.
CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 15, HĐND THÀNH PHỐ KHÓA VII

Sôi nổi, thẳng thắn nhưng nặng tính sự vụ

.

Sáng 24-12, trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 15, HĐND thành phố khóa VII, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đã chủ trì phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND thành phố. Đại diện lãnh đạo UBND thành phố và các Sở: Xây dựng, Giao thông-Vận tải, Tài nguyên-Môi trường, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... đã trả lời trực tiếp những vấn đề đại biểu chất vấn tại hội trường.

Đại biểu Đỗ Thị Kim Lĩnh chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: S.TRUNG

Dự án xây dựng cơ bản triển khai chậm

Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng trả lời 8 ý kiến của các đại biểu: Nguyễn Thị Anh Đào, Đỗ Thị Kim Lĩnh, Huỳnh Minh Nhơn, Thái Thanh Hùng, Nguyễn Thu, Nguyễn Quang Nga và Ngô Xuân Thắng. Thừa ủy quyền của UBND thành phố, ông Nguyễn Ngọc Tuấn đã trả lời hai vấn đề về việc xây dựng hệ thống thoát nước khu vực Khe Cạn (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) và tiến độ thi công kênh 16m tại Khu dân cư Phong Bắc, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Sở Xây dựng đã đề nghị và UBND thành phố thống nhất chủ trương triển khai công tác chuẩn bị đầu tư đề án quy hoạch thoát nước khu vực Khe Cạn trong năm 2010. Đây là dự án lớn, liên quan đến nhiều dự án thoát nước khác trong khu vực, vì vậy, trong quá trình chuẩn bị đầu tư, căn cứ vào quy mô và kế hoạch thực hiện, UBND thành phố mới quyết định tiến độ xây dựng dự án.

Đại biểu Đỗ Thị Kim Lĩnh yêu cầu Sở Xây dựng đưa ra thời gian chính xác khi nào dự án này sẽ triển khai. Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, về tiến độ xây dựng thì đến Kỳ họp thứ 16 HĐND thành phố năm 2010 mới xác định được. Ông Tuấn lý giải nguyên nhân kênh 16m ở phường Hòa Thọ Đông chậm triển khai là do trách nhiệm của đơn vị thi công và thời tiết bất thường. Ngày 15-12-2009, UBND thành phố đã ban hành Thông báo số 4154 đồng ý gia hạn thời gian thi công công trình này đến tháng 5-2010.

Cũng liên quan đến xây dựng cơ bản, một số đại biểu phản ánh thông tin từ phía cử tri cho rằng còn nhiều dự án chậm triển khai, chất lượng chưa đúng yêu cầu, gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Trong đó, đại biểu Thái Thanh Hùng chất vấn về tình hình ngập úng tại nhiều khu vực trong quá trình chỉnh trang, xây dựng, phát triển đô thị, chẳng hạn như khu tái định cư tổ 14, khu vực Hòa Phú, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu.

Đại biểu Nguyễn Thu phản ánh tình trạng ngập úng cục bộ ở một số khu dân cư phường Mân Thái, quận Sơn Trà. Về tình trạng ngập úng, ông Nguyễn Ngọc Tuấn giải trình: “Sở Xây dựng đang tổ chức quy hoạch tổng thể khớp nối hệ thống thoát nước. Qua đó, xem xét, đề xuất đầu tư xây dựng khớp nối mạng thoát nước chính theo thứ tự ưu tiên tại các khu vực trọng điểm, chú ý đến các khu vực chỉnh trang liên quan đến các khu dân cư mới và khu dân cư hiện có. Đề án sẽ được hoàn thành và trình UBND thành phố phê duyệt vào tháng 4-2010”.

