.

Quản lý tù đặc xá, tù tha về - Bài 2: Giải pháp nào?

.

Để những con người đã từng phạm tội, ra tù hòa nhập  cộng đồng quả là không dễ. Họ gặp phải muôn vàn khó khăn trong cuộc sống, từ mối quan hệ họ hàng, bạn bè, xã hội đến công ăn việc làm… tất cả đều như làm lại từ đầu. Và rồi, họ phải nỗ lực vượt qua những trở ngại đó cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng để trở thành người có ích cho xã hội.

Sự sẻ chia của cộng đồng

Nhờ sự tận tình của KSKV cộng thêm sự hỗ trợ của Quỹ hoàn lương, nên anh L.V.T (quận Liên Chiểu) đã tiến bộ, làm ăn, trở thành chủ một doanh nghiệp nhỏ.

Sau khi trở về địa phương, những người được đặc xá, tha tù chịu nhiều tác động về mặt tâm lý. Một bộ phận thì sống bất cần đời vì chiều hướng suy nghĩ lệch lạc: Lý lịch mình vốn dĩ đã rất “đen”, có phấn đấu thế nào thì cũng không thay đổi được gì. Một bộ phận khác thì sống khép kín, xa lánh mọi người xung quanh.
 
Tuy nhiên, đằng sau những con người mang nỗi mặc cảm, tự ti hay những người sống phó mặc cho số phận ấy đều khao khát một cuộc sống bình thường như bao con người bình thường khác trong xã hội. Vì vậy, để giúp họ sớm ổn định tâm lý, làm quen và dần hòa nhập với cuộc sống đời thường, mỗi cảnh sát khu vực cần có sự chia sẻ, định hướng cho họ những bước đi ban đầu; người thân, làng xóm, các đoàn thể cần gần gũi, cởi mở, thân thiện, giúp họ thấy được mình không phải là “người đặc biệt” trong xã hội.

Đại tá Phạm Bạn - Trưởng Công an huyện Hòa Vang cho biết: Ở huyện Hòa Vang, mỗi dịp đặc xá, hay khi các đối tượng được tha tù về địa phương thì lực lượng công an xã nhanh chóng nắm danh sách và đến tận nhà để động viên, chia sẻ, tìm hiểu  tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh sống của gia đình để có cách giúp đỡ họ một cách thiết thực.

Đồng thời, không ngừng quan sát, theo dõi để kịp thời phát hiện những biểu hiện nghi vấn nhằm ngăn chặn sự tái phạm. Theo Đại tá Phạm Bạn, phải thể hiện được tình làng, nghĩa xóm, có thái độ chia sẻ tích cực, không nhìn họ với ánh mắt dè bỉu, coi thường. Có như vậy, mới lôi kéo họ trở về được với cuộc sống đời thường. Được biết, ở  Hòa Vang, nhờ làm tốt công tác quản lý các đối tượng này, từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 51 trường hợp đặc xá và tha tù nhưng chỉ có một trường hợp tái phạm bị khởi tố hình sự.

Kinh nghiệm của Công an quận Ngũ Hành Sơn trong việc quản lý các đối tượng đặc xá, tha tù là chia sẻ với từng đối tượng, làm tốt công tác quản lý hành chính, bảo đảm tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội nhằm hạn chế môi trường tội phạm thuận lợi cho các đối tượng này tái phạm.

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng hiểu rõ hơn về chính sách đặc xá của Đảng và Nhà nước; qua đó đối xử tốt với những người được đặc xá, mãn hạn tù trở về địa phương, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng, tạo công ăn việc làm. Ngành Công an phối hợp với các ngành liên quan, đoàn thể, tộc họ nhận quản lý, giúp đỡ trực tiếp đối tượng tù đặc xá, tù tha về để họ làm lại cuộc đời.

Anh Dương Ph. (SN 1960), trú tổ 17, phường Hòa Hải phải lãnh án tù vì tội chứa gái mại dâm. Sau khi được đặc xá về địa phương năm 2007, hộ khẩu của anh bị xóa vì anh đã định cư nơi khác. Công an phường đã giúp anh nhập hộ khẩu trở lại, tạo việc làm, nhờ đó đời sống kinh tế gia đình dần đi vào ổn định. Anh Ph. tâm sự: “Tôi cảm ơn chính quyền các cấp đã tạo điều kiện, giúp đỡ tôi cả về vật chất lẫn tinh thần, nhờ đó tôi vững tin hơn để làm lại cuộc đời, không còn mặc cảm nữa”.

Tạo công ăn việc làm ổn định

Tạo việc làm cho người sau khi ra tù là một giải pháp tích cực để họ tái hòa nhập cộng đồng. Ở Đà Nẵng, thời gian qua, vấn đề giải quyết việc làm cho người sau khi ở tù về được các ngành thực hiện khá hiệu quả, thể hiện tính nhân văn cao. Từ năm 2002 đến nay, “Quỹ hoàn lương”  đã giải quyết cho 1.030 đối tượng vay vốn làm ăn với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng; nhờ đó nhiều người có việc làm và thu nhập ổn định, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Điển hình như anh N.V.D., trú phường Tân Chính, quận Thanh Khê, sau khi đi tù về, anh D. được Hội Cựu chiến binh phường hướng dẫn, giúp đỡ và cho vay vốn “Quỹ hoàn lương” để giải quyết việc làm. Đến nay, anh D đã trở thành ông chủ một tiệm may mui nệm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương với thu nhập mỗi tháng gần 2 triệu đồng/người.
 
Chị H.T.B., trú tổ 31, phường Hòa Quý, sau khi được đặc xá trở về địa phương tháng 7-2006, Hội Phụ nữ phường Hòa Quý đã giới thiệu cho chị B. vay vốn của “Quỹ hoàn lương” mở trại gà công nghiệp. Đến nay, chị đã có một trang trại gà lớn, có thương hiệu trên thị trường, không những làm giàu cho bản thân mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Nói về hiệu quả nguồn vốn “Quỹ hoàn lương”, Đại tá Nguyễn Đình Chính, Phó Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh, đây là một chính sách đúng đắn, nhân đạo của thành phố. Đồng vốn tuy nhỏ nhưng hiệu quả lớn, không chỉ vực dậy đời sống kinh tế mà đó còn là sự sẻ chia, quan tâm của cả cộng đồng dành cho những con người đã từng lầm đường lạc lối…
 
Sự thông cảm, nâng đỡ về mặt tinh thần của cả cộng đồng, cùng với việc hỗ trợ nguồn vốn tạo công ăn việc làm của chính quyền địa phương là chìa khóa để những con người lỡ vướng vào tù tội mở đường trở lại cuộc đời có ích cho bản thân và xã hội.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.