.

Quản lý tù đặc xá, tù tha về - Bài 1: Điểm mặt những đối tượng tù tái phạm

.

Thời gian qua, tình hình phạm pháp hình sự trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây không ít lo lắng cho người dân. Sau mỗi vụ án được lực lượng chức năng khám phá cho thấy phần lớn những đối tượng phạm tội đều có tiền án, tiền sự. Để kìm hãm sự gia tăng của tội phạm, một trong những biện pháp quan trọng là công tác quản lý đối tượng tù đặc xá, tù tha về ở địa phương. Tuy nhiên, những năm qua, số đối tượng tái phạm, thậm chí tái phạm nhiều lần là không ít,  vì thế đòi hỏi các cấp, các ngành chức năng cần nhìn nhận nghiêm túc công tác giáo dục, quản lý các đối tượng này.

Năm 2009, Công an thành phố Đà Nẵng đã khởi tố 780 đối tượng phạm pháp hình sự, trong đó có tới 25,5% đối tượng đã có tiền án, tiền sự.

“Ngựa quen đường cũ”

Dù bị nhiều tiền án nhưng với bản tính côn đồ, Trương Công Thanh đã bị TAND quận Hải Châu tuyên phạt 5 năm tù giam.

Do lười lao động, thích ăn chơi đua đòi dẫn đến trộm cắp, cướp giật, buôn bán ma túy, cố ý gây thương tích, thậm chí giết người nên nhiều kẻ đã phải vào tù. Những năm tháng trong tù, sự dày vò thể xác, tinh thần đã làm một bộ phận phạm nhân hiểu và nhận ra những lỗi lầm của mình. Chính vì vậy, họ cố gắng cải tạo thật tốt để sớm ra tù, làm lại cuộc đời. Khi trở về địa phương, những người này thay đổi hẳn và sống có ích cho xã hội, tham gia tích cực vào các phong trào của địa phương. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những kẻ “Ngựa quen đường cũ” với quan niệm sai lầm: Đã mang tiếng đi tù thì sẽ mãi mãi là tên tù nhân.

Do bản tính côn đồ, Trương Công Thanh (SN 1973), trú phường Hải Châu 2, quận Hải Châu đã có hành vi gây rối trật tự công cộng. Khi bị lực lượng chức năng bắt giữ, y đánh luôn cả người thi hành công vụ, vì thế TAND thành phố và Tòa phúc thẩm tại thành phố Đà Nẵng tuyên phạt y 4 năm tù giam. Năm 2007, sau khi mãn hạn tù, không những không ăn năn hối cải mà y cứ chứng nào tật ấy nên đã bị đưa đi tập trung giáo dục 2 năm tại Trại Hoàn Cát.

Ra trại chưa được bao lâu, y tiếp tục bị phạt hành chính vì tái diễn các tội nói trên. Hành vi của Thanh ngày càng tỏ ra côn đồ, coi thường pháp luật. Tháng 3-2009, Thanh sai mẹ mình đi mua thuốc lá để hút, nhưng vì mẹ không đi nên y gây gổ, chửi bới. Sau đó, y dùng mũ bảo hiểm đánh vào cha mình là ông Trương Công Nhàn gây thương tích 11%. Xét thấy hành vi của Thanh cần phải được pháp luật trừng trị nghiêm khắc, TAND quận Hải Châu tuyên phạt y gần 5 năm tù giam.

Đã bị 2 tiền án về tội trộm cắp tài sản năm 2002 và 2004, nên năm 2007 sau khi trở về địa phương, Trần Đức Hoan (SN 1983), trú phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu đã tu chí, cưới vợ và làm ăn sinh sống đàng hoàng. Thế nhưng, chẳng bao lâu sau, Hoan lại theo “nghề cũ”, chỉ trong thời gian ngắn cùng đồng bọn thực hiện hơn 50 vụ trộm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng với số tài sản chiếm được trị giá hàng trăm triệu đồng. Với tính chất và mức độ tái phạm lớn như vậy, vừa qua TAND thành phố đã tuyên phạt Hoan 19 năm tù giam.

Do không có công ăn việc làm lại lười biếng, nên Mai Thanh Song (SN 1984), trú tổ 22, phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu đã đi cướp giật và trộm cắp tài sản lấy tiền tiêu xài. Năm 2003, Song đã bị TAND thành phố tuyên phạt 5 năm tù giam.

