.
SỔ LAO ĐỘNG

Bao giờ đến tay người lao động?

.

Thử việc cả đời

Rất nhiều người lao động không hề hay biết về quyển sổ lao động.

“Đây là cái gì?”, rất nhiều người lao động (NLĐ) đã hỏi như vậy khi nhìn thấy quyển sổ bìa xanh, chữ vàng, ghi rõ: Sổ lao động - Labourbook (SLĐ). Có lẽ, vì suốt ngày cắm cúi làm việc nên họ không hề hay biết quá trình làm việc, đào tạo, lý lịch, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chế độ được hưởng khi chấm dứt hợp đồng, v.v... của mình đều được gói gọn trong quyển sổ nhỏ nhưng khá chi tiết và đầy đủ này.

Chính vì thế, nhiều người mỗi lần chuyển chỗ làm là mỗi lần lại phải thử việc, dù cho họ đã có thời gian làm việc khá dài ở nơi khác trước đó. Quyển sổ này (nếu có), sẽ theo suốt hành trình lao động của mỗi người như một chứng nhân sống để NLĐ dù làm việc tại bất cứ doanh nghiệp (DN) hay đơn vị nào, quá trình công tác và quyền lợi của họ vẫn được nối tiếp thay vì đứt đoạn như lâu nay.

Chị N.K.H có thâm niên 6 năm làm nhân viên y tế cho một khách sạn lớn. Sau đó, chị chuyển sang làm việc ở một bệnh viện. Nơi này yêu cầu chị có giấy xác nhận đã công tác tại khách sạn trên trong nhiều năm để làm cơ sở trả lương theo đúng thâm niên và tay nghề. Tuy nhiên, vì một lý do cá nhân, người đứng đầu khách sạn lần lữa mãi không ký, chị đành phải nhận lương bậc 1 của người mới nhận việc tại bệnh viện. Anh Nguyễn Văn Ninh, hiện là kỹ sư cơ khí (làm việc tại Liên Chiểu) cho biết: Tốt nghiệp cao đẳng, anh vào thành phố Hồ Chí Minh làm việc 2 năm. Sau đó, anh trở về Đà Nẵng, học tiếp đại học và vào làm việc cho một công ty theo kiểu thử việc. 2 năm công tác trước đây, theo anh, chỉ là “điểm thêm” để lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng. Ngoài ra, quá khứ lao động của anh coi như bị xóa sổ.

Doanh nghiệp thờ ơ!

“Khi quan hệ lao động văn minh hơn thì nên cư xử bằng SLĐ. Bởi chỉ có quyển SLĐ mới thể hiện hết trình độ bậc thợ, lý lịch tư pháp, hành vi, đạo đức của NLĐ”, ông Lê Minh Hùng-Trưởng phòng Tiền lương-Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đà Nẵng nói. Cũng theo ông Hùng, cả DN và NLĐ đều “nhầm” sổ Bảo hiểm xã hội có thể thay thế SLĐ.

Luật Lao động quy định việc sử dụng SLĐ được bắt đầu có hiệu lực thực hiện từ năm 1995. Theo ông Hùng, ban đầu DN (hầu hết là DN Nhà nước) thực hành khá tốt. Nhưng sau khi ra đời hàng loạt các loại hình DN khác thì việc sử dụng SLĐ gần như bị lãng quên.

Không có sổ lao động, người lao động sẽ chịu nhiều thiệt thòi.
TRONG ẢNH: Người lao động đang đăng ký tìm việc.

DN thờ ơ với SLĐ và NLĐ “mù tịt” về sự xuất hiện của quyển sổ này trong cuộc sống lao động của mình đã khiến cả người sử dụng LĐ và bản thân NLĐ bị mất quyền lợi. Ông Lê Minh Hùng cho rằng, DN tuyển LĐ có thể căn cứ vào quyển sổ ấy để đánh giá trình độ, khả năng, tư cách… về NLĐ mới tuyển. Song, xem ra giữa sự thiệt thòi và lợi ích của DN trong việc sử dụng SLĐ thì chưa biết cái nào lớn hơn. Nếu giả lơ SLĐ, DN có quyền yêu cầu NLĐ thử việc từ đầu với mức lương khởi điểm. Do đó, DN có thể “ép” NLĐ quay trở lại bậc 1. Trong khi đó, NLĐ lấy gì chứng minh mình đã là lao động bậc 4, khi không có SLĐ?

Không có SLĐ, đối tượng bị thiệt thòi rõ nhất chính là NLĐ. Họ vốn dĩ thấp cổ bé họng trong tình hình cung lao động còn cao hơn cầu lao động, tức nguồn việc làm hiện nay nhìn chung còn khan hiếm, trong khi lực lượng lao động đang khá dồi dào. Vì thế, NLĐ không có cơ hội mang SLĐ ra làm cơ sở “mặc cả” với người sử dụng lao động. Có SLĐ, NLĐ sẽ được bảo vệ quyền lợi tốt hơn khi chuyển dịch nơi làm việc. Họ có quyền yêu cầu được bỏ qua thời gian thử việc, thậm chí lên bậc lương đúng với quy định. Để có SLĐ, NLĐ được quyền khiếu nại lên Thanh tra Sở LĐTBXH. 

THU HOA-TRIÊU NHAN

;
.
.
.
.
.