.
SAU 8 THÁNG THÍ ĐIỂM KHÔNG TỔ CHỨC HĐND HUYỆN, QUẬN, PHƯỜNG:

Bài 3: Xã cũng đề nghị không tổ chức HĐND

.

(ĐNĐT) - "Đại biểu HĐND ở xã mới chỉ làm tốt một chức năng là phản ánh kiến nghị của cử tri, việc thực hiện chức năng giám sát thì chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân một phần do năng lực của đại biểu, một phần thiếu cơ chế tạo điều kiện cho hoạt động giám sát. Mặt khác, tốc độ đô thị hóa làm cho khu vực nông thôn của Đà Nẵng ngày nhỏ lại. Do vậy, không cần thiết duy trì tổ chức HĐND xã". 

        >> Bài 2: Đề cao trách nhiệm người đứng đầu 
        >> Bài1: Gọn bộ máy, giảm họp, tiết kiệm tiền

Ông Trần Đình Nhơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) nhận xét như vậy khi đề nghị không tổ chức HĐND cấp xã. Ông nói, nếu chủ trương không tổ chức HĐND huyện, quận, phường sau khi hết thời gian thí điểm được nhân rộng cả nước thì riêng Đà Nẵng nên đề nghị không tổ chức HĐND ở cả cấp xã.

Tốc độ đô thị hóa nhanh đang thu hẹp khu vực nông thôn Đà Nẵng.

Ông Nhơn phân tích: UBND xã có cả một bộ máy với cán bộ chuyên môn theo từng lĩnh vực quản lý nhà nước. Trong khi đó, Thường trực HĐND xã chỉ có một cán bộ chuyên trách là Phó Chủ tịch HĐND làm sao giám sát một cách có hiệu quả. Đến nay, vẫn chưa có chế tài xử lý việc cơ quan có thẩm quyền không trả lời hoặc không giải quyết kiến nghị của cử tri được Thường trực HĐND chuyển đến bằng văn bản. Như vậy, kiến nghị sau giám sát kém hiệu lực. Không có cơ chế cho HĐND hoạt động hiệu quả nên hiếm khi cử tri địa phương gặp trực tiếp Thường trực HĐND xã để phản ánh.

Ông Lê Đức Gạo, Chủ tịch HĐND xã Hòa Châu, cũng đồng tình: Cơ chế tạo điều kiện cho hoạt động HĐND xã bất cập nên nhận thức của người dân về cơ quan quyền lực đại diện cho ý chí, vọng của nhân dân địa phương chưa đầy đủ. Cả nhiệm kỳ 5 năm nhưng không hề thấy một người dân nào đến gặp Thường trực HĐND xã để phản ánh vấn đề gì. Cứ có việc gì bức xúc là họ chỉ gặp Chủ tịch UBND xã. Rồi bức xúc đó được giải quyết như thế nào, có thỏa đáng hay không, có đúng quy định của pháp luật hay không, HĐND xã không thể biết mà giám sát.

"Mà không giám sát được thì hoạt động của HĐND xã chỉ vẫn mang tính hình thức. Hàng năm vẫn phải 2 kỳ họp, 4 cuộc tiếp xúc cử tri gây tốn kém kinh phí và thời gian không cần thiết. Vậy nên, tôi đồng tình việc khi hết thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường mà triển khai đại trà thì đề nghị cho Đà Nẵng không tổ chức HĐND xã", ông Gạo nói. Tuy nhiên, theo ông, trên địa bàn xã đang triển khai nhiều dự án phát triển hạ tầng đô thị, nhiều kiến nghị bằng văn bản của HĐND xã yêu cầu giải quyết bức xúc của cử tri liên quan đến chính sách đền bù, giải tỏa có hiệu quả, nếu không còn HĐND xã thì UBND xã phải làm tốt việc này.

Ngày 21-8, Thường trực HĐND thành phố có cuộc làm việc với Thường trực HĐND 11 xã thuôc huyện Hòa Vang, nhiều ý kiến phản ánh: Không còn HĐND huyện, HĐND xã hoạt động lúng túng do không còn đầu mối là Thường trực HĐND huyện để báo cáo, phản ánh kiến nghị của cử tri. Mặt khác, năng lực đại biểu HĐND xã còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết vai trò của đại diện nhân dân...

Tại đề án đề xuất được thí điểm xây dựng chính quyền đô thị của thành phố Đà Nẵng cũng đề nghị mô hình chính quyền đô thị chỉ có HĐND thành phố, không có HĐND huyện, quận, phường, xã.

Lý do như sau: Huyện Hòa Vang với 11 xã, chiếm 15% dân số thành phố đang trong quá trình đô thị hóa nên trong tương lai gần khu vực nông thôn của thành phố Đà Nẵng chỉ còn không quá 5 xã với dân số chỉ chiếm 4,3%. Có thể thấy, cự ly bán kính từ hơn một nửa số xã đến trung tâm thành phố không xa. Các tuyến giao thông từ xã đến khu vực trung tâm thành phố đã được đầu tư. Hầu hết các khu dân cư ở xã đều đã được đầu tư về kết cấu hạ tầng như điện, nước, giao thông cũng như các công trình phúc lợi xã hội trường học, trạm xá...

Bên cạnh đó, hiện nay thành phố đã quy hoạch và đang triển khai một loạt dự án khu đô thị, khu du lịch, cụm công nghiệp trên bàn các xã: Hòa Phước, Hòa Châu, Hòa Khương, Hòa, Phong, Hòa Nhơn, Hòa Tiến, Hòa Ninh. Mặt khác, không tổ chức HĐND xã cũng tránh được tình trạng một đô thị có 2 mô hình quản lý dẫn đến sự không thống nhất, đồng bộ trong quản lý nhà nước. Chỉ có HĐND thành phố, không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, xã là mô hình phù hợp với đặc điểm riêng của Đà Nẵng.

Hoàng Anh

;
.
.
.
.
.