.

"Ông già Noel" tân thời

.

(ĐNĐT) - Không tuần lộc kéo cỗ xe, không chui vào ống khói, những “ông già Noel” tân thời có “bác tài” riêng, mobile reo liên hồi và phải đua nước rút trên mọi nẻo đường mang điều kỳ diệu cho các bé, và giúp những ai không còn bé được sống lại tháng ngày nhiều mơ mộng.

Hóa trang và hóa thân

"Ông già Noel" Huỳnh Anh Hoàng tư vấn chọn quà Giáng sinh tại Shop Phượng

Không phải ai cũng trở thành những “ông già Noel”, những dịch vụ này đòi hỏi các bạn trẻ ngoại hình cao to, càng phốp pháp càng tốt. Hơn nữa, “ông già Noel” phải có khả năng kể chuyện, hát, nhảy múa, chơi trò chơi với thiếu nhi và trong những một số sự kiện, đêm tiệc Giáng sinh, anh Noel phải biết hoạt náo, dẫn chương trình và có thể là ca sĩ bất đắc dĩ.

Shop lưu niệm Phượng (199 Phan Châu Trinh) cho biết, ngay từ giữa tháng 11, các dịch vụ giao quà mùa Giáng sinh đã tuyển các “ông già Noel”, họ muốn các ông già được chuẩn bị tốt nhất để phục vụ khách hàng. “Ông già Noel” được tập mọi tư thế, nào là tay lắc chuông vàng, tay vác túi quà, chân đi lom khom, giọng nói trầm ấm, tiếng cười hồn hậu. Chưa hết, họ còn phải thuộc những quy trình, lời thoại cơ bản buộc phải có khi đến thăm các cháu, rồi từ đó sáng tạo cho phù hợp với hoàn cảnh.

Công ty cổ phần du lịch Việt Đà (456 Lê Duẩn, Đà Nẵng) cho biết tìm được các “ông già Noel” nhập vai tốt đã khó, giữ chân trong nhiều năm liền lại càng khó hơn. “Bởi lẽ các ông già Noel đều là sinh viên, khi tốt nghiệp và kiếm việc làm thì không thể làm được nữa bởi đây là công việc thời vụ”, ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Việt Đà cho biết. Đối với những “ông già Noel” tân binh, nhiều công ty tập huấn cho các sinh viên 2,3 buổi/tuần liên tục một tháng cho đến ngày xuất quân.

Còn những bạn không được chọn làm ông Noel đành sắm vai… tuần lộc - xe ôm cho những “ông già” Noel. Thế nhưng Huỳnh Kim Long (Đại học Kinh tế Đà Nẵng) đã rất buồn khi không được chọn, Long nói: “Làm ông già Noel mang niềm vui cho trẻ con vẫn sướng hơn chứ”.

Khách hàng chỉ phải trả từ 10 đến 50 ngàn đồng/lượt tùy theo quãng đường dài ngắn để dịch vụ đưa các “ông già Noel” đến nhà các thượng đế. Cát-sê của “ông già Noel" nhập vai từ 10 đến 12 ngàn đồng khi giao một phần quà, những anh chàng xe ôm “tuần lộc” thì ít hơn một chút nhưng cũng độ 100 ngàn đồng/ngày. Đặc biệt, trong hai ngày 23 và 24-12, các “ông già Noel” phải chạy toát cả mồ hôi để kịp tặng quà cho các cháu bé.

Hơi ấm đêm Giáng sinh

Các bé lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học được được phụ huynh đặt hàng ông Noel nhiều nhất. Các bé tròn xoe mắt và tin ông Noel có thật khi được ông đến thăm. “Ông già Noel” Huỳnh Anh Hoàng, sinh viên năm 2 ngành Tin học quản lý, Cao đẳng Thăng Long cho biết, mỗi khi nhận quà, các bé đều thơ ngây, tuyệt đối chăm chú lắng nghe và hứa chăm ngoan, học giỏi để sang năm ông già tuyết lại đến nữa.

"Ông già Noel" trên từng cây số

Nhưng không phải tất cả các bé đều mừng vui, tươi cười hớn hở khi thấy ông già Noel đến thăm mình. Có bé đã khóc ré lên vì sợ “ông râu ria xồm xoàm”, làm phụ huynh và “ông già Noel” phải dỗ dành mãi và có khi tuyệt chiêu tặng quà cũng không hiệu nghiệm.

Nhiệm vụ thiêng liêng của ông Noel là mang lại niềm vui cho trẻ nhỏ, nhưng cũng có trường hợp ông được các bạn nhỏ yêu mến tặng quà cho. Đó là trường hợp của Lê Phú Cường , sinh viên năm 2 Đại học Duy Tân. Noel 2008, khi Cường trong vai ông già tuyết tặng quà cho bé Thành Lân, nhà ở quận Sơn Trà, bé cũng có quà cho ông. Dù đó chỉ là một bức tranh cây thông, ông già Noel và cháu bé được vẽ vội vàng và nguệch ngoạc, lại rách bươm vì nước mưa, nhưng Cường vẫn luôn giữ kỹ càng trong ví. Món quà nhỏ đó đã làm Cường ấm lòng trên con đường giao quà trong đêm mưa gió, khi mọi người hân hoan đón Giáng Sinh.

Lục Ngạn

;
.
.
.
.
.