LTS: Theo Nghị quyết số 31/2009/QH12 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 và bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (2007-2011) dự kiến trong năm 2010 Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 22 dự án luật, cho ý kiến 19 dự án luật. Trên cơ sở đó, trước mỗi kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức lấy ý kiến góp ý các dự án luật. Để hiểu rõ hơn về nội dung này, P.V Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Nghĩa, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng về chương trình triển khai công tác năm 2010 của Đoàn.
- Đồng chí Huỳnh Nghĩa (ảnh): Năm 2010, Đoàn ĐBQH thành phố sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng lấy ý kiến các dự án luật. Chọn lựa và mời các cán bộ, chuyên gia giỏi, có nhiều kinh nghiệm để lấy ý kiến. Đồng thời có cơ chế “đặt hàng” các chuyên gia, nhà nghiên cứu để tập trung phân tích, có ý kiến đối với một số vấn đề lớn mà còn có nhiều quan điểm khác nhau trong nội dung dự án luật. Tăng cường vai trò tham mưu, giúp việc của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân thành phố. Giao nhiệm vụ cho chuyên viên Văn phòng tham gia nghiên cứu, đề xuất, góp ý một số dự án luật. Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn theo dõi, tiếp thu những ý kiến góp ý tại địa phương đối với từng dự án luật cụ thể, đồng thời nghiên cứu chuẩn bị ý kiến phát biểu có chất lượng trong quá trình thảo luận, xem xét cho ý kiến, thông qua các dự án luật tại kỳ họp Quốc hội.
* P.V: Công tác tiếp xúc cử tri, công tác dân nguyện thực hiện ra sao và sẽ cải tiến, đổi mới những nội dung gì, thưa đồng chí?
- Đồng chí Huỳnh Nghĩa: Về công tác tiếp xúc cử tri, năm 2010 có 2 kỳ họp Quốc hội (kỳ họp thứ 7 và kỳ họp thứ 8), bên cạnh việc tổ chức 4 đợt tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp theo định kỳ, Đoàn ĐBQH thành phố sẽ đổi mới hơn nữa hình thức tiếp xúc, tăng cường các cuộc tiếp xúc theo nhóm cử tri và theo chuyên đề.
Cụ thể, tháng 1 sẽ tiếp xúc với cử tri là tiểu thương đang buôn bán, kinh doanh tại các chợ trên địa bàn thành phố; tháng 2 sẽ tiếp xúc với những người làm công tác y tế trên địa bàn thành phố; tháng 3 sẽ tiếp xúc cử tri theo chuyên đề “Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục” đối với cử tri là giáo viên, những người làm công tác quản lý giáo dục trên địa bàn thành phố; tháng 4 sẽ tiếp xúc với cử tri toàn thành phố để chuẩn bị nội dung kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII; tháng 6, 7 sẽ tiếp xúc cử tri toàn thành phố để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII; tháng 8 sẽ tiếp xúc cử tri là cán bộ, công chức các cơ quan nội chính (Công an, Kiểm sát, Tòa án, Thi hành án) và cử tri quân đội (Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ đội Biên phòng); tháng 9 sẽ tiếp xúc với cử tri toàn thành phố để chuẩn bị nội dung kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII; tháng 11, 12 sẽ tiếp xúc cử tri toàn thành phố để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII. Ngoài ra, căn cứ vào tình hình thực tế và nội dung cụ thể của từng kỳ họp, nếu cần thiết, Đoàn sẽ tổ chức thêm các cuộc tiếp xúc cử tri theo nhóm đối tượng cũng như chuyên đề khác.
Để thu hút cử tri tham dự đông đủ các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Đoàn tiếp tục đổi mới về nội dung, chất lượng và phương thức báo cáo, bố trí luân phiên các đại biểu Quốc hội thực hiện báo cáo với cử tri, thời gian tối đa không quá 30 phút cho mỗi báo cáo, đồng thời hoán đổi địa bàn tiếp xúc cử tri giữa các đại biểu Quốc hội. Theo dõi, đôn đốc Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và UBND thành phố trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri để chuyển đến Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thông báo rộng rãi cho cử tri biết kết quả giải quyết.
Tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng nhằm thông tin kịp thời những hoạt động của Quốc hội, của Đoàn ĐBQH đến với cử tri; thông báo công khai thời gian, địa điểm tiếp xúc cử tri; những ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội và kết quả trả lời của các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương đến với cử tri.
Về công tác tiếp công dân, giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, Đoàn sẽ tiếp tục duy trì thường xuyên việc tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân tại trụ sở số 5 Quang Trung. Hằng tuần, lãnh đạo Đoàn trực tiếp xử lý đơn thư. Bố trí đại biểu Quốc hội chuyên trách thường xuyên tiếp dân, đồng thời bố trí các đại biểu khác luân phiên tiếp dân tại Đoàn. Khi phát hiện việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Đoàn sẽ tiến hành xác minh và tổ chức giám sát việc giải quyết theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội.
* P.V: Một trong những nội dung quan trọng của đại biểu Quốc hội là thực hiện công tác giám sát. Trong năm 2010, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố sẽ thực hiện công tác giám sát cụ thể ra sao và cách thức tiến hành như thế nào, thưa đồng chí?
- Đồng chí Huỳnh Nghĩa: Năm 2010, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tập trung giám sát các nội dung sau: Tại kỳ họp thứ bảy sẽ xem xét cho ý kiến báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2009; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2010 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật. Thực hiện chất vấn một số thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao về hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành thuộc lĩnh vực phụ trách. Giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học.
Tại kỳ họp thứ tám: Sẽ xem xét cho ý kiến các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010; các báo cáo công tác của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định pháp luật. Thực hiện chất vấn một số thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao về hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành thuộc lĩnh vực phụ trách. Giám sát chuyên đề Việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010.
Đối với công tác giám sát tại địa phương: Tháng 1 làm việc với Công ty Xổ số kiến thiết và Dịch vụ in Đà Nẵng để nghe báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện cơ chế xổ số kiến thiết hiện hành, những khó khăn, vướng mắc, bất cập với thực tế công tác quản lý, cũng như yêu cầu phát triển của loại hình kinh doanh đặc thù này. Từ đó làm rõ các vấn đề cần kiến nghị với Bộ Tài chính, Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đối với hoạt động xổ số kiến thiết của thành phố.
Tháng 3: kết hợp với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học trên địa bàn thành phố (bao gồm các trường đại học, cao đẳng công lập và dân lập; các trung tâm dạy nghề thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố). Đầu tháng 4: giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố. Tháng 8, 9: giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010, giám sát việc thực hiện tăng thẩm quyền xét xử của Tòa án Nhân dân cấp huyện và giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân cấp huyện, quận, phường trên địa bàn thành phố...
* P.V: Xin chân thành cảm ơn đồng chí. Nhân dịp năm mới chúc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng và đồng chí mạnh khỏe để gánh vác trọng trách, sự tín nhiệm và lòng mong đợi của cử tri thành phố Đà Nẵng!
Tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội thông qua 12 dự án luật: Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SĐ); Luật Các tổ chức tín dụng (SĐ); Luật Thuế nhà, đất; Luật Nuôi con nuôi; Luật Thi hành án hình sự; Luật Trọng tài thương mại; Luật Biển Việt Nam; Luật Bưu chính; Luật Tiếp cận thông tin; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật An toàn thực phẩm và Luật Người tàn tật. Quốc hội cho ý kiến 10 dự án luật: Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hợp tác xã; Luật Thanh tra (SĐ); Luật SĐBS một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật Tố tụng hành chính; Luật Công đoàn (SĐ); Luật Viên chức; Bộ luật Lao động (SĐ); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật Khoáng sản (SĐ). |
LÊ VĂN HOA (Thực hiện)