.

Thợ hồ

.

Nhìn những đám mây đen vần vũ trên bầu trời, chị Nguyệt, một thợ phụ hồ ở phường Khuê Mỹ, Ngũ Hành Sơn, lo lắng: “Lại sắp có mưa, thế là mất thêm vài ngày ngồi không rồi”. Cũng như những người làm nghề thợ hồ khác, cứ đến mùa đông là cả gia đình chị đối mặt với những tháng ngày khó khăn, vì thiếu việc làm. Cả gia đình chị gồm 5 người, đều chọn nghề phụ hồ làm nghề mưu sinh, nên cuộc sống gia đình càng thêm túng thiếu.

Thợ hồ luôn “sống chung” với bụi bặm.

Có thể nói, thợ hồ là nghề cực nhọc. Phải làm việc quần quật từ sáng đến tối, dãi nắng dầm mưa, nhưng mức thu nhập không xứng với sức lao động bỏ ra, mỗi ngày từ 60-80 nghìn đồng, tùy trình độ tay nghề. Cũng giống như những nghề lao động phổ thông khác, thợ hồ làm ngày nào nhận lương ngày đó, ngoài lương ra không có thêm một khoản thu nhập nào, nhất là khi họ đi làm cho tư nhân.

Bình quân làm việc suốt cả tháng, thợ hồ có thu nhập từ 1,6 - 2 triệu đồng/tháng, song không phải lúc nào cũng có việc làm thường xuyên. Anh Chúc, một người có thâm niên hơn 20 năm làm nghề thợ hồ, quê ở Đại Hồng, Quảng Nam, tâm sự: “Với thâm niên làm nghề thợ hồ như vậy, hiện nay một mình tôi có thể tự xây được một căn nhà cấp 3, cấp 4.

Nhưng mình không bằng cấp, không một giấy tờ gì chứng minh khả năng của mình thì kể cả việc xin đi làm thợ xây dựng ở một công trình lớn lớn một tí cũng không được, chứ đừng nói đến chuyện đi nhận nhà để làm. Tôi làm nghề này chỉ trông chờ vào những mối quen, họ biết mình lâu rồi, nên ở đâu có việc là họ lại gọi đi làm.
 
Mà làm nghề này cực khổ lắm, có việc thì làm quần quật từ sáng đến tối mịt, không hở tay, đau mỏi cả người. Còn khi không có việc thì ngồi ngáp ngắn ngáp dài, lo lắng không biết kiếm tiền ở đâu để nuôi vợ con, nhất là những ngày mưa gió, nghe dự báo thời tiết sắp có áp thấp nhiệt đới, có gió mùa đông bắc là biết mình sắp không có việc làm”.

Làm thợ hồ cực khổ như vậy, nếu ai tích cóp, tằn tiện lắm cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Bà Huệ, ở phường Mỹ An cho biết, cả hai vợ chồng bà làm nghề này từ khi mới có đứa con đầu lòng, nay cháu đã lập gia đình, nhưng hai vợ chồng vẫn không bỏ nghề được. “Nói thế cho vui, chứ bỏ việc phụ hồ thì chẳng còn có nghề gì mà làm cả, bởi một chữ bẻ đôi không biết thì biết làm nghề gì khác. Suốt cả cuộc đời lăn lộn, dầm mưa dãi nắng như vậy, nhưng cuối đời chỉ còn lại 2 tấm thân già nua này”, bà nói.

Còn anh Đỗ Cao Trí, một công nhân có bằng trung cấp xây dựng hẳn hoi, song vẫn nhọc nhằn với nghề. Quê ở tận ngoài Bắc, anh vào miền Trung làm việc thì phải thuê nhà ở, ăn cơm bụi, nên làm được đồng nào hết đồng nấy. Đặc biệt những ngày mưa gió, không đi làm được phải ở nhà, anh em lại bày trò ra chơi để “giết” thời gian, lại tốn kém nhiều hơn đi làm.

Phụ nữ cũng làm phụ hồ - một công việc nặng nhọc.

 

Anh tâm sự: “Làm thợ hồ cực lắm, do nhiều công đoạn, nên người thợ phải làm nhiều việc như trộn hồ, xúc cát, khiêng vữa, khuân gạch, đào móng, quét vôi, xây tường… tất tần tật từ A tới Z. Thanh niên như em mà nhiều lúc chịu không nổi. Đời thợ hồ bạc bẽo như vôi, lúc còn sức là đi làm, lúc đau ốm, tai nạn thì phải một mình mình gánh chịu. Bạn em đã có đứa bị tai nạn lao động, tật nguyền cả đời còn lại. Nghề thợ hồ cực nhọc lại không có tương lai. Biết là thế song không làm thì lấy gì để ăn, để sống”.  

Thợ hồ ngoài việc lo không có việc làm, nhiều khi họ còn phải đối mặt với nỗi lo tai nạn lao động, nhẹ thì mẻ đầu sứt trán, nặng thì gãy tay, gãy chân… Thậm chí cả những căn bệnh nghề nghiệp. Như bà Huệ, do tiếp xúc thường xuyên trong môi trường bụi bặm, nên giờ bà mắc bệnh viêm xoang mãn tính.
Mặc dù giá công xây dựng năm nay đã tăng hơn so với năm ngoái, nhưng với tốc độ trượt giá như hiện nay, người thợ hồ vẫn phải sống trong khó khăn bộn bề.

Bài và ảnh: Thành Lân

;
.
.
.
.
.