Nơi cần thì không có, nơi có lại không cần, đã vậy nhiều trạm chờ xe buýt (TCXB) đang bị biến thành “quán” cà phê, “giường ngủ”, kho chứa hàng và… rác. Đó là kết quả những gì chúng tôi “mục sở thị” những TCXB trên địa bàn thành phố hiện nay.
Trạm chờ xe buýt này từ lâu đã trở thành nơi buôn bán và sửa chữa xe máy, xe đạp, nhưng chẳng thấy cơ quan nào xử lý. |
Tuy nhiên, thời “hoàng kim” đó nhanh chóng qua đi và các TCXB nhanh chóng gặp “tai nạn” mà các DN, cơ quan chức năng không lường hết đuợc. Đầu tiên là hầu hết các TCXB đều bị rơi vào tình cảnh hình ảnh quảng cáo bị bôi bẩn, thậm chí có một số nơi còn bị những người vô ý thức viết chữ có nội dung dung tục lên phần quảng cáo. Đặc biệt, gần như tất cả phần nội dung hướng dẫn lộ trình chạy các tuyến xe buýt do nằm phía dưới, nên đều bị xé nát, không còn sử dụng đựơc, khiến các DN tốn rất nhiều công sức và tiền của để chỉnh sửa. Đáng nói nhất là việc một số TCXB bị biến thành nơi người ta mở đủ thứ hàng quán từ sửa xe, cà phê… cho đến quán ăn.
Theo em Lê Thị Hồng Hoa, sinh viên năm thứ 2 Khoa CNTT Đại học Bách khoa Đà Nẵng-hành khách thường xuyên đi xe buýt - cho biết: Hằng ngày, em đều đến TCXB trước khu vực Siêu thị Đà Nẵng để đón xe lên trường, tuy nhiên rất ít khi dám ngồi vào đây, vì TCXB đã thành nơi kinh doanh. Đặc biệt vào buổi trưa hoặc chiều, nơi đây lại trở thành chỗ ngủ của cánh xe ôm hoặc người say xỉn, tạo nên hình ảnh không văn minh, lịch sự trên đường phố. Bà Lê Thị Mười có nhà đối diện với cổng trường Đại học Bách khoa tỏ ra khá bức xúc: Ngay cổng trường có một TCXB là hợp lý rồi, nhưng do không ai quan tâm nên chính nơi đây đã trở thành nơi mọi người vô tư xả rác.
Đã vậy, gần sát TCXB này, Công ty Môi trường đô thị lại đặt thêm một thùng rác nên vệ sinh tại đây luôn kém. Tuy nhiên, điều làm bà Mười tỏ ra khó chịu nhất, đó là một số sinh viên trong lúc chờ xe đã lấy bút bôi xóa lên phần quảng cáo, một số khác lại dán đủ thứ quảng cáo của mình như cần việc làm, sửa chữa máy vi tính… đè lên cả phần quảng cáo của các DN. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã đến một phường có nhiều TCXB trên địa bàn để tìm hiểu thì được một Phó Chủ tịch phường (đề nghị không nêu tên vì địa phương đã kiến nghị nhiều rồi nhưng không kết quả) cho biết: “Đúng là việc gìn giữ trật tự vỉa hè trên địa bàn nào là UBND phường đó đảm nhận. Tuy nhiên, với lực lượng chỉ có 3 người, chúng tôi chỉ đủ sức giải quyết một số điểm nóng như tại các trường học và chợ, chứ còn mấy TCXB thì đành chịu thôi”.
Số lượng ít, bị chiếm dụng vào mục đích khác và việc đặt các TCXB không hợp lý đã “góp phần” vào tình trạng thiếu vị trí để người đi xe buýt chờ chuyến, lên-xuống. Chỉ một đoạn ngắn trên đường Điện Biên Phủ đoạn trước Siêu thị Đà Nẵng đặt đến 3 TCXB, còn cả đoạn dài từ siêu thị này đến chợ Hàn lại không có một trạm nào cả. Trong khi đây là đoạn đường có mật độ hành khách lên-xuống xe buýt nhiều nhất trên tất cả tuyến xe buýt hiện nay.
Tương tự, đoạn từ Bến xe Trung tâm đến Tượng Mẹ Dũng sĩ Thanh Khê cũng không có một TCXB nào. Trong khi đó trên đường Lê Lợi, Hàm Nghi dù không có tuyến xe buýt nào chạy qua đây nhưng lại có đến 6 TCXB (?). Chính kiểu đặt TCXB “nơi cần không có, nơi có không cần” nên phổ biến tình trạng là nhiều xe buýt đón-trả khách không đúng nơi quy định, thay vào đó là đón-trả khách theo… yêu cầu của khách.
Để trả các TCXB về đúng chức năng của nó, các cơ quan hữu quan như Sở Giao thông-Vận tải, Sở Xây dựng, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, các phường cần chấn chỉnh lại các TCXB. Nếu không, các TCXB sẽ trở thành điểm mất vệ sinh và không bảo đảm văn minh trật tự phố phường.
Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN