Vài năm trở lại đây, trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngày càng có thêm nhiều khu công nghiệp (KCN) ra đời, nhiều nhà máy được xây dựng và đi vào hoạt động, đã thu hút một lượng lớn công nhân từ các địa phương lân cận đến làm việc. Mặc dù đời sống vật chất lẫn tinh thần vẫn còn thiếu thốn, nhưng vì gánh nặng mưu sinh nên họ vẫn phải chịu khó để xa nhà tìm việc...
Công nhân đi chợ vỉa hè. |
Trương Thị Thùy Trang, sinh năm 1987, quê ở huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, hiện đang làm việc ở bộ phận chế biến của Xưởng 32 thuộc Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước kể: Trang làm việc ở đây được hơn 3 năm, theo hợp đồng lao động với công ty thì công nhân sẽ hưởng lương theo khối lượng sản phẩm. Những thời điểm công ty có nhiều hàng thì công nhân có việc làm thường xuyên, ca 1 bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 14 giờ chiều, ca 2 từ 14 giờ chiều đến 22 giờ đêm. Mỗi tháng, nếu ngày nào cũng làm việc chuyên cần 8 tiếng đồng hồ thì thu nhập cũng được gần 2 triệu đồng.
Với chừng ấy lương mỗi tháng, Trang phải chi phí tiền thuê nhà trọ, điện nước chừng 150.000 đồng (mỗi nhà trọ thuê 500.000 đồng/tháng nhưng có 5 người ở - NV); tiền ăn mỗi tháng hết khoảng 450.000 đến 500.000 đồng. Số còn lại, Trang tích lũy để còn chi tiêu lặt vặt và chu cấp thêm cho một đứa em đang học ở Trường Công nhân đóng tàu Đà Nẵng.
Cùng tan ca chung đường với Trang là Phan Thị Huệ, sinh năm 1982, quê ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, Huệ là công nhân đã có 5 năm làm việc tại Công ty D&N (một liên doanh của Nhật Bản về chế biến hàng thủy sản). Huệ cho biết: Đã 5 năm cô làm việc ở tổ vi cá của Công ty D&N, lương cơ bản mỗi tháng được 1.252.000 đồng, nhưng do công ty thường xuyên có hàng, nên phần lớn công nhân đều phải làm việc tăng ca. Cứ mỗi tiếng đồng hồ tăng ca, Huệ được công ty trả thêm 10.000 đồng, vì vậy, mỗi tháng tính cả lương lẫn tiền tăng ca, số tiền được nhận cũng trên 2 triệu đồng. Huệ với cô bạn cùng công ty thuê nhà trọ 400.000 đồng/tháng, nhưng may mắn là khoản tiền thuê nhà trọ này được công ty bao cấp, mỗi tháng hai người chi trả chừng 80.000 đồng tiền điện, nước mà thôi. Tiền ăn mỗi tháng hết chừng 400.000 đồng, nên với số lương ấy, mỗi năm Huệ cũng tích góp được kha khá để giúp đỡ gia đình trong những dịp về quê...
Rời địa bàn phường Thọ Quang, tôi tìm đến KCN Hòa Khánh, nơi hiện có rất đông công nhân đang làm việc cho các nhà máy may mặc, sản xuất linh kiện điện tử và đồ chơi trẻ em... Tại khu chợ xép chuyên bán hàng tiêu dùng phục vụ cho công nhân của KCN, tôi đã gặp rất nhiều nữ công nhân đang đi chợ để chuẩn bị cơm nước trước khi vào làm ca 2. Đỗ Thị Nguyệt, quê ở xã Đại Phong, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, hiện đang làm việc cho Công ty may Phong Phú kể rằng: Những công nhân như Nguyệt làm việc cho công ty này đều nhận được mức lương cơ bản là 1,2 triệu đồng/tháng; nếu lúc nào nhiều hàng phải tăng ca thì mỗi tiếng đồng hồ được trả thêm 8.000 đồng. Vài ba người làm cùng công ty thuê chung một phòng trọ khoảng 12m2 với giá 500.000 đồng/tháng, kể cả tiền điện, nước. Tiền ăn thì có tằn tiện lắm mỗi người mỗi tháng cũng hết gần 500.000 đồng/người.
Giờ tan ca, công nhân trở về nhà trọ với bó rau và vài miếng đậu khuôn trên tay. |
Chị Nguyễn Thị Hà, bán hàng tạp hóa ở ngay ngã ba đường Âu Cơ với KCN kể: “Bán hàng lâu năm ở đây nên tôi rất hiểu đời sống của công nhân. Tiền lương thấp nên họ sống hết sức kham khổ. Những mặt hàng bán chạy nhất ở đây là đồ dùng cá nhân loại rẻ tiền, rau các loại, cà chua, giá, đậu khuôn... còn cá, tôm thì phần lớn là loại đã ươn mềm, thịt bò, thịt heo cũng vậy... Trong nhà tôi có cho công nhân thuê trọ nên tôi biết, có phòng 3 người ở, mỗi ngày chỉ giới hạn tiền ăn trong phạm vi 10.000 đồng mà thôi”.
Theo chỉ dẫn của chị Hà, tôi tìm đến xóm trọ nằm sâu trong một con hẻm ở đường Âu Cơ, nơi đây có khá nhiều công nhân đang tá túc. Quan sát thấy, trong từng căn nhà trọ nhỏ bé ấy khá giống nhau với những món tài sản tuềnh toàng, đơn giản, mỗi công nhân xa nhà đi tìm cuộc sống chỉ gói ghém hành trang của mình trong những chiếc va ly. Nguyễn Thị Thúy, quê ở Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết: Đa số công nhân bọn em ở đây đều đã học xong lớp 12, có chị đã tốt nghiệp các trường trung cấp, nhưng do không kiếm được việc làm như ý muốn nên phải xin vào làm công nhân trong KCN để kiếm sống qua ngày.
Thúy bảo: Ở lại chốn thị thành cũng khổ mà về quê thì lại càng bế tắc hơn, vì đa số công nhân ở đây đều xuất thân từ những vùng quê nghèo khó, gia cảnh cũng chẳng khấm khá gì. Thấy tôi có vẻ e dè với điều kiện sinh hoạt của những công nhân trong xóm trọ, Thúy lại hồn nhiên kể: Đời sống công nhân bọn em chỉ có thế thôi, ngày ngày phải miệt mài làm việc ở công ty, tăng ca thì mệt nhưng vẫn thích vì cuối tháng có thêm chút đỉnh tiền lương. Khi về đến nhà thì đã chín, mười giờ đêm nên mấy chị em cứ thế lăn ra ngủ để lấy sức cho công việc hôm sau. Không ti-vi, không sách báo, không dạo phố phường... chỉ có trong những giấc mơ là gặp những người thân thích, gặp làng quê yêu dấu với bờ ruộng, dòng sông, với tuổi thơ bình yên nơi đồng bãi...
Chia tay xóm trọ với hình ảnh của những công nhân đang từng ngày quần quật với công việc để đổi lấy những đồng lương ít ỏi chi dùng cho cuộc sống, tôi trở về thành phố trong nỗi thán phục, dẫu đang rất khó khăn nhưng họ vẫn hồn nhiên để vững lòng với một cuộc đời lương thiện. Và hy vọng một tương lai không xa nữa, cùng với sự phát triển của đất nước, đồng lương được cải thiện thêm hơn trong từng nhà máy, xí nghiệp, chắc rằng lúc ấy, đời sống của những người công nhân, lao động sẽ đổi thay nhiều.
Bài và ảnh: BẢO THY