.

Xóa nghèo - Cách làm Liên Chiểu

.

(Tiếp theo và hết)

Cùng xóa nghèo

Chỉ thị 24 của Thành ủy Đà Nẵng vừa là mệnh lệnh, vừa là gợi mở hướng đi cho mỗi địa phương. Là người đứng đầu chính quyền quận Liên Chiểu, ông Dương Thành Thị đã cùng tập thể lãnh đạo quận phải trăn trở để tìm hướng đi nào cho việc giải quyết cái nghèo ở địa phương mình. Ông nói: “Trăn trở lắm, nhiều đêm bắc tay lên trán trằn trọc mãi không sao chợp mắt. Hình ảnh những con người lam lũ, nghèo khó và bữa cơm quá đạm bạc của họ luôn hiện lên trong tâm trí.

 

Ông Nguyễn Quyền đang hành nghề gia công cơ khí bằng phương tiện thuê mướn.

Phải tìm cách giúp họ nhanh chóng thoát nghèo. Hỗ trợ gạo, tiền không thôi chưa đủ. Phải gặp trực tiếp để cùng họ bàn tính cách làm ăn mới mong thoát nghèo bền vững”. Ông đã cùng lãnh đạo quận đi đến quyết định đối thoại trực tiếp với những hộ đặc biệt nghèo. Trước hết, để tìm hướng làm ăn khả thi nhất, đồng thời hỗ trợ ban đầu về vật chất để họ có cơ hội vươn lên xóa nghèo. Các buổi gặp gỡ này thực sự gây xúc động trong nhân dân, nhất là với những hộ đặc biệt nghèo.

Tại buổi đối thoại trực tiếp với 27 hộ đặc biệt nghèo của phường Hòa Hiệp Bắc và 22 hộ của phường Hòa Minh vào ngày 19-11, cùng tham dự với lãnh đạo quận là các ban, ngành liên quan, các đơn vị nhận đỡ đầu. Chân tình và cởi mở, các anh đã hỏi han cặn kẽ gia cảnh và nguyện vọng của từng người. Tất cả các hộ đều được hỗ trợ về lương thực mỗi tháng 15 - 20 kg, trong vòng 3 -6 tháng; con em họ đang ở tuổi đến trường đều được cấp học bổng mỗi suất 600 nghìn đồng/năm. Về làm ăn, sau khi đã thống nhất giải pháp, quận quyết định hỗ trợ phương tiện, dụng cụ, giao đơn vị nhận đỡ đầu cùng chủ hộ thực hiện.

Trường hợp hộ bà Lê Thị Đích là một ví dụ. Các đồng chí lãnh đạo quận hỏi rất cặn kẽ về thu nhập, đời sống và giải pháp làm ăn. Thoáng chút ngập ngừng, bà Đích bày tỏ nỗi niềm về gia cảnh và nguyện vọng của mình. Theo bà, kế mưu sinh vẫn là trồng rau muống, nhưng phải chờ nước cạn mới triển khai. Khi được hỏ :

“Ở khu vực đó, liệu chị có bán buôn gì được không?”, bà cho hay, ở đó gần đường lớn, bán hàng ăn được, nhưng kẹt nỗi không có vốn đầu tư. Sau khi hội ý nhanh với Trưởng phòng LĐ-TB và XH, ông Dương Thành Thị thông báo: “Quận hỗ trợ 3 triệu đồng mua bàn ghế và dụng cụ dùng để bán hàng. Hội Chữ thập đỏ quận, đơn vị nhận đỡ đầu, sẽ phối hợp với bà mua. Đứa con đang học THCS được cấp học bổng mỗi năm 600 nghìn đồng.

Ngoài ra, mỗi tháng gia đình được hỗ trợ 20 kg gạo. Với thực trạng nhà ở xuống cấp, quận hỗ trợ thêm 5 triệu đồng để sửa chữa, nhưng phải ưu tiên nâng cấp nơi ăn nghỉ của 2 cụ thân sinh. Tuyệt đối không để nơi họ nghỉ bị dột”. Nghe vậy, bà Đích lấy tay lau vội lên mắt. Với bà, còn niềm vui nào lớn hơn?

