.

Xây tổ ấm, thật dễ?

.

Dân gian có câu: Muốn biết một gia đình có hạnh phúc hay không thì hãy xem gian bếp nhà đó có ấm hay không. (Nguồn ảnh:suckhoegiadinh.org)

Phần nhiều do cánh đàn ông gây chuyện, nên dẫn tới bạo lực gia đình đã không còn là điều nghi ngờ nữa. Nhưng truy lại nguyên nhân, những người làm công tác phụ nữ đã nhận định rằng, chính chị em đã “tiếp tay” không nhỏ vào những lúc cơm không lành, canh chẳng ngọt của gia đình mình. Đôi khi người vợ trực tiếp có lời nói hay hành động dẫn đến bạo lực. Đôi khi sự rạn nứt trong gia đình lại được nhen nhóm từ những điều hết sức nhỏ nhặt, mà bấy lâu các chị vô tình hoặc cố tình không để ý.

Một  chuyên gia tư vấn tâm lý kể rằng, chị tham gia hòa giải cho một cặp vợ chồng đã luống tuổi từ lý do tưởng chừng hết sức… không đâu, khi người chồng không bao giờ muốn đi ra ngoài cùng vợ, nói chi đến chuyện gần gũi, bởi cách ăn mặc của chị này quá lôi thôi. “Bả hôi tôi chịu không nổi”, đó là lời thổ lộ hơi mắc cười nhưng chân thật của người chồng. Chuyên gia tư vấn trên thừa nhận, khi gặp hai vợ chồng, chị cũng thấy, quả anh nói không sai.

Tại văn phòng chuyên hỗ trợ, tư  vấn về hôn nhân gia đình của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, các cán bộ thấy rằng, nhiều vụ bạo lực hoặc ly hôn không hoàn toàn do lỗi của phái mạnh. Bực bội, khó chịu, thậm chí tức anh ách là biểu hiện không khó hiểu ở một người đàn ông khi vợ họ thường “tra cứu” tin nhắn, cuộc gọi di động và cái ví của chồng. Các chị coi đó là sự quan tâm đặc biệt, cần phải bõ công dò la để sớm nhận biết những nguy cơ chớm manh mún có khả năng ảnh hưởng đến hạnh phúc, mà ở đây, ví và điện thoại là hai vật có thể “tố cáo” rõ nhất điều này. Sự quan tâm bao giờ cũng cần thiết, nhưng quan tâm kiểu ấy… trời cũng bỏ chạy.

Biết tạo hình ảnh đẹp trước mắt người thân. Giảm bớt những thói quen có phần ích kỷ. Dành một vài phút mỗi ngày ngồi vui chơi, trò  chuyện với chồng con. Nấu một bữa cơm bình thường nhưng mỗi thành viên có thể cảm nhận được sự chăm chút của mẹ, của vợ cho hợp khẩu vị từng người. Hỏi thăm chồng bằng một lời dịu dàng. Đó là số ít trong vô vàn những lời khuyên mà các kênh truyền thông thường dành cho các chị.

Những việc ấy có quá khó không? Chắc là không. Những việc ấy có to tát không? Cũng chắc là không, nếu không muốn nói chúng hoàn toàn nằm trong tầm tay của người phụ nữ. Vẫn biết mỗi nhà mỗi cảnh, hơn nữa, lý thuyết và thực tế bao giờ cũng có khoảng cách, nên không thể căn cứ vào những cái gạch đầu dòng ấy để chị em tự dằn vặt mình. Nhưng tự nhìn lại và hoàn thiện thiên chức của mình hơn qua những việc nhỏ như thế, thiết nghĩ là cần thiết lắm thay.

HƯỚNG DƯƠNG

;
.
.
.
.
.