.

Hai cô gái và hai mảng cuộc đời

.

“Năm 1993, con được ra đời nhưng không mang lại niềm hạnh phúc cho ba mẹ”, “Ngay từ tấm bé, con đã cảm thấy mình không giống ai”... Đó là những lời tâm sự đầy nước mắt của hai cô gái trẻ. Ở độ tuổi rực rỡ nhất đời người, họ đã thấm thía gần như trọn vẹn thế nào là buồn - tủi. Nhưng cái mảng tối trong cuộc sống ấy đã dần trở thành một phần quá khứ, bởi điều họ đang làm được đó là lấy lại ánh mắt trong ngần tự tin khi biết chấp nhận chính mình.

Cô giáo Hoàng Kim Uyên hạnh phúc bên các học trò đặc biệt.

Ba của Phạm Hồ Bảo Trâm (Lô 42, D1.7, Hòa Minh, Liên Chiểu) từng đi chiến trường Campuchia và hiện là thương binh 4/4. Ba mẹ Hoàng Kim Uyên (Đống Đa, Hải Châu) đều là những thanh niên xung phong một thời. Quá khứ của cha mẹ vẫn còn hiện diện qua từng giây phút trong mái nhà của hai cô gái trẻ, khi họ mang trong mình di chứng chiến tranh - chất độc dioxin.

Suốt những năm tháng ấu thơ, bên khung cửa sổ bé nhỏ nhìn ra bên ngoài, Hoàng Kim Uyên và Phạm Hồ Bảo Trâm luôn tự dằn vặt với muôn vàn câu hỏi: Sao tôi lại như thế này? Sao làn da tôi không giống người bình thường? Sao đôi chân tôi không bước đi được? Thực sự tôi là ai? Tôