.

Tăng cường cam kết, nhanh chóng ổn định mức sinh

.

Ngày 26-12-1961, Hội đồng Chính phủ đã thông qua một quyết định khá đặc biệt do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký, đó là Quyết định số 216 về việc “Hướng dẫn sinh đẻ cho nhân dân”.
 

Sinh viên Đại học Đà Nẵng tham gia lớp tập huấn chương trình dân số.

Tính độc đáo, đặc biệt của quyết định này thể hiện ở chỗ: Trong lúc hầu như phần lớn các nước trên thế giới đều chưa thực sự quan tâm đến vấn đề dân số và dân số trong phát triển thì Việt Nam, một nước vừa trải qua cuộc chiến tranh 9 năm ác liệt chống thực dân Pháp, đang xây dựng cuộc sống mới ở miền Bắc, đồng thời tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam để thống nhất Tổ quốc, lại đặt vấn đề điều chỉnh việc sinh đẻ, hay nói một cách rộng hơn, điều chỉnh sự phát triển dân số cho phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước cho tương lai trước mắt và lâu dài.

Từ ngọn nguồn và ý nghĩa đặc biệt của văn bản, tại Quyết định số 326, ngày 19-5-1997, Thủ tướng Chính phủ đã lấy ngày 26 tháng 12 hằng năm làm Ngày Dân số Việt Nam. Chúng ta đang trong tiến trình hội nhập với quốc tế và khu vực, càng đòi hỏi yếu tố con người có chất lượng về cả thể chất lẫn trí tuệ, tinh thần. Đây cũng là một yêu cầu cấp bách đối với Chương trình dân số hiện nay. Theo tinh thần và ý nghĩa của ngày 26-12  và trong tình hình dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) hiện nay, Ngày Dân số Việt Nam 2009 tập trung chủ đề “Tăng cường cam kết, nhanh chóng ổn định mức sinh”.

Theo kết quả tổng điều tra dân số ngày 1-4-2009, số dân Việt Nam là 85.789.573 người; Việt Nam là nước đông dân thứ 3 ở Đông Á và đứng thứ 13 trong số những nước đông dân nhất thế giới. Trong 10 năm qua, dân số nước ta tăng 9,47 triệu người, bình quân mỗi năm tăng 947 nghìn người. Tỷ lệ tăng dân số giữa các kỳ như sau: 1999-2009 là 1,2%/năm; 1989-1999 là 1,7%/năm; 1979-1989 là 2,1%/năm; 1970-1979 là 2,8%/năm.

Dân số Việt Nam đang ở ngưỡng cửa cơ cấu “dân số vàng” đem lại tiềm lực lớn về lực lượng lao động, giúp đất nước có cơ hội để “cất cánh” nhưng cũng đem đến những thách thức về giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, giai đoạn “già hóa dân số” tăng nhanh cũng đặt ra các vấn đề về an sinh cho người cao tuổi.

Ông Bruce Campbell, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho rằng, mặc dù tổng tỷ suất sinh của Việt Nam giảm nhưng do tỷ lệ tử vong giảm và tuổi thọ người dân ngày càng tăng, nên dân số Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục tăng trong vòng 20 năm. Các dịch vụ KHHGĐ của Việt Nam hiện không đủ đáp ứng nhu cầu, đặc biệt cho thanh niên và phải được tăng cường trong những năm tới.

Đề cập tới những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số trong thời gian tới, Trưởng đại diện UNFPA nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác giám sát quá trình thực hiện Pháp lệnh Dân số và Nghị định của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm tất cả các hành vi xác định và lựa chọn giới tính thai nhi. Đặc biệt, ông Bruce nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn kêu gọi sự quan tâm của các vị lãnh đạo để chúng ta cùng chung nỗ lực vượt qua những thách thức này”.

Về dân số thành phố Đà Nẵng, theo kết quả điều tra dân số ngày 1-4-2009, Đà Nẵng có 887,07 nghìn người, xếp thứ 43 về số dân, thứ 13 về mật độ dân số; có 57,2% dân số nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Dân số Đà Nẵng đã đạt mức sinh thay thế và giữ vững được tỷ suất sinh thấp; tỷ lệ sinh thô hằng năm dao động ở mức 15‰; tỷ lệ sinh con thứ 3 ngày càng giảm và giữ ở mức khoảng 10%; tỷ lệ giới tính khi sinh 111 nam/100 nữ.

Đà Nẵng đang trong thời kỳ “Dân số vàng” và với tốc độ tăng trưởng cao về kinh tế dẫn đến sự tăng số lượng người nhập cư trong những năm qua đã tạo điều kiện và động lực cho kinh tế phát triển. Tuy nhiên, Đà Nẵng cũng phải đối mặt với những thách thức về hiện tượng tỷ suất sinh sẽ tăng trở lại do tỷ suất sinh trong thời gian gần đây có tính biến động thất thường. Mặt khác, nâng cao chất lượng dân số để đáp ứng với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng đang đặt ra cho Đà Nẵng. Dân số già và dân số nhập cư sẽ tiếp tục tăng cao là một trong những vấn đề cần phải quan tâm. 

“Tăng cường cam kết, nhanh chóng ổn định mức sinh” là một nhiệm vụ lớn đặt ra trong năm 2010. Mỗi người dân phải tự cam kết, mỗi cấp chính quyền phải cam kết, cả cộng đồng xã hội phải thực sự cam kết để làm chuyển biến tình hình dân số từ nhận thức đến việc nâng cao chất lượng sống trong mỗi người dân.

Bài và ảnh: MAI HOA

;
.
.
.
.
.