.
NGÀY LÀM VIỆC THỨ HAI, KỲ HỌP THỨ 15 HĐND THÀNH PHỐ KHÓA VII

Tập trung cho phát triển bền vững

.

Ngày 23-12, trong ngày làm việc thứ hai, Kỳ họp thứ 15 HĐND thành phố khóa VII, buổi sáng các đại biểu (ĐB) đã thảo luận tại tổ và buổi chiều thảo luận tại hội trường về những kết quả thực hiện nhiệm vụ trong năm 2009 và đóng góp ý kiến vào phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng trong năm 2010.

Các đại biểu thảo luận tại hội trường.  Ảnh: M.HẠNH

Chú trọng yếu tố phát triển bền vững

Một số đại biểu HĐND cho rằng, các giải pháp mà UBND thành phố đề nghị nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hoàn thành các chỉ tiêu năm 2010 là chưa hiệu quả và còn chung chung. ĐB Bùi Diệu Thanh nhấn mạnh: “Cần có các giải pháp mạnh thì mới có thể hoàn thành các chỉ tiêu về sản xuất công nghiệp, thủy sản và xuất khẩu, vì đây là những chỉ tiêu quan trọng, tác động rất lớn đến sự tăng trưởng kinh tế”. Đóng góp ý kiến về định hướng phát triển kinh tế-xã hội thành phố trong năm 2010 và nhất là giai đoạn 5 năm 2011-2015, ĐB Mai Đức Lộc cho rằng, cần phải chú trọng đến yếu tố phát triển bền vững, trong đó chú ý tập trung cho lĩnh vực sản xuất một cách bài bản.

Để làm được điều đó, theo ĐB Mai Đức Lộc, phải xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi trong xu thế cạnh tranh ngày càng gay gắt, đòi hỏi Đà Nẵng phải có những giải pháp mang tính đột phá nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Trong xây dựng môi trường đầu tư, cần chú trọng đến thủ tục hành chính; tránh dàn trải và đổi mới cách thu hút đầu tư thì mới đủ sức hút các nguồn vốn, nhất là những doanh nghiệp (DN) lớn.

Để thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội, ĐB Phạm Kiều Đa cho rằng, cùng với phát triển cơ sở hạ tầng, thành phố cần có biện pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển, đặc biệt là các ngành dịch vụ, công nghiệp. Về du lịch, cần có biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng chèo kéo du khách, làm trong sạch môi trường du lịch để đẩy mạnh loại hình dịch vụ này. Thành phố nên giao cho một ngành đảm nhiệm, người đứng đầu ngành đó chịu trách nhiệm trước lãnh đạo thành phố nếu diễn ra hành vi chèo kéo du khách.

ĐB Nguyễn Thu phân vân về chỉ tiêu sản xuất công nghiệp và xuất khẩu năm 2010 quá cao. Doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu từ 10 triệu USD trở lên rất ít; nên sử dụng Quỹ đầu tư phát triển của thành phố hỗ trợ các DN xuất khẩu. Để thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” cần tăng cường hoạt động quảng bá và hỗ trợ, khuyến khích DN nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều ý kiến đề nghị tăng cường các hoạt động, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn kích cầu, vốn ưu đãi của Chính phủ.

Ông Hồ Phó, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho rằng thành phố thực hiện chiến lược kinh tế biển chưa đồng bộ, chủ yếu là khai thác hải sản; trong khi đó, Nghị quyết của Đảng bộ thành phố về lĩnh vực này là đa ngành, đa nghề. Hiện khai thác hải sản đang gặp nhiều khó khăn, ngư dân có xu hướng bỏ nghề. Năm 2009, ngư dân thành phố đã bán 100 tàu, trong đó có cả tàu đánh cá xa bờ có công suất từ 90CV trở lên. Cần có chính sách hỗ trợ ngư dân tiếp tục bám biển khai thác xa bờ, vừa giải quyết công ăn việc làm vừa tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển. “Chúng ta có những lực lượng chuyên trách bảo vệ biển nhưng ngư dân mới là lực lượng thường xuyên có mặt trên biển”-Ông Hồ Phó nhấn mạnh.

Các ĐB Ngô Xuân Thắng và Dương Thành Thị đều chung ý kiến rằng, năm 2009, lượng tàu đánh bắt hải sản ngày càng giảm, nhất là tàu xa bờ. Đối với ngành nông - lâm thì diện tích đất nông nghiệp đang thu hẹp rất lớn và ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng nông nghiệp. Đó là chưa kể tác động của điều kiện thời tiết trong năm 2009 ảnh hưởng đến ngành Nông nghiệp. Như vậy, liệu chỉ tiêu ngành Nông nghiệp đạt được trong năm 2009 có thật sự là trên 99% kế hoạch như báo cáo của UBND thành phố không? Từ đó, các đại biểu cho rằng, năm 2010, nếu không có biện pháp thiết thực và hiệu quả để tạo điều kiện cho ngư dân ra khơi thì không chỉ ảnh hưởng đến sản lượng đánh bắt mà còn tác động đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trên các vùng biển của Việt Nam.

