Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là nguồn lực tinh thần có sức ảnh hưởng lớn, tạo nên những chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội. 3 năm hưởng ứng Cuộc vận động cho thấy tầm quan trọng của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng và phát triển xã hội trên tất cả các lĩnh vực, hướng đến mục tiêu tạo dựng đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Một trong những thành quả rõ nét nhất từ việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thể hiện qua các chính sách an sinh xã hội với nguồn lực vật chất có được từ phong trào thực hành tiết kiệm trong mọi tầng lớp nhân dân. Có thể thấy, tinh thần tiết kiệm của Bác là điều giản dị nhất mà cả xã hội học tập và thực hiện hiệu quả trong suốt những năm qua.
Rất nhiều mô hình tiết kiệm đã hình thành như: Nuôi heo đất, tiết kiệm chi tiêu trong gia đình, tiết kiệm văn phòng phẩm ở công sở, quyên góp tiết kiệm để xây dựng các nguồn quỹ xã hội, tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh… Những khoản tiền tiết kiệm được đã đi vào cuộc sống, phục vụ đắc lực cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội như:
Xây dựng nhà tình thương, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ cho những gia đình nghèo, những người neo đơn, khuyết tật… Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Một hột gạo, một đồng tiền, tức là một số mồ hôi nước mắt của đồng bào. Vì vậy ta phải ra sức tiết kiệm. Hoang phí là một tội ác”. Học ở Bác tinh thần tiết kiệm, mỗi người đã góp phần không nhỏ cho việc xây dựng và phát triển xã hội, chung tay, góp sức giúp đỡ cho những cảnh đời còn chịu nhiều thiệt thòi.
Chủ trương gắn Cuộc vận động với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn, đổi mới tác phong, lề lối làm việc thực sự tạo nên những chuyển biến tích cực trong hoạt động của các cơ quan chính quyền, hội, đoàn thể cũng như các đơn vị kinh tế. Tuy nhiên, một số người cho rằng, nếu không có Cuộc vận động này thì cán bộ, công nhân, viên chức, đảng viên vẫn phải hoàn thành những chức trách, nhiệm vụ thường xuyên của mình.
Nhận định này không sai, nhưng nếu so sánh hoạt động giữa trước và sau khi có Cuộc vận động sẽ xác định được nhiều chuyển biến tích cực hơn, cho thấy cuộc vận động này có ý nghĩa rất thiết thực. Gắn việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh vào quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn không chỉ hình thành ý thức tự giác, tự phấn đấu của bản thân mỗi cán bộ, đảng viên mà còn nâng cao tinh thần trách nhiệm, thúc đẩy họ hoàn thành tốt hơn công việc của mình.
Điều đáng ghi nhận sau 3 năm triển khai là Cuộc vận động đã thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia; mỗi lứa tuổi mỗi cách làm, mỗi hình thức học tập và làm theo Bác khác nhau nhưng đều mang lại hiệu quả xã hội thiết thực.
Đánh giá Cuộc vận động trong 3 năm qua không thể không nghĩ đến hình ảnh những em học sinh nuôi heo đất giúp đỡ người nghèo, những cụ già kính cẩn nghiêng mình trước di ảnh Bác trong những buổi lễ báo công dâng Người, những lão thành cách mạng cần mẫn sưu tầm các tư liệu quý về Hồ Chí Minh hay những thanh niên sẵn sàng tình nguyện đến vùng sâu, vùng xa để giúp dân xóa đói giảm nghèo, khám chữa bệnh…
Đối với những người dân lao động, Cuộc vận động này đến với họ thông qua hình thức rất giản đơn như: nuôi heo đất, hủ gạo tình thương, tiết kiệm chi tiêu từ tiền chợ, tiền sinh hoạt trong gia đình… Ở khắp các khu phố, các thôn xóm, Cuộc vận động từng bước đi vào ý thức của người dân và trở thành một động lực tinh thần to lớn để mọi người cùng cố gắng xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Từ bấy lâu nay, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn được xem là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đành rằng, có một vị trí rất quan trọng trong hệ tư tưởng chính trị nhưng việc áp dụng vào thực tế đời sống vẫn còn những hạn chế nhất định. Khi chính thức trở thành một cuộc vận động lớn, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đã được hiện thực hóa, tạo nên một nguồn lực tinh thần, một sức mạnh nội lực quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển xã hội.
Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta đang phấn đấu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và để thực hiện mục tiêu này không thể thiếu những con người xã hội chủ nghĩa với phẩm cách, lối sống, đạo đức tốt, kiến thức vững vàng. Chúng ta có thể học ở Bác từ lối sống giản dị, chan hòa, luôn yêu thương, quý trọng con người đến cách làm việc chí công, vô tư, luôn vì dân, vì lợi ích chung của cả cộng đồng xã hội.
Học Bác thì học suốt đời và làm theo Bác thì chẳng phải điều khó khăn. Không cần chọn những việc gì to tát mà chỉ cần mỗi người tự ý thức được trách nhiệm của mình đối với bản thân, gia đình và xã hội, tự phấn đấu, tự hoàn thiện mình cho tốt hơn thì cũng là một cách đúng đắn để học và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.
Hà An
.
.
Nguồn lực tinh thần cho xã hội phát triển
Thứ Tư, 09/12/2009, 07:46 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
- Khai trương Báo Đà Nẵng điện tử
- Phê duyệt kế hoạch hoạt động hai dự án bảo tồn tại Sơn Trà và Bà Nà - Núi Chúa
- Đà Nẵng có nguy cơ bị hạn nặng
- Năm 2010, Quốc hội giám sát chuyên đề việc thành lập trường đại học
- Lần đầu tiên Đà Nẵng có xe buýt hỗ trợ người khuyết tật
- Đồng chí Trần Thọ tiếp Đoàn đại biểu Hội đồng Giao lưu Chính trị Australia
.
.
.
.
.