Gia đình ông Nguyễn Quyền được hỗ trợ 10 triệu đồng, nhiều nhất trong số 366 hộ trực tiếp đối thoại với Chủ tịch quận trong ngày 19-11. Nhằm tạo cơ hội cho ông phát huy nghề đã có, lãnh đạo quận quyết định hỗ trợ máy hàn, máy cắt, khoan, mài. Bất ngờ và cảm động, không giấu nổi niềm vui, ông Quyền hứa: Với sự hỗ trợ quý báu này, gia đình sẽ mở cơ sở gia công cơ khí và nỗ lực làm ăn, chỉ trong vòng ba tháng sẽ tự nguyện ra khỏi diện nghèo.

Gặp ông ngay sau buổi đối thoại, ông tâm sự: “Gần 50 tuổi, lần đầu tiên được lãnh đạo quận đối thoại, còn được hỗ trợ vốn làm ăn, cảm động quá! Không chỉ hỗ trợ lương thực, cấp học bổng cho con em mà còn hiến kế để làm ăn, hỗ trợ phương tiện dụng cụ. Đây là cơ hội vàng để các hộ đặc biệt nghèo như chúng tôi vươn lên”.   

Đến ngày 27-11, lãnh đạo quận Liên Chiểu đã đối thoại, hỗ trợ kinh phí, lương thực, cấp học bổng cho 294/366 hộ đặc biệt nghèo. Các chủ hộ nghèo đều phấn khởi, tự tin. Ai cũng hứa sẽ nỗ lực làm ăn, nhanh chóng thoát nghèo để không phụ lòng tin của lãnh đạo quận.

Không ai đứng ngoài cuộc

Ông Huỳnh Tám, Trưởng phòng LĐ-TB và XH quận cho biết: 366 hộ đặc biệt nghèo được hỗ trợ  600 triệu đồng để mua phương tiện, dụng cụ kiếm kế mưu sinh, khoảng 30 tấn gạo và 120 suất học bổng cũng được cấp... Nguồn này là kết quả huy động sự đóng góp của các cơ quan, đoàn thể, địa phương, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm...

Hiện tại, quận đã thành lập “Quỹ hỗ trợ và phát triển”. Tính đến thời điểm này, quỹ đã huy động được trên 600 triệu đồng. 3 đơn vị được Thành ủy phân công hỗ trợ, giúp đỡ quận Liên Chiểu là Hội Cựu chiến binh thành phố, Đảng ủy Quân sự thành phố và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố đã có những đóng góp thiết thực cho sự nghiệp xóa nghèo tại địa phương.

Công tác xóa nghèo ở Liên Chiểu đang được nhiều ngành, nhiều cơ quan, nhiều người chung tay góp sức. 25 cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể ở quận Liên Chiểu nhận đỡ đầu các hộ đặc biệt nghèo, trong đó Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 22 hộ, Hội Nông dân 19 hộ, Hội Liên hiệp Phụ nữ 13 hộ... Ông Dương Minh Chí, Trưởng ban Kinh tế của Hội Cựu chiến binh thành phố, cho rằng:

Với cách làm này, các hộ nghèo không chỉ được hỗ trợ vật chất mà còn được mở ra hướng làm ăn khả thi để xóa nghèo. Hay nói đúng hơn, quận đã cho họ cùng lúc “cả cá và cần câu”. Sau đợt đối thoại, Hội Cựu chiến binh thành phố, Hội Cựu chiến binh quận cùng chủ hộ mua sắm phương tiện, dụng cụ, tiếp đến là hướng dẫn, tư vấn cách làm ăn, thường xuyên theo dõi giúp đỡ họ giải quyết các vướng mắc nảy sinh...

 Tại buổi đối thoại trực tiếp với các hộ đặc biệt nghèo vừa qua, sau khi được lãnh đạo quận quyết định hỗ trợ 10 triệu đồng mua máy để gia công cơ khí, cấp học bổng cho 2 đứa con, hỗ trợ 45kg gạo trong ba tháng, ông Nguyễn Quyền, trú tổ 76, phường Hòa Minh, rơm rớm nước mắt vì cảm động.

Ông hứa: Có sự hỗ trợ quý báu này, gia đình sẽ nỗ lực làm ăn, phấn đấu sau 3 tháng ra khỏi diện hộ nghèo. Không chỉ người đàn ông 46 tuổi, chủ gia đình 6 nhân khẩu ấy cảm động đến rơi lệ mà 366 chủ hộ đặc biệt nghèo ở Liên Chiểu đều có nỗi niềm tương tự khi được gặp và nói chuyện với lãnh đạo quận, cùng bàn tính cách làm ăn và được hỗ trợ gạo, tiền, cấp học bổng cho con em để họ sớm thoát nghèo.

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu

;
.
.
.
.
.