“Con kiến mà kiện củ khoai” - không ít người đã nói điều này với những người dũng cảm tố cáo hành vi tham nhũng. Thế nhưng, bất chấp bị đe dọa đến tính mạng, bị mua chuộc, trù dập… nhiều người vẫn quyết tâm đưa những kẻ tham nhũng ra trước vành móng ngựa.
Đấu tranh đơn độc
Anh Lê Phước Cẩm, người tố cáo vụ phá rừng thủy điện Khe Diên tại huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. |
Minh chứng cho điều này là cả một hành trình dài “đơn thương độc mã”, một mình ông Cẩm đem chứng cứ gõ cửa các cơ quan chức năng để phanh phui hành vi sai phạm của những kẻ đang “xẻ thịt” rừng Khe Diên.
Ông Cẩm kể lại rằng: “Lúc đầu khi phát hiện ra vụ việc này, tôi đã báo cáo chi bộ, đảng bộ nhưng một số người cũng là đảng viên lại khuyên tôi không nên tố cáo, không nên làm to vụ việc. Nhưng đã là đảng viên, tôi rất đau xót trước cảnh rừng bị tàn phá, ảnh hưởng đến đời sống người dân”. Trong cuộc đấu tranh của ông Cẩm, thậm chí chính quyền địa phương cũng không sát cánh, chi bộ Đảng thì chỉ trích, lên án, xếp ông vào loại yếu kém.
Nếu như không có sự chung tay giúp sức của các cơ quan báo, đài, nếu không tìm mọi cách để tiếp cận được với cấp chính quyền cao hơn, có thể vụ việc phá rừng Khe Diên sẽ không bị phanh phui. Và một người đảng viên dũng cảm chống tiêu cực như ông Lê Phước Cẩm sẽ bị trù dập, bị đe dọa và cuộc sống chắc chắn sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Sự đơn độc là nỗi băn khoăn, trăn trở của những người dám đứng ra tố cáo hành vi tham nhũng. Trong số những cá nhân được khen thưởng, hầu hết đều phải nhờ đến chính quyền cấp cao hơn hoặc nhờ sự giúp sức của báo chí.
Trường hợp ông Võ Sỹ Vĩnh ở thành phố Nghệ An cũng vậy. Ông cho biết: “Suốt 1 năm trời tôi đơn thương độc mã, một thân một mình tố cáo tham nhũng, một số người muốn đấu tranh nhưng lại không lộ diện”. Có lẽ sự e ngại, lo sợ trước các hành vi trả thù đã khiến cho nhiều người không dám đấu tranh, tố cáo hành vi tham nhũng. Đây cũng là một trong những trở ngại khiến cho hành trình phòng, chống tham nhũng thêm khó khăn, nhiều chông gai.
Bảo vệ an toàn cho người chống tham nhũng
Chị Vi Thị Vẻn, người phụ nữ dân tộc duy nhất được khen thưởng về thành tích phòng, chống tham nhũng. |
|
Trên thực tế, những người dũng cảm tố cáo là những người chịu thiệt thòi. Họ luôn bị đe dọa về thân thể, bị phân biệt đối xử, vu khống là làm mất đoàn kết, gây rối nội bộ, ít được quan tâm. Một số trường hợp không những chính quyền địa phương quay lưng làm ngơ mà ngay cả những người bà con láng giềng cũng chế giễu theo kiểu “con kiến mà kiện củ khoai”.
Ông Trần Văn Cân, tỉnh Tiền Giang cho biết: “Trong quá trình đấu tranh, chúng tôi gặp không ít khó khăn, bị trù dập, cô lập, bị đe dọa đòi bắn, nếu bắn không được thì chuốc thuốc. Chúng tôi bị cho là gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ Đảng”.
