.

Hai thế hệ, một cuộc về nguồn

.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội CCB Việt  Nam, Hội CCB và Đoàn Thanh niên Bệnh viện C Đà Nẵng phối hợp tổ chức Cuộc hành quân về nguồn đầy ý nghĩa và đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho mỗi thành viên.

Thắp hương ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.

...Hai thế hệ thầy thuốc đến tham quan Thành Cổ Quảng Trị khi đã quá 11 giờ trưa. Dù trời mưa nặng hạt, nhưng cả đoàn vẫn nghiêm trang làm Lễ dâng hương trên Tượng đài Thành Cổ. Tượng đài này ghi lại đầy đủ những ngày tháng khốc liệt trong mùa hè 1972, từ ngày 28-6 đến ngày 16-9. Đó là 81 ngày đêm quân ta kiên cường chiến đấu giữ Thành Cổ để tạo áp lực buộc địch ký kết Hiệp định Pa-ri. Trong khi ấy, Mỹ-ngụy điên cuồng phản kích bằng cả hải, lục, không quân hòng chiếm lại Thành Cổ.

Bình quân, mỗi chiến sĩ của ta đã phải hứng chịu 100 quả bom và 200 quả đạn, pháo các loại. Có nhiều ngày, quân ta chỉ có thể tiếp viện vào Thành Cổ bằng cách bơi qua sông Thạch Hãn dưới làn mưa đạn của quân thù và máu của bộ đội ta đã bao phen nhuộm đỏ cả dòng sông. Do đó, Thành Cổ Quảng Trị và dòng sông Thạch Hãn được coi là hai nghĩa trang liệt sĩ đặc biệt:

Nghĩa trang không có mộ! Chính vì vậy, Tượng đài Thành Cổ có mô hình tượng trưng một nấm mồ chung, bên trên là nơi hành lễ, còn ở trong là nguyên vẹn hành trang của một người chiến sĩ: chiếc ba lô, khẩu súng AK, mũ tai bèo, chiếc xẻng và bình đông nước.
 
Đoàn viên Huỳnh Đăng Kiên bùi ngùi tâm sự: Có đến xem di tích này, mình mới biết rõ sự tàn khốc của chiến tranh và sự hy sinh xương máu mà cha ông đã đổ xuống cho quê hương đất nước để chúng ta có được cuộc sống thanh bình hôm nay. Từ đó, mình thấy rằng, thế hệ trẻ hôm nay cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa để xứng đáng với sự hy sinh của cha anh. Chủ tịch Hội CCB Bệnh viện C Phạm Hữu Lộc khi nói chuyện với lớp trẻ đã nhiều lần nhắc lại 2 câu thơ: “Đò qua Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”...

Từ quốc lộ 1A rẽ lên phía tây theo đường Xuyên Á chừng 25km thì đến Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn - nơi yên nghỉ của hơn 10 nghìn liệt sĩ ở khắp mọi miền đất nước. Sau khi làm lễ viếng, CCB và đoàn viên thanh niên Bệnh viện C tỏa ra thắp hương trên các phần mộ. Nghĩa trang này rộng gần 40 hécta, chia làm 5 khu, rộng nhất là khu 4 có đến 3.949 mộ liệt sĩ quê ở Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, 3 tỉnh này luôn dẫn đầu cả nước về lực lượng tham gia bộ đội Trường Sơn và thanh niên xung phong làm nhiệm vụ trên đường Trường Sơn.

Khám bệnh cho CCB ở xã Gio Việt (Gio Linh-Quảng Trị).

 

Đi trong đoàn hôm nay, có CCB Hồng Nguyệt Ái, quê xã Kỳ Phú (Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Chị Nguyệt Ái bùi ngùi kể lại: Hồi ấy, tôi ở bộ phận thông tin của Trung đoàn vận tải 14 (Đoàn 559). Toàn đơn vị luôn chấp hành nghiêm nguyên tắc bí mật, vậy mà  thỉnh thoảng vẫn cứ bị máy bay địch bắn trúng đội hình. Trận bom đáng nhớ nhất xảy ra vào ngày 28-4-1971, cả 3 người đồng hương thân thiết nhất của tôi là Nguyễn Thị Lài, Nguyễn Thị Cam, Nguyễn Văn Báu đều hy sinh, và bây giờ họ đã “trở về đây” nằm cạnh nhau trong nắng núi gió ngàn và lần nào tới đây, tôi cũng tìm đến để “chuyện trò” cùng họ…

Hai điểm nhấn trong chương trình là việc tổ chức khám, chữa bệnh cho các CCB già yếu ở xã Gio Việt, huyện Gio Linh và toàn thể cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Tất cả mọi người đều được khám toàn diện, cấp thuốc chữa bệnh miễn phí, tặng một phần quà. Các chi phí này là từ kết quả phong trào thực hành tiết kiệm theo gương Bác Hồ tại Bệnh viện C cùng với sự vận động, đóng góp của đội ngũ thầy thuốc ở bệnh viện.

Chị Nguyễn Thị Bé, người có thâm niên công tác tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn cảm động nói: Làm việc tại đây đã tròn 30 năm, đây là lần đầu tiên Ban Quản lý được một đơn vị bệnh viện đến khám, chữa bệnh cho toàn thể cán bộ, nhân viên. Việc làm của đội ngũ thầy thuốc Bệnh viện C Đà Nẵng thật có ý nghĩa và thiết thực đối với chúng tôi.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.