Trả lời chất vấn của đại biểu Huỳnh Minh Nhơn về dự án Khu công nghiệp Hòa Khương, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, hiện chưa có quy hoạch chi tiết khu công nghiệp này. Vì vậy, UBND thành phố đã cho phép các công trình nằm trong ranh giới khu công nghiệp có thể sửa chữa, cải tạo nguyên trạng hoặc chỉ được cải tạo xây dựng đến quy mô 2 tầng với diện tích mở rộng không quá 50m2 hoặc đến quy mô 1 tầng với diện tích mở rộng không quá 100m2.

Cũng tại buổi chất vấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương đã trả lời ý kiến đại biểu về thời gian hoàn thành mặt bằng để bố trí tái định cư cho các hộ trong diện di dời để mở rộng đường ĐT 602. Theo đó, UBND thành phố đã đầu tư 5 khu tái định cư dọc tuyến ĐT 602 và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra quá trình thực hiện 5 dự án này và hiện đã bố trí 102 lô ở khu dân cư số 1. Các khu dân cư còn lại dự kiến quý 1 năm 2010 cơ bản xong, phấn đấu hoàn thành bố trí đất tái định cư cho dân vào quý 2 năm 2010.

Về dự án trục Tây Bắc trên địa bàn quận Thanh Khê (khu vực Ngã ba Huế thuộc phường Thanh Khê Tây đến phường Hòa Minh), thành phố đang tiếp tục rà soát cụ thể về quy hoạch, dự kiến hoàn thành vào quý 2 năm 2010. Đối với dự án Khu đô thị sinh thái Quan Nam, Thủy Tú, theo kế hoạch sẽ thực hiện từ năm 2010 đến 2016. Trong giai đoạn 2010-2013, tiến hành chi trả đền bù, giải tỏa, triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Hiện có gần 4.000 hồ sơ đền bù liên quan đến dự án này với tổng dự toán đền bù 380 tỷ đồng; trên 1.000 hồ sơ đã được kiểm định.

Đường giao thông xuống cấp

Bên cạnh các chất vấn về tiến độ thi công các dự án xây dựng cơ bản, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến về tình trạng xuống cấp của hệ thống giao thông, trong đó có tuyến đường Nguyễn Tất Thành, một số tuyến đường thuộc quận Liên Chiểu. Đại biểu Nguyễn Hoàng Sơn cho biết: Vấn đề các tuyến đường Nguyễn Chánh, Phan Văn Định thuộc quận Liên Chiểu đã được cử tri nêu ra nhiều lần, nhưng vẫn không làm. Con đường này đã xuống cấp, đặc biệt là trong mùa mưa không đi được. Người dân chấp hành nghiêm chỉnh việc di dời nhưng phải giải quyết dứt điểm việc làm đường để người dân đi lại.

Ông Sơn bức xúc nói: “Về đường Nguyễn Tất Thành, khi tiếp xúc cử tri, nhân dân rất bức xúc, căng thẳng, thậm chí người dân bảo nhờ trời mới phát hiện ra chất lượng kè dọc tuyến đường này, người dân đề nghị làm rõ tại sao kè đạt chất lượng thấp? Do nguyên nhân hút cát có đúng không?”. Ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải giải trình: “Sở đã đề xuất bố trí kế hoạch vốn năm 2010 cho 2 công trình đường Nguyễn Chánh và Phan Văn Định”.

Về chất lượng kè chắn sóng đường Nguyễn Tất Thành, ông Dũng trả lời ý kiến đại biểu: Vào thời điểm thiết kế và xây dựng kè, do mép nước biển cách vị trí xây dựng kè là 30-70m, một số vị trí trước kè là đụn cát và rừng phi lao, đồng thời do kinh phí hạn hẹp nên phía tư vấn đã đề xuất xây dựng kè bê-tông trọng lực, không có cốt thép cho đoạn từ cầu Phú Lộc đến Liên Chiểu.

Do nước biển xâm thực, mưa bão lớn nên hệ thống kè chịu nhiều điều kiện bất lợi hơn so với thiết kế ban đầu. Hiện Sở Giao thông - Vận tải đang chỉ đạo các đơn vị thi công khẩn trương tiến hành khắc phục mố cầu Phú Lộc để hoàn thành trước Tết Nguyên đán; đồng thời triển khai gia cố kè trọng lực và xây dựng lại vỉa hè, dự kiến hoàn thành trong quý 1 năm 2010.

