Không có sự thay đổi “cái rẹc” trong cách sống của 130 ông chồng thường xuyên gây bạo lực gia đình (BLGĐ) sau cuộc gặp mặt với Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh; song, một dấu hiệu đáng mừng qua cuộc khảo sát mới đây nhất của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố cho thấy, nhiều người trong số này đã giảm hẳn hành động đánh vợ, đập con. Nhiều người vợ đã cảm động cho biết: “Ăn ở với nhau tới lúc trên đầu gần hai thứ tóc mới thấy hạnh phúc gia đình”.
Lãnh đạo quận Cẩm Lệ đã trao tặng bộ bàn ăn trị giá 1,7 triệu đồng này cho gia đình anh Tám, chị Lê như một sự chia sẻ niềm hạnh phúc. |
Hạnh phúc muộn màng
Có với nhau được 5 mặt con, bây giờ, vợ anh Hòe “Trương phi” mới biết hạnh phúc là cái gì. Không phải bỗng dưng hàng xóm láng giềng tại quận Cẩm Lệ đặt cho anh biệt danh “Trương phi”. Thân hình to cao, da đen, râu dài xồm xoàm cộng với tiếng hét “ra lửa” khiến không chỉ vợ con mà ngay cả người dân địa phương cũng thất kinh mỗi khi anh nổi giận. Sự lục đục trong gia đình vợ chồng anh Hòe bắt đầu từ khi họ sinh đứa con đầu lòng cho đến… đứa út. Vợ anh tâm sự với một cán bộ Phụ nữ: “Hơn 20 năm sống với ổng, chừ tui mới thấy ổng khác xưa. Ông trời có mắt”.
Nhắc đến cặp anh Tám, chị Lê, Chủ tịch Hội Phụ nữ quận Cẩm Lệ phải thừa nhận đôi vợ chồng này gần như đang trở lại thời son trẻ khi chiều chiều chồng tranh thủ về sớm chăm con, vợ nôn nao hết giờ làm, nhanh chân về với gia đình. Trước đây, chị Lê từng chịu những đêm bầm mặt, tím mày trốn sang nhà hàng xóm ngủ tạm để tránh trận đòn của chồng. Chị chia sẻ, ngày ấy, mỗi lần dắt xe tới cổng là trong lòng chán nản, không muốn bước chân vào nhà. Bây giờ, nhìn vợ chồng và hai đứa con họ quấn quýt bên nhau, gương mặt rạng ngời khiến cả những người ngoài cuộc cũng hạnh phúc lây. Đích thân lãnh đạo quận đã đến nhà anh Tám, chị Lê chia sẻ niềm vui và trao tặng một bộ bàn ăn trị giá 1,7 triệu đồng, kèm lời gửi gắm: “Bên chiếc bàn này, gia đình chúng ta sẽ mãi quây quần trong bữa cơm ấm cúng”.
Bất ngờ hơn, một người đầy tai tiếng về hành vi BLGĐ như anh Tám, hôm nay đã “to tiếng” nạt mấy anh trong xóm ngay tại buổi sinh hoạt câu lạc bộ gia đình: “Mấy ông nhìn tui coi nè. Mình sống phải nghĩ mà thương gia đình chớ. Không lo cho vợ, con thì hạnh phúc ở mô ra?”.
Cập nhật như... giá vàng
Hầu hết các ông chồng sau cuộc gặp mặt đã chuyển biến, trong đó cũng có những trường hợp chuyển biến theo hình thức… bạo lực kiểu khác. Có ông chấm dứt chuyện đánh vợ, nhưng cắt khoản tiền đóng góp hằng tháng chung lo gia đình. Có ông liên tục chì chiết cái tội vợ dám tố cáo chồng trước dư luận. Có ông… đánh nhiều hơn cho bõ ghét và kết quả là người này vừa mới vào tù vì đánh vợ liên tiếp 4 lần sau ngày đi gặp mặt tại thành phố.
