.

Nâng cao chất lượng dân số và cơ cấu giới tính khi sinh

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp, ổn định bộ máy dân số, nhưng ngành Y tế đã xác định giảm sinh và nâng cao chất lượng dân số là những yếu tố quan trọng cần đạt được để tạo đà cho công tác dân số ngày càng phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của thành phố trong những năm đến. Trao đổi với phóng viên (P.V) Báo Đà Nẵng về công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của thành phố trong thời gian qua, bác sĩ NGUYỄN  ÚT - Phó Giám đốc Sở  Y tế thành phố Đà  Nẵng cho biết:

Năm 2009, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng và chính quyền thành phố, phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp và nỗ lực của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ngành Y tế, công tác DS-KHHGĐ thành phố được củng cố kiện toàn bộ máy tổ chức từ thành phố đến các quận, huyện, xã, phường. Ở tuyến thành phố, Chi cục DS-KHHGĐ đã ổn định và hoạt động có hiệu quả. Tuyến quận, huyện đã thành lập các Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc Chi cục DS-KHHGĐ thành phố.

Ở cấp xã,  phường có đủ số cán bộ chuyên trách công tác DS-KHHGĐ bảo đảm về tiêu chuẩn. Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ từ thành phố đến các quận, huyện, xã, phường được thành lập và đi vào hoạt động đã huy động cả hệ thống chính trị các cấp tham gia thực hiện có hiệu quả công tác DS-KHHGĐ và thực hiện xã hội hóa công tác DS-KHHGĐ.

Đến nay, thành phố duy trì được mức sinh thay thế, góp phần ổn định quy mô dân số đạt dưới 1 triệu dân vào năm 2010; ước tỷ suất sinh thô năm 2009 giảm 0,35‰ so với năm 2008, đạt chỉ tiêu đề ra. Chất lượng dân số ngày càng được cải thiện. Năm 2009, trên địa bàn thành phố không có tử vong mẹ, ước tỷ lệ tử vong trẻ dưới 1 tuổi còn 8,49‰, tỷ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi còn 9,92‰ và tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi khoảng 10,7%.

* P.V:  Ngành Y tế đã có kế hoạch gì để ổn định công tác DS-KHHGĐ trong thời gian tới?

- Bác sĩ Nguyễn Út: Trong thời gian đến, ngành Y tế thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp và vai trò phối hợp của các ngành liên quan trong công tác DS-KHHGĐ. Ngành sẽ tiếp tục ổn định tổ chức bộ máy, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ của các Trung tâm DS- KHHGĐ, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ tại các Trạm Y tế xã, phường và mạng lưới cộng tác viên DS-KHHGĐ, bảo đảm các điều kiện triển khai công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, đáp ứng đầy đủ, kịp thời, an toàn, thuận tiện và chất lượng các dịch vụ DS-KHHGĐ.

Xây dựng các mô hình truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ, mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ; đẩy mạnh phong trào đăng ký không sinh con thứ 3 trở lên, triển khai tổ chức thực hiện tốt các dự án, đề án nhằm nâng cao chất lượng dân số và cơ cấu giới tính khi sinh trên địa bàn thành phố, tăng cường giám sát, thanh tra công tác DS-KHHGĐ. 

Từ những kết quả đạt được trong thời gian qua, đòi hỏi ngành Y tế cần phải tập trung mọi nỗ lực để duy trì, ổn định mức giảm sinh của thành phố, duy trì vững chắc mức sinh thay thế, thực hiện đạt các chỉ tiêu kế hoạch giao, chủ động kiểm soát tốc độ gia tăng dân số, phấn đấu giảm nhanh tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đối với các quận, huyện có mức sinh cao. Đồng thời, ngành triển khai xây dựng các mô hình điểm, các giải pháp can thiệp về kỹ thuật, kinh tế-xã hội nhằm giảm tỷ số giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số để đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phát triển bền vững của thành phố.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

VIỆT DŨNG (thực hiện)

;
.
.
.
.
.