Để hưởng các quyền lợi như được trợ cấp tiền, gạo, học bổng, BHYT..., nhiều hộ trung bình, thậm chí khá giả bèn tìm mọi cách để mình được công nhận hộ... nghèo. Cán bộ chuyên trách giảm nghèo phải chật vật mới đưa được “các hộ không nghèo” ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Nửa số “người nghèo” không nghèo
Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ tiền hỗ trợ người nghèo. |
Quyết định đưa gần 300 trong 571 hộ nghèo ra khỏi danh sách nghèo của phường An Hải Đông (quận Sơn Trà) vào cuối năm nay làm nhiều người sửng sốt. Tương tự, hơn phân nửa trên tổng số 313 hộ nghèo của phường Thạch Thang (quận Hải Châu) cũng sẽ “thoát nghèo” trong 2 tháng tới. Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND phường Thạch Thang giải thích:
“Đầu năm, điều tra viên do thành phố đưa về là sinh viên, các em chưa đủ kinh nghiệm sống để nhận biết người dân có giấu thu nhập hay không”. Nương theo chuẩn nghèo mới của Đà Nẵng là thu nhập bình quân mỗi người trong hộ dưới 500 nghìn đồng/tháng, rất nhiều hộ đã cố tình khai không đúng về các khoản thu nhập, lợi tức... để từ chỗ hộ trung bình, khá, bỗng “tụt” xuống hộ nghèo.
Theo bà Trương Thị Nhãn, cán bộ chuyên trách xóa nghèo phường An Hải Đông, trong gần 15 năm nay, Nhà nước ngày càng dành nhiều chính sách ưu đãi cho người nghèo như miễn thuế đất, cấp thẻ BHYT, hỗ trợ sửa chữa nhà cửa, miễn học phí cho con cái... nên ngày càng có nhiều người muốn đứng vào “hàng ngũ” người nghèo.
Bà Nhãn kể: “Nhiều người là cán bộ hưu trí, thu nhập bình quân đầu người trong hộ trên 1 triệu đồng/tháng cũng nằng nặc đòi được coi là hộ nghèo. Có người vừa thấy bóng cán bộ xóa nghèo vào, đã vội thanh minh về những tài sản trong nhà: “xe đó con tui mượn”, “tủ lạnh ni nhà hàng xóm mới gởi”… Hoặc như lời bà Thu, có hộ mỗi lần được địa phương mời lên đối thoại, liền đi bệnh viện và tập hợp các loại thuốc, giấy khám bệnh để chứng minh mình bệnh tật để được hỗ trợ.
Bà Thu cho biết, thậm chí cả tổ trưởng cũng tự “ứng cử” hoặc đưa tất tần tật con cái mình vào hộ nghèo. Có nhà giải tỏa xong thu hơn 1 tỷ đồng tiền bán đất, mua lại căn nhà 600 triệu, mua thêm một lô đất xây nhà cho thuê; có người ở một thân một mình trong ngôi nhà tầng kiên cố, nội thất toàn đồ gỗ cao cấp, được anh em ở nước ngoài chu cấp hằng tháng... cũng cứ một mực là “tui nghèo”.
Bị ghét vì cho nhiều hộ “thoát nghèo”
Kinh nghiệm gần 15 năm tiếp xúc với người nghèo của bà Nhãn cho thấy, việc đấu tranh để phát hiện ra các hộ không nghèo thực sự là một cuộc chiến, mà cán bộ phải đầy đủ kinh nghiệm sống, am hiểu các nghề nghiệp trong xã hội, tinh tường giá cả thị trường và nắm bắt được tâm lý người dân mới có thể “lần” ra được.
Để xác định thu nhập của người dân, bà Nhãn tìm cách truy vấn về các khoản chi. Ngay khi chúng tôi gặp bà, cũng có một hộ đến nêu nguyện vọng được đưa vào hộ nghèo. Sau khi hỏi về nhân thân và một số thông tin liên quan, bà lần lượt cộng các khoản chi từ ăn uống, sinh hoạt đến cả chuyện phải không, cưới hỏi… của hộ này và nói: “Mỗi tháng nhà chị chi đến 2,4 triệu, nhưng thu nhập chỉ có 800 nghìn đồng.
Vậy với khoản thâm quá lớn này, chị lấy gì để bù vô?”. Dù điều tra về các khoản chi chưa phải là căn cứ duy nhất để kết luận hộ đó có thực sự nghèo hay không, nhưng bà Nhãn nói, đó là cơ sở đáng tin để nhận biết sự chân thực của người dân.
Còn chị Võ Thị Vân, cán bộ chuyên trách giảm nghèo của phường Phước Ninh (quận Hải Châu) cho hay, trước khi đến nhà hộ nghèo, phải điều tra thông tin từ cán bộ tổ dân phố hoặc bà con chung quanh. Sau đó, chị hỏi thu nhập của người dân theo từng ngày (vì có thể người dân chỉ làm việc thời vụ, ăn lương ngày) để suy ra thu nhập cả tháng. Cách của bà Thu là đến nhà dân ngay... bữa cơm để đánh giá sơ bộ chất lượng sống và thu nhập thông qua thức ăn trên mâm.
Chính vì kiên quyết đưa các hộ không nghèo ra khỏi danh sách nên nhiều cán bộ giảm nghèo bị ghét, bị cho là nguyên tắc, cứng nhắc. Bà Nhãn kể: “Có người gặp tôi ngoài đường không thèm chào vì cho rằng, tại tôi mà họ mất quyền lợi. Có khi người dân còn tới tận trụ sở UBND phường hùng hổ: “Ai biểu đưa tui ra?”.
“Ngay cả cán bộ phường, cán bộ tổ dân phố, vì muốn bảo vệ quyền lợi cho người thân của mình, nên gây căng thẳng với chúng tôi”, bà Thu chia sẻ. Theo bà Thu, dù không được giải quyết, nhiều hộ vẫn “chạy quanh” các phòng khác trong Ủy ban, tìm người quen để... vận động, nhằm làm áp lực cho cán bộ chuyên trách giảm nghèo “kê” tên mình vào.
“Trên địa bàn phường tôi, có trên 10 hộ dù gia cảnh khó khăn nhưng nhất quyết không chịu vào danh sách hộ nghèo, vì họ cho rằng mình còn sức lao động, và muốn nhường suất đó cho người khó khăn hơn. Đối với những trường hợp như vậy, địa phương đều xét hỗ trợ cho họ hưởng các chế độ quà tặng, trợ cấp đột xuất”, bà Lê Thị Lan, cán bộ chuyên trách giảm nghèo phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, cho biết. |
Bài và ảnh: HẰNG VANG - THU HOA