Ô nhiễm môi trường vẫn còn bức xúc

Tại buổi chất vấn, đại biểu HĐND thành phố đã đề nghị ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường giải trình nhiều vấn đề về tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu vực như: Trạm xử lý nước thải Hòa Cường; ô nhiễm tiếng ồn từ Công ty Thép Thái Bình Dương và Công ty Thép Dana-Ý ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang; ô nhiễm nguồn nước do khai thác vàng tại Khe Đương; tình trạng ô nhiễm môi trường ở Khu công nghiệp Hòa Khánh, Khu công nghiệp Liên Chiểu…

Đại biểu Trần Huy Đức cho rằng cần giải quyết dứt điểm ô nhiễm ở Trạm xử lý nước thải Hòa Cường để không làm ảnh hưởng đến đời sống của khu vực này. Trong khi đó, đại biểu Bùi Diệu Thanh nhấn mạnh: “Cử tri phản ánh rất nhiều về việc hút cát ở khu vực sông Phú Lộc. Thành phố quy định không cho hút cát, chỉ cho khơi thông dòng chảy ở sông Phú Lộc nhưng thực tế không phải vậy. Đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường đề xuất UBND thành phố cho kiểm tra lại và trả lời dứt khoát cho cử tri”.

Đại biểu Nguyễn Quang Nga chất vấn: Việc khai thác vàng gây ô nhiễm môi trường, vậy có nên cho tiếp tục khai thác không? Ông Nguyễn Điểu cho biết: Công ty TNHH Trường Sơn đã dừng việc khai thác vàng tại Khe Đương để tiếp tục thăm dò. Công ty này đã nộp 100 triệu đồng tiền thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường, cùng với 35% sản phẩm vàng khai thác trong năm 2009 cho thành phố (tương đương 950 triệu đồng).

Công ty không dùng hóa chất để tách vàng mà sử dụng hoàn toàn bằng phương pháp tuyển đãi trọng lực nên không gây ô nhiễm môi trường. Về xử lý nước thải Khu công nghiệp Hòa Khánh, hiện còn 150ha chưa có hệ thống thu gom về trạm xử lý tập trung. Hệ thống thu gom cho phần diện tích còn lại này dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 2 năm 2010. Tại Khu công nghiệp Liên Chiểu, Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng đang lập kế hoạch thi công hệ thống xử lý nước thải, dự kiến quý 2 năm 2010 triển khai xây dựng và hoàn thành vào cuối năm 2010.

Ông Nguyễn Điểu cũng đã trả lời ý kiến chất vấn của các đại biểu HĐND về những giải pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các điểm nóng như: Bãi rác Khánh Sơn, hồ Đầm Rong, sông Phú Lộc, các cửa cống dọc tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc, Âu thuyền Thọ Quang, hồ Đảo Xanh… Riêng ở khu vực sông Phú Lộc, hiện thành phố đã cấp kinh phí cho Công ty Quản lý, sửa chữa công trình giao thông và thoát nước xây dựng miệng cống xả chìm dưới mặt nước sông để giảm thiểu mùi hôi và bọt trắng. Về tình trạng hút cát ở khu vực sông Phú Lộc, ông Nguyễn Điểu cam kết sẽ kiểm tra và có ý kiến với UBND thành phố.

Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cũng cho biết, Trung tâm hỏa táng của thành phố hiện đã hoàn thành, theo kế hoạch đến cuối tháng 12 sẽ khánh thành và đưa vào hoạt động chính thức. UBND thành phố có chính sách hỗ trợ cho hoạt động hỏa táng trong 4 năm đầu. Năm 2010, Sở sẽ phối hợp cùng các ngành, hội, đoàn thể để tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư về lợi ích kinh tế và xã hội khi sử dụng phương pháp hỏa táng.