Đối với người chống tham nhũng, nếu là người dân bình thường thì lo ngại bị trả thù bằng bạo lực; đối với cán bộ, công chức, đảng viên thì e sợ bị trù dập, bị cách chức, chuyển công tác, kỷ luật Đảng… Những kẻ tham nhũng thường có vị thế xã hội, có quan hệ rộng, có tiềm lực vật chất và nhiều thủ đoạn nên cách thức trả thù cũng rất tinh vi.
Theo ông Vũ Tiến Chiến, giải pháp để bảo đảm an toàn cho người tố cáo tham nhũng là giữ bí mật về danh tính, tạo điều kiện thuận lợi để họ tiếp cận với các cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước. Trên thực tế, nếu bản thân những người tố cáo hành vi tham nhũng không kiên trì, không có sức chịu đựng, đức hy sinh, quyết tâm bảo vệ chính nghĩa thì họ khó có thể đấu tranh đến cùng.
Thiết nghĩ, nếu Đảng và Nhà nước có những quy định chặt chẽ về việc bảo đảm an toàn cho người tố cáo tham nhũng thì sẽ xóa đi tâm lý e dè, lo sợ và tạo nên quyết tâm cao trong mọi tầng lớp nhân dân đối với việc PCTN.
Công khai, minh bạch kết quả xử lý hành vi tham nhũng
Tham nhũng là “quốc nạn”, là tội ác, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của cả nước. Phát hiện hành vi tham nhũng là một chuyện, nhưng xử lý đến đâu, xử lý như thế nào mới là quan trọng. Những người đã tố cáo hành vi tham nhũng nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung luôn quan tâm đến hình thức xử lý hành vi tham nhũng trước pháp luật.
Điều họ mong muốn là phải công khai, minh bạch trước dân, đưa kẻ tham nhũng ra trước vành móng ngựa và chịu sự xử phạt nghiêm minh của pháp luật. Chị Vi Thị Vẻn, tỉnh Bắc Kạn, người phụ nữ dân tộc thiểu số duy nhất được khen thưởng về thành tích phòng, chống tham nhũng tâm sự: “Đối với phụ nữ chúng tôi, chống tham nhũng chịu áp lực nhiều vì phải lo cho gia đình, con cái. Tôi đề nghị cơ quan thanh tra cần có kết luận cụ thể, rõ ràng, đúng thực tế, thông báo công khai khi giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân”.
Ông Nguyễn Hữu Thiết, tỉnh Bến Tre thì trăn trở: “Ngoài việc xử lý cán bộ vi phạm thì việc khắc phục hậu quả đáng được quan tâm. Mọi việc khắc phục đến đâu, khắc phục như thế nào đều không được thông tin.
Tôi nghĩ việc khắc phục hậu quả hành vi tham nhũng cần được đưa ra bàn bạc công khai, minh bạch vì nó liên quan đến uy tín cá nhân, tập thể”. Hiện nay, ngoài các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra… thì báo chí, phát thanh, truyền hình là một phương tiện quan trọng, cung cấp những chứng cứ ban đầu về hành vi tham nhũng, để các cơ quan chức năng vào cuộc và để tạo sự giám sát toàn dân trong việc xử lý vi phạm của những kẻ tham nhũng.
Việc công khai, minh bạch về phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng không chỉ là trách nhiệm của chính quyền các cấp mà cần có sự vào cuộc của các phương tiện truyền thông đại chúng. Công khai, minh bạch hình thức xử lý hành vi tham nhũng để làm gương, để răn đe và cũng là để khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác PCTN.
Quan trọng hơn là để tạo nên niềm tin trong nhân dân, thúc đẩy họ mạnh dạn, kiên quyết đấu tranh tố cáo sai phạm, giúp cho các cấp chính quyền thực hiện hiệu quả việc phát hiện và xử lý những hành vi tham nhũng, tránh thất thoát về kinh tế cho Nhà nước và tạo sự phát triển bền vững, ổn định cho toàn xã hội.
Bài và ảnh: Mỹ Hạnh