Ông Võ Văn Thương, Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ thì cho rằng, trong những năm đến, Đà Nẵng có nhiều sự kiện quan trọng nên cần quan tâm đến việc triển khai công tác đầu tư; trong đó tổng rà soát các dự án phát triển lớn, chuẩn bị đầu tư, công khai các biểu tiến độ thời gian thực hiện các dự án lớn để giảm bức xúc trong nhân dân; đồng thời xem xét tăng cường quản lý và kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng để tạo lợi thế cho phát triển du lịch Đà Nẵng, đảm bảo an sinh xã hội cho người thu nhập thấp.

Nhiều ý kiến đề cập chung quanh vấn đề: Nông nghiệp, nông thôn và nông dân. ĐB Nguyễn Quang Nga cho rằng, tỷ trọng đầu tư cho cơ sở hạ tầng kinh tế nông thôn của thành phố là rất khiêm tốn, việc cơ giới hóa nông nghiệp chưa đúng tầm. ĐB Huỳnh Minh Nhơn phản ánh giá đền bù đất nông nghiệp bị thu hồi ở đồng bằng và miền núi chênh lệch quá lớn (35 ngàn đồng/m² và 15 ngàn đồng/m²), giá đền bù cây lâu năm lại thấp hơn cây mùa vụ. Nhiều ĐB phản ánh quy hoạch phát triển đến năm 2025 nhưng thay đổi liên tục khiến nông dân lo lắng về đất sản xuất. Mặt khác, nhiều dự án thu hồi đất nông nghiệp rồi để đó, chậm triển khai, trong khi nông dân thiếu đất sản xuất.

Thành phố cần có quy hoạch khu vực đất sản xuất nông nghiệp ổn định lâu dài ít nhất là 15 năm để nông dân yên tâm sản xuất. Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn đề nghị thành phố cần công bằng, công khai chính sách đền bù đối với nông dân bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp. Cách tính về đền bù 35 ngàn đồng/m² không hợp lý, cần xem xét mức độ sinh lợi của dự án có thu hồi đất nông nghiệp sau khi hoàn thành để tính mức đền bù một cách hợp lý cho nông dân, chưa tính hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề. Các ĐB cho rằng, đừng vì e ngại nhà đầu tư không dám vào vì mức đền bù cao. Cùng với chính sách thu hút đầu tư, Đà Nẵng cũng không còn nhiều đất nữa, do đó các nhà đầu tư sẽ cạnh tranh nhau để vào thành phố làm ăn.

Các ĐB đề nghị thành phố có biện pháp xử lý dứt điểm các điểm nóng về môi trường như Khu công nghiệp Hòa Khánh, âu thuyền và khu công nghiệp thủy sản Thọ Quang. Dự án cải tạo sông Phú Lộc vừa triển khai nhân dân rất mừng nhưng mới chỉ giải quyết phần ngọn; phần gốc là phải xử lý nước rỉ từ bãi rác Khánh Sơn, lò mổ Đà Sơn, nước thải khu dân cư chảy vào sông.

Đề nghị thành phố tăng cường công tác quản lý trật tự vỉa hè, giải quyết tình trạng xe bán hàng tự chế, chợ tự phát và sử dụng vỉa hè làm nơi giữ xe lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường gây cản trở giao thông. Khi thành phố công bố quy hoạch các khu dân cư thường có khu vui chơi, công trình công cộng, tuy nhiên trong quá trình thực hiện, các Ban quản lý dự án đã chuyển mục đích sang bố trí đất ở, vì vậy các ĐB đề nghị thành phố thực hiện đúng quy hoạch ban đầu...

Tập trung các vấn đề an sinh xã hội

Đồng ý với đề xuất của Ban Văn hóa-Xã hội trong ngày làm việc thứ nhất, tại phiên thảo luận ở tổ, các ĐB Trần Huy Đức, Đỗ Thị Kim Lĩnh cho rằng, nên nâng mức hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết cho người nghèo lên 25 đến 30 triệu đồng để nhà đạt chất lượng, đủ sức chống chọi với thiên tai; bởi theo các ĐB, mức hỗ trợ 15 triệu đồng là quá thấp so với giá cả vật liệu, nhân công hiện nay. Thế nhưng, bà Hà Thị Minh Phượng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố thì cho rằng, cần cân nhắc việc nâng mức hỗ trợ này.

