.

Đường Hoàng Diệu đoạn từ Trưng Nữ Vương đến Duy Tân: Vì sao chậm nâng cấp?

.

Đường Hoàng Diệu đoạn từ đường Trưng Nữ Vương đến Duy Tân (thường gọi là đường Hoàng Diệu nối dài) vốn đã xuống cấp từ gần 10 năm trước, chủ trương cũng như thiết kế, dự toán kinh phí đầu tư mở rộng, nâng cấp đường đã được thành phố phê duyệt từ năm 2003, nhưng đến nay, sau 7 năm triển khai, con đường vẫn như ngày nào.

Người dân sống hai bên đường cần chung tay cùng thành phố thực hiện nâng cấp đường Hoàng Diệu nối dài.

Đoạn đường này chỉ dài 378m, nằm giữa trung tâm thành phố và đi qua chợ Mới nên luôn nhộn nhịp, sầm uất cảnh bán mua. Hiện mặt đường đã bong rộp, ổ gà chi chít, hệ thống thoát nước hai bên đường quá kém nên cứ trời mưa là đường ngập nước bẩn và ứ đọng lâu ngày. Bên cạnh đó, vỉa hè lại nhỏ hẹp, tình trạng người dân lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán, họp chợ trái phép rất phổ biến… khiến tuyến đường này luôn là điểm “nóng” bức xúc về vệ sinh môi trường, ùn tắc giao thông.

 Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 10-2-2003, Chủ tịch UBND thành phố đã ký Quyết định số 792 phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng đường Hoàng Diệu nối dài với nền đường rộng 18,5m, trong đó lòng đường rộng 10,5m, vỉa hè rộng 2x4,0m; công tác giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa được thực hiện theo chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”... Tiếp đó, ngày 15-5-2003, Giám đốc Sở Giao thông Công chính (nay là Sở Giao thông-Vận tải) đã ký Quyết định số 375 phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình này.

Theo đó, đường Hoàng Diệu nối dài được thiết kế xây dựng theo cấp hạng đường đô thị cấp khu vực, theo tiêu chuẩn 20TCN 104-83, có chiều dài 371,93m (nền đường rộng 18,5m như trên), có đầy đủ vỉa hè, hố trồng cây, mương thoát nước, 4 cống qua đường kiệt, biển báo, kẻ vạch…, với tổng dự toán xây dựng là 2,086 tỷ đồng. Thế nhưng, công tác giải phóng mặt bằng lại gặp vướng mắc vì 79 hộ dân bị thu hồi đất không đồng thuận với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” và mở rộng lòng đường lên 10,5m so với lòng đường 7,5m như hiện trạng, nhất là những hộ dân giải tỏa đi hẳn vì không muốn phải rời xa khu vực xung quanh chợ Mới mà họ đang làm ăn thuận lợi.

Sự việc cứ dùng dằng kéo dài cho đến đầu năm 2009, thành phố điều chỉnh chủ trương chỉ xây dựng lòng đường rộng 7,5m, vỉa hè rộng 2x3m, theo đó có 52 hộ dân và 3 cơ quan Nhà nước thuộc diện giải tỏa để thực hiện nâng cấp, mở rộng đường Hoàng Diệu nối dài. Tuy người dân phải sống chung với nỗi khổ đường sá đã lâu và diện tích thu hồi đất giảm bớt hơn trước rất nhiều (có nhiều hộ chỉ bị thu hồi từ 0,8 - 5m2 đất), nhưng phần lớn hộ dân vẫn không đồng thuận với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố đã ký Quyết định số 9296 thực hiện đền bù giải tỏa và đầu tư xây dựng bằng nguồn ngân sách thành phố. Trước đó, UBND thành phố cũng đã có công văn chỉ đạo chủ đầu tư là Sở Giao thông-Vận tải hướng dẫn Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông công chính, phối hợp với các cơ quan liên quan lập điều chỉnh các hồ sơ chuẩn bị đầu tư của dự án (phê duyệt điều chỉnh sơ đồ ranh giới sử dụng đất, điều chỉnh hồ sơ dự án...), tổ chức thẩm định và trình phê duyệt theo quy định. Công văn này cũng nêu rõ: “Đề xuất UBND thành phố xem xét bố trí kế hoạch vốn cho công trình trong năm 2010”. Tuy nhiên, việc chi phí giải tỏa đền bù đất thu hồi và vật kiến trúc bị ảnh hưởng trên diện tích 450m2 đất (so với tổng diện tích 5.687m2) cao hơn rất nhiều so với tổng dự toán đầu tư các hạng mục nâng cấp đường, thực sự là một gánh nặng cho ngân sách thành phố.

Ông Nguyễn Văn Cư – Chủ tịch UBND phường Hòa Thuận Đông cho rằng: “Chính quyền phường rất mong thành phố sớm đầu tư xây dựng đường Hoàng Diệu nối dài để giải quyết bức xúc về vệ sinh môi trường, ùn tắc giao thông và tình trạng họp chợ trái phép trên vỉa hè, lòng lề đường làm mất mỹ quan đô thị ngay giữa trung tâm thành phố!”.

Việc triển khai nâng cấp đường Hoàng Diệu nối dài sắp bước sang năm thứ 8 với vô vàn khó khăn, qua đây, chúng tôi đề nghị người dân cần đồng thuận hơn, chung tay thực hiện cùng thành phố, nhất là việc giải phóng mặt bằng sắp đến. 

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP



;
.
.
.
.
.