Xã hội hóa thương mại và hỗ trợ phát triển thủy sản - nông - lâm

Về ý kiến liên quan đến hoạt động của Công ty CP Thương mại-Bất động sản (TM-BĐS) Bài Thơ tại khu Trung tâm Thương mại - Siêu thị Đà Nẵng, ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công thương giải trình: “Việc giao khoán cho công ty này nằm trong chủ trương xã hội hóa các cơ sở thương mại của thành phố. Công ty Bài Thơ đã thực hiện việc tập trung cải tạo, nâng cấp nhưng thời điểm nhận khoán xảy ra khủng hoảng kinh tế, lạm phát nên kinh doanh đi vào bế tắc. Công ty vẫn bảo đảm nguồn khoán nghĩa vụ với thành phố và kêu gọi các doanh nghiệp khác góp vốn đầu tư. Về mặt pháp lý, không thể chấm dứt hợp đồng với công ty này. Kinh doanh được hay chưa được thì do yếu tố chủ quan của Công ty Bài Thơ.

Trong lúc khó khăn cần tìm cách tháo gỡ khó khăn, đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước!“. Hiện nay, Sở đã giao cho Công ty CP TM-BĐS Bài Thơ xây dựng phương án mới về Trung tâm này. Công ty đang hoàn chỉnh thủ tục cần thiết, cuối tháng 12 sẽ báo cáo phương án lên UBND thành phố. Đến khi có phương án cụ thể, Sở sẽ cùng các ngành xem xét, đề xuất UBND có ý kiến về trung tâm này. Đến Kỳ họp 16 HĐND thành phố, Sở Công thương sẽ báo cáo kết quả cụ thể về việc xử lý vấn đề liên quan đến Trung tâm Thương mại-Siêu thị Đà Nẵng và Công ty CP TM-BĐS Bài Thơ.

Đại biểu Bùi Diệu Thanh cho rằng mục đích xã hội hóa phải bảo đảm hoạt động kinh doanh bình thường, ổn định của các hộ kinh doanh ở đó. Trong khi hiện nay, siêu thị vắng, không kinh doanh hiệu quả. Do vậy, chủ trương xã hội hóa là tốt nhưng cần rút kinh nghiệm, điều chỉnh, sửa đổi để bảo đảm hoạt động ổn định để các hộ kinh doanh.

Trả lời chất vấn việc hỗ trợ cho ngư dân, ông Hồ Phó, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để hỗ trợ ngư dân, Sở đã đề nghị UBND thành phố thực hiện các giải pháp như: chỉ đạo ngư dân khai thác theo tổ, đội, theo ngành nghề để hỗ trợ nhau trong sản xuất, cung ứng dịch vụ; hỗ trợ máy thông tin liên lạc tầm xa để hướng dẫn tránh bão, lũ, cứu hộ, cứu nạn, nắm bắt giá cả thị trường; triển khai chương trình hỗ trợ thiết bị để bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho nghề cá; hỗ trợ đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng…

Để hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, Sở đề nghị các giải pháp như: cho vay vốn với lãi suất thấp hoặc không lãi suất để đóng mới tàu công suất lớn, mua trang thiết bị khai thác, thông tin liên quan, bảo quản sản phẩm; hỗ trợ dầu cho ngư dân khai thác xa bờ ở những vùng biển nhạy cảm; hỗ trợ 100% về thiệt hại do thiên tai, địch họa đối với các tàu khai thác xa bờ và các vùng chồng lấn giữa các nước; có chính sách ưu đãi thu hút nhân lực cho cán bộ kỹ thuật trực tiếp đi biển…

Ngoài các ý kiến nêu trên, những ý kiến còn lại của đại biểu HĐND sẽ được UBND thành phố và các Sở liên quan trả lời bằng văn bản sau kỳ họp.

MỸ HẠNH

;
.
.
.
.
.