.

Trong trái tim người lính luôn có gia đình

.

Một căn nhà nhỏ gọn gàng, xinh xắn với mảnh vườn có giàn phong lan, những chậu cây cảnh, chiếc xích đu trắng và vài chú cún quấn quýt bên chân chủ, đủ gợi cho những ai mới đặt chân vào nơi này cái cảm giác bình yên đến lạ. Đó là ngôi nhà của Đại tá Lê Công Thạnh (1927, quê Điện Thọ, Điện Bàn), nguyên Phó Chỉ huy trưởng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. 

Con người đời thường

 

Đã bước sang tuổi xưa nay hiếm, nhưng Đại tá Lê Công Thạnh còn minh mẫn lắm. Ký ức về quãng đời gắn bó trọn vẹn với quân đội từ năm ông là một thanh niên mới lớn đến ngày nghỉ hưu được kể lại mạch lạc từng ngày, từng tháng, từng con người và sự kiện.
 
Nếu không sống cùng thời với ông, người ta vẫn có thể cảm nhận một cách sinh động quá khứ ấy qua từng lời kể. Cũng như bao người lính, từ trang phục, giọng nói, câu chuyện nơi ông luôn tràn đầy một chất lính không thể lẫn vào đâu. Tuy nhiên, bên cạnh sự hào sảng, còn có một giọng điệu thật nhẹ nhàng và đằm thắm khi nhắc về gia đình và người vợ thương yêu của mình.

Ông bảo, cả đời, ông không làm công việc nào khác ngoài đảm nhận vai trò người lính Cụ Hồ. Ông “mê” quân đội đến mức giấu bệnh để được đứng trong hàng ngũ ấy. Thế nhưng, trong trái tim người lính của ông vẫn có một góc rất thiêng liêng dành cho gia đình. Đó là hình ảnh về hai đấng sinh thành, người núp sau hàng tre ngày tiễn con đi; là hình ảnh các em bám áo anh không rời; là đứa con gái đầu lòng lên 3 tuổi mới được một lần gặp cha; và là sự hy sinh của người vợ đảm để ông yên tâm chiến đấu.

Đến nhà, nhìn cái cách ông nói chuyện, chăm sóc người vợ đã sắp bước vào tuổi 80 và mắc bệnh đãng trí nhiều năm nay mới thấy hết tình yêu ông dành cho gia đình còn hơn cả những điều ông nói. Lúc bà tháo tung đồ đạc trên bàn, ông đến bên thỏ thẻ như một cơn gió: “Đừng tháo ra nghe. Qua chỗ kia chơi. Thương nghe! Thương nghe! Giỏi! Giỏi!”.

Rồi trong đôi mắt rưng rưng, ông miên man kể về bà với tất cả tình yêu và sự hàm ơn. Mọi sinh hoạt cá nhân thường ngày của vợ giờ đây được ông chăm thành thạo. Dường như ông muốn bù đắp cho những cách xa mà suốt thời trai trẻ họ đã nếm trải. Lạ là, dù không còn tỉnh táo, nhưng bà chỉ ăn khi được ông bón, chỉ yên tâm khi ông ở bên cạnh; lúc ông có việc ra ngoài, bà ngồi mãi ở cổng đợi chồng. Nhìn cặp vợ chồng già bên nhau, càng thấy tình yêu đẹp đến vô cùng.

Kỷ niệm một lần trận mạc

Năm 1946, ông vào bộ đội. Đến năm 1989, nghỉ  hưu. Đó là quãng thời gian Đại tá Lê Công Thạnh đã trải qua nhiều vị trí, nhiệm vụ khác nhau: Là chiến sĩ biệt động, Chính trị viên, Trưởng tiểu ban cán bộ trung đoàn, Phó ban cán bộ sư đoàn, Trợ lý, Phó Chính ủy Mặt trận 4 Quảng Đà, Phó Chỉ huy trưởng về chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng và tiếp sau đó là 7 năm vào Ban Chấp hành lâm thời Hội Cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng (cũ).

Hiện nay, mỗi ngày ông vẫn dành thời gian ngồi vào bàn làm việc viết hồi ký. Trong từng ấy năm đầy ắp kỷ niệm, một cảm xúc khiến ông không thể nào quên là lần bất ngờ được giao chỉ huy diệt cụm lô cốt của quân Pháp. Ngày 18-7-1954, lúc đang đảm nhiệm vai trò Chính trị viên kiêm Trung đội trưởng huấn luyện quân tại vùng tranh chấp La Thọ, Điện An, Điện Bàn, ông được Đại đội trưởng đến trực tiếp giao trọng trách trong đêm phải hành quân vượt sông Vĩnh Điện, vòng phía đông thị trấn để phối hợp với đơn vị đặc công của Tỉnh đội đánh tiêu diệt cụm lô cốt đầu cầu Mống (cầu Câu Lâu ngày nay) để bắt tù binh, thu vũ khí.

Nhiệm vụ  của trung đội là phải trụ lại đánh suốt ngày để kéo đại đội Pháp và giữ chân chúng tại khu vực Vĩnh Điện, không cho lên chi viện ở trận Bồ Bồ. Trong quá trình chiến đấu, ông bị thương nặng và tự xé quần áo băng bó để tiếp tục chỉ huy.

Tối 19, rạng 20-7-1954, ông được đưa xuống thuyền để đi điều trị. Cảm xúc nhất là lúc nằm trên thuyền, ông nhận được tin ta đã tiêu diệt gọn quân Pháp tại núi Bồ Bồ và còn được biết thêm Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam đã ký kết. “Xao xuyến lắm. 9 năm kháng chiến gian truân, nay nghe tin chiến thắng”, Đại tá hồi tưởng. “Trong chiến đấu không sợ gì cả, đánh cho đến cùng”, Đại tá nói thêm rồi bất chợt đọc câu thơ “Gian truân khổ ải đã vượt qua. Dù có thiếu đi một chừng nào. Vẫn là ấm no và hạnh phúc”.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.