tộc phát triển kinh tế trang trại với quy mô nhỏ, đủ để bảo đảm cuộc sống và tạo thu nhập ổn định cho người dân.

Bảo đảm an sinh xã hội

Trong các chính sách an sinh xã hội dành cho đồng bào dân tộc Cơtu, có thể nhận thấy, hiệu quả nhất là chính sách đầu tư cho giáo dục. Một điều đáng ghi nhận là tỷ lệ học sinh người dân tộc đến trường ngày càng tăng, học sinh bỏ học rất ít. Kết quả này có được nhờ thực hiện chính sách miễn học phí hoàn toàn cho con em đồng bào dân tộc.
 
Đồng thời, trợ cấp thường xuyên hằng tháng cho từng em ở từng cấp học khác nhau. Trong đó, năm 2008, mức phụ cấp cho học sinh cấp mầm non là 50.000 đồng/tháng, tiểu học 130.000 đồng/tháng, THCS 432.000 đồng/tháng.

Từ năm 2007-2009, thành phố đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng trường học, mua sắm trang thiết bị dạy học, thực hiện chế độ cử tuyển cho học sinh người dân tộc… Riêng Trung tâm Dạy nghề huyện Hòa Vang đã tổ chức đào tạo nghề may, nghề mộc cho 40 em là người dân tộc và giới thiệu các em đến làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Với chính sách đầu tư giáo dục hiệu quả, thành phố Đà Nẵng đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để con em dân tộc Cơtu tiếp cận với kiến thức văn hóa ở trình độ ngày càng cao, giúp các em nâng cao trình độ học vấn và tự tin hơn khi hòa nhập với xã hội.

Một thực tế đáng buồn là tỷ lệ hộ dân tộc Cơtu thuộc diện nghèo còn khá cao, với 175/244 hộ, chiếm tới 71,7% trong tổng số hộ đồng bào dân tộc Cơtu. Để giúp bà con từng bước thoát nghèo, các cấp, ngành đã hỗ trợ giống cây, bò giống, chuyển giao kỹ thuật, cho vay vốn để họ phát triển sản xuất. Mặc dù vậy, sự tiếp nhận và cách thực hiện của đồng bào dân tộc Cơtu vẫn chưa hiệu quả, chỉ một số hộ tận dụng được những chính sách ưu đãi của thành phố để vươn lên thoát nghèo, số còn lại vẫn còn trong tình trạng khó khăn, đời sống không ổn định.

Ngày nay, đến với các thôn Phú Túc, xã Hòa Phú hay thôn Tà Lang, Giàn Bí, xã Hòa Bắc, đường giao thông đã thuận tiện hơn rất nhiều, ô-tô có thể vào tận làng, 100% gia đình có công trình vệ sinh và sử dụng nước sạch, không còn tình trạng nhà tạm bợ như trước. Tính đến năm 2004, 100% hộ đồng bào dân tộc có điện sinh hoạt, mỗi thôn đều được xây dựng một nhà Gươl để sinh hoạt cộng đồng. Mạng lưới điện thoại, phát thanh, truyền hình đã đến với từng nhà, giúp cho bà con tiếp cận với những phương tiện truyền thông hiện đại. 100% đồng bào dân tộc Cơtu được chữa bệnh miễn phí.

Làm sao để người Cơtu có cuộc sống ấm no, ổn định, có của ăn, của để, con cái được học hành, có việc làm, có thu nhập cao… là mục tiêu phấn đấu của các cấp chính quyền thành phố. Để làm được điều này là cả một nỗ lực lâu dài, không chỉ là những chính sách hỗ trợ hợp lý mà còn tập trung vào việc thay đổi tập quán sản xuất, sinh hoạt của đồng bào dân tộc Cơtu, trên cơ sở giữ nguyên những nét truyền thống của tộc người Cơtu.

Là một thành phố phát triển, Đà Nẵng không thể thiếu sự quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là người Cơtu. Họ là một thành phần quan trọng làm nên sức sống, sự đa dạng về văn hóa của Đà Nẵng và hình thành nên khối đại đoàn kết bền vững để xây dựng và phát triển thành phố.

Bài và ảnh: HÀ AN

;
.
.
.
.
.