Sau khi ra tù, những tưởng y sẽ ăn năn, hối cải làm lại cuộc đời, nhưng “máu” trộm cắp đã ăn sâu vào con người nên tháng 8-2008, Song đã rủ Đặng Minh Tuấn (SN 1979), trú tổ 43, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu; Ngô Lê Quốc Hùng (SN 1982), trú tổ 36, phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu; Nguyễn Văn Dũng (SN 1974), trú kiệt 159 đường Lê Duẩn (Đà Nẵng) đi trộm cắp xe máy trên địa bàn thành phố Đà Nẵng bán lấy tiền ăn chơi.
 
Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, y cùng đồng bọn thực hiện 40 vụ trộm xe máy, số tiền thiệt hại của các nạn nhân ước tính lên đến 600 triệu đồng. Cuối tháng 11-2009, với tội danh nguy hiểm và tái phạm nhiều lần, TAND thành phố tuyên phạt Mai Thanh Song 12 năm tù giam.

Đi tìm nguyên nhân tái phạm

Niềm vui khi nhận giấy chứng nhận được đặc xá về địa phương.

 

Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tái phạm tội của những đối tượng trên, chúng tôi nhận được rất nhiều câu trả lời của các cơ quan chức năng. Tất cả đều cho rằng, sau khi các đối tượng trở về địa phương, là người đã từng ở tù nên họ rất mặc cảm với bản thân, với mọi người xung quanh. Vì thế, những con người này rất cần sự thông cảm, sẻ chia của người thân, gia đình cũng như bạn bè và cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình của người phạm tội không mấy thuận lợi, thường thì cha mẹ ly dị, ít quan tâm đến con cái, cuộc sống gia đình không hạnh phúc.

Do đó, họ không tìm được sự hòa hợp, thông cảm hay chia sẻ của gia đình sau khi ra tù. Bên cạnh đó, họ còn gặp phải sự kỳ thị của không ít người trong cộng đồng dân cư. Những trở ngại đó, cộng với môi trường tội phạm thuận lợi tạo điều kiện cho các đối tượng dễ dàng tái phạm.

Điển hình như anh D, trú ở quận Thanh Khê phạm tội “Chống người thi hành công vụ” phải lãnh án 6 tháng tù giam. Dù chỉ phạm tội do bức xúc, không kìm nén bản thân, nhưng sau khi trở về địa phương, anh không được gia đình, người thân và hàng xóm đón nhận. Buồn bã, anh tỏ ra bất cần, ăn chơi, quậy phá. Tuy nhiên, nhờ sự tác động kịp thời của chính quyền, đoàn thể, những người thân trong gia đình anh cũng như bạn bè, làng xóm thấy được sự ích kỷ, kỳ thị của mình là không đúng, đã thay đổi thái độ, giúp đỡ anh D hòa nhập trở lại cộng đồng, trở thành một người tốt trong xã hội.

Hoặc như trường hợp Mai Thanh Song phạm tội trộm cắp tài sản, nhưng khi ra tù do không được sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ nên sinh ra chán nản. Không có điểm tựa, lý tưởng để phấn đấu, Song sống buông thả, bất cần đời và tiếp tục tái phạm tội chỉ trong thời gian rất ngắn.

Ngoài các nguyên nhân trên, tình trạng “nhàn cư” sau khi ra tù cũng là con đường ngắn dẫn các đối tượng trở lại nhà tù. Theo thống kê của ngành chức năng, trong năm 2009, số đối tượng phạm tội bị khởi tố hình sự do không có công ăn việc làm là 430/780 trường hợp, chiếm 55,13%, trong đó có nhiều đối tượng tái phạm.

Theo luật sư Phạm Xuân Tích, Văn Phòng Luật sư Phạm Xuân Tích thuộc Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng, nguyên nhân dẫn đến tái phạm tội của các đối tượng tù tha về, tù đặc xá là do các đối tượng này  thích sống hưởng thụ, buông thả và bất chấp pháp luật, không có công ăn việc làm, bị gia đình, hàng xóm kỳ thị; mặt khác điều kiện để được đặc xá là phạm nhân đã thụ án 1/3 thời gian là chưa đủ để đánh giá đúng về kết quả cải tạo, học tập của một phạm nhân. 
            
(Còn nữa)

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.