Điều đáng nói, chính người vợ có chồng vào tù ấy lại tìm đến Hội Phụ nữ khóc bù lu, bù loa đòi thả chồng về. Chị bảo không thể sống nổi khi gia đình, bà con cho chị là người chẳng ra gì. Phạt hành chính thì người nộp tiền phạt chẳng ai khác ngoài vợ, bỏ mấy ông chồng vào tù theo luật thì người nuôi cơm cũng chẳng ai khác ngoài vợ. Hơn nữa, trong gia đình sẽ mất một lao động, làm ảnh hưởng đến thu nhập chung. Đây chính là những cái khó trong bài toán thiệt, hơn để bảo vệ quyền lợi và đem lại hạnh phúc cho người phụ nữ chẳng may có chồng bạo lực.
“Số cặp vợ chồng BLGĐ cứ trồi, sụt từng ngày nên chúng tôi phải cập nhật liên tục như giá vàng vậy đó”, mấy chị cán bộ Hội Phụ nữ cho hay. Nhiều ông chồng đã tiến bộ, nhiều mái ấm đã đoàn viên, nhưng lại có những ngày các chị ghi nhận thêm các cặp mới phát sinh bạo lực. Có thời điểm, tổng số gia đình bạo lực tăng, nhưng điều này không có nghĩa tình trạng BLGĐ tại Đà Nẵng gia tăng. Hiện nay, việc phát hiện, giải quyết BLGĐ không còn bó hẹp trong chức năng của Hội Phụ nữ và Công an địa phương mà tất cả các hội, đoàn thể đều vào cuộc. Ở các vùng ngoại thành, Hội Nông dân tỏ ra rốt ráo trong việc chung tay phòng, chống BLGĐ.
Hạnh phúc có lâu dài? Cần phải đợi...
Việc các ông chồng bị “đưa ra trước ánh sáng” đã có tác động nhất định đến những người vừa chớm nảy sinh bạo lực. “Ông coi kìa, chừ không phải vợ mình, mình đánh, con mình, mình la nữa mô. Đụng vô biết liền”, mấy chị sồn sồn trong xóm ngước lên ti-vi nhắc khéo chồng.
Không chỉ có người đàn ông chuyển biến, những cuộc chất vấn riêng với từng thành viên gia đình, họ hàng và cán bộ địa phương của Hội Phụ nữ đã ghi nhận nhiều sự thay đổi của những người vợ. Các chị nhận ra rằng, nói đúng lúc và ứng xử tế nhị mới là liều thuốc hiệu quả “trị” chồng.
Tuy vậy, chính những chị đã tìm được niềm vui từ ngày chồng thay tính đổi nết cũng thừa nhận: “Trước mắt biết vậy, chứ sau này như thế nào thì không dám chắc”. Hơn ai hết, những người tham gia phòng, chống BLGĐ hiểu rõ những biến chuyển như trên chỉ là bước đầu. Để các gia đình đã có bạo lực và những cặp vợ chồng khác nói chung hạn chế tình trạng bạo lực thì cần một chiến lược lâu dài. Chị Phạm Thị Nhàn, Chủ tịch Hội LHPN quận Cẩm Lệ cho biết: “Tết Nguyên đán năm nay, chúng tôi sẽ tổ chức gặp mặt hoặc đến từng nhà các cặp đã tiến bộ thăm hỏi, tặng quà khích lệ tinh thần.
Mô hình CLB phòng, chống BLGĐ cũng sẽ được nhân rộng tại tất cả các phường trên địa bàn quận”. Với Hội LHPN thành phố, 2010 sẽ là năm chú trọng thực hiện việc trau dồi kỹ năng sống cho phụ nữ, đặc biệt là đối tượng phụ nữ lao động; hỗ trợ chị em phát triển kinh tế gia đình.
Bài và ảnh: THU HOA