.

KCN Hòa Khánh: Rác!

.

Cái gì có thể thiếu ở Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh chứ rác thải sinh hoạt thì không. Công nhân mặc nhiên xả rác, người dân vô tư xả rác, thùng đựng rác công cộng lại vắng hoe trong khu vực này, khiến bộ mặt của KCN bớt đẹp đáng kể.

Hố rác” trong chợ Thanh Vinh.     Ảnh: THU HOA
Đi khắp các con đường trong KCN, nhìn đâu cũng thấy rác. Quanh khuôn viên bên ngoài các công ty, chiếu rách, dép hư, ghế cũ, xà bần, v.v... vương vãi khắp nơi. Trong đó, nhiều nhất là bao ni-lông và các hộp nhựa - sản phẩm sót lại sau những bữa sáng vội vàng của công nhân. 

Vài ngôi chợ cóc trong khuôn viên KCN cũng trở thành bãi rác khổng lồ với vỏ trứng, vỏ trái cây, rau hư, ruột cá… ngổn ngang trên mặt đất. Người bán vô tư thẳng tay vứt rác, vì theo một người bán trái cây trước Công ty Đồ chơi trẻ em cho hay, mỗi ngày, một hộ kinh doanh tại chợ cóc trả 1.000 đồng cho người dọn rác.

Người này sẽ chịu trách nhiệm làm vệ sinh và thu gom rác chợ vào vị trí quy định. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, rác chợ được gom nơi này, sau đó lại được đổ bừa vào gốc cây, hoặc đổ xòa trên lề đường cách chợ không xa. Chưa kể, người dân quanh vùng thả bò gặm cỏ trong KCN đã gây ra những cảnh “chướng mắt” khi con đường nhựa thẳng tắp lại bị phân bò vương vãi trên lối đi.
 
Việc công nhân và người dân xả rác vô tội vạ đã rõ. Nhưng điều đáng nói là, nếu người có ý thức muốn bỏ rác đúng nơi quy định cũng khó tìm được thùng rác công cộng tại nơi này. Hầu hết các con đường chúng tôi đi qua đều không thấy bất kỳ một chiếc thùng rác nào!

Chính vì thế, những người muốn trước mặt nhà hoặc trước hàng quán của mình sạch đẹp thì chỉ còn cách “nai lưng” ra quét dọn mỗi ngày. Nhưng hễ dọn buổi tối thì sáng mai rác lại ngập tràn đâu vào đấy. Ông Nguyễn Dũng, người bán hàng ăn trong KCN cho hay, ngày nào ông cũng phải dọn rác và san đất cho bằng phẳng mới buôn bán được. “Xe rác có tới, nhưng người ta không ưng mất tiền nên trút hết ra đây”, ông Dũng nói. Nhiều bữa ông phải chất đống rồi đốt vì nếu chôn, bao ni-lông rất khó phân hủy.

Ông Đàm Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết: “Về vấn đề rác thải, địa phương đã nhiều lần đề nghị Ban quản lý KCN phối hợp với các công ty, xí nghiệp trong KCN cải tạo cảnh quan môi trường như trồng thêm cây xanh, đặt các thùng rác công cộng, làm hợp đồng thu gom rác”. Tuy nhiên, theo ông Hưng, Ban Quản lý KCN chưa quan tâm đến vấn đề này.

T.Hoa - T.Nhan

;
.
.
.
.
.