Các ĐB thảo luận ở tổ. Ảnh: S.TRUNG

Lý do để nâng mức hỗ trợ vì nhà đại đoàn kết bị sập, tốc mái do thiên tai là chưa đúng. Bà Minh Phượng đưa ra dẫn chứng, trong cơn bão số 9 vừa qua, chỉ có 2 nhà đại đoàn kết là bị sập hoàn toàn. Theo bà Phượng, mức hỗ trợ 15 triệu đồng từ Quỹ “Vì người nghèo” chỉ là để hỗ trợ, còn lại các nhà xây dựng đều có nguồn vận động từ các địa phương, cá nhân, họ hàng... nên tổng kinh phí dành cho mỗi ngôi nhà tối thiểu từ 30 triệu đồng trở lên. Một số lý do khác được bà Minh Phượng đưa ra để bảo vệ cho việc cần cân nhắc nâng mức hỗ trợ, chính là có hiện tượng người dân còn tâm lý ỷ lại, trông chờ, phó mặc cho xã hội và nếu nâng mức hỗ trợ lên sẽ ngang bằng với hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách.

Liên quan đến vấn đề này, ĐB Vũ Hùng (Cẩm Lệ) bổ sung, giải thích rằng, mức hỗ trợ trung bình là 15 triệu đồng, nhưng các địa phương đều có vận động, đóng góp từ các nguồn nên thực tế số tiền xây dựng nhà lớn hơn. “Việc nâng mức hỗ trợ lên không phải là thực hiện đồng loạt, mà tập trung chủ yếu cho những gia đình không còn nguồn hỗ trợ; hoặc các địa phương xem xét về chỉ tiêu xây dựng nhà đại đoàn kết để tập trung nâng cao chất lượng nhà”-Ông Vũ Hùng nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề lao động-việc làm, ĐB Trần Huy Đức cho rằng, hiện tượng các DN sử dụng lao động nợ tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) làm ảnh hưởng lớn đến việc giải quyết chế độ cho người lao động, vì vậy cần có giải pháp giải quyết một cách cương quyết hơn. Bổ sung vấn đề này, ông Lê Văn Lịch, Giám đốc BHXH thành phố cho biết, các chủ DN vi phạm chính sách cả 3 loại bảo hiểm (BHXH, BHYT và Bảo hiểm Thất nghiệp) là rất phổ biến.

Qua kiểm tra hơn 3 nghìn đơn vị sử dụng lao động tham gia 3 loại hình bảo hiểm bắt buộc trên, thì có hơn 600 DN nợ bảo hiểm từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền trên 41 tỷ đồng và có xu hướng tiếp tục tăng. Đơn vị chức năng đã thanh tra, kiểm tra hơn 80 cuộc và thu 400 triệu đồng, xử phạt 40 triệu đồng và đang tiến hành các thủ tục để khởi kiện một số DN ra trước tòa. Qua đó, ông Lê Văn Lịch đề nghị cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện công tác bảo hiểm này.

Một số ĐB cho rằng, sốt giá vàng hiện nay là nỗi bất an của những người dân nợ tiền đất quy ra vàng. Mặc dù thành phố đã có chủ trương giảm 40% cho hộ nhận đất tái định cư từ 2005 trở về trước nếu nộp tiền một lần nhưng bất khả thi vì hầu hết các hộ này là hộ có hoàn cảnh khó khăn. Những người nợ tiền đất quy ra vàng lo lắng vì tiền nợ luôn tăng, vừa không có sổ đỏ để thế chấp vay vốn làm ăn. Vì mục tiêu an dân, các ĐB và cử tri đề nghị HĐND thành phố có giải pháp xử lý vấn đề này. ĐB Ngô Văn Dũng đề nghị thành phố đầu tư nâng cấp Bệnh viện quận Hải Châu do thường xuyên trong tình trạng quá tải.

Trường THPT Phan Châu Trinh đã hoàn thành giai đoạn 1 nhưng vẫn thiếu nhiều phòng học, phòng chuyên môn; do đó cần tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 để nâng cao chất lượng dạy và học. Đa số cử tri là hộ có thu nhập trung bình và thu nhập thấp rất lo lắng khi thành phố có chủ trương chuyển Trường THPT Nguyễn Hiền sang trường tư thục chất lượng cao. Vì lúc đó, học phí sẽ cao, vượt khả năng của nhiều hộ dân.

Về việc nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri, ĐB Phạm Kiều Đa đề nghị cần mở rộng đối tượng tiếp xúc có nhiều người dân tham gia phản ánh với đại biểu HĐND những bức xúc của mình. Để tiếp thu và giải quyết những bức xúc của nhân dân, ngoài đại biểu HĐND, trong các buổi tiếp xúc, nên có đại diện lãnh đạo UBND thành phố, chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan đến quyền lợi của dân. Thời gian, tần suất tiếp xúc cũng cần đổi mới theo hướng tăng lên chứ không chỉ tiếp xúc trước (hoặc sau) mỗi kỳ họp HĐND thành phố.

N.THÀNH, S.TRUNG và M.HẠNH

;
.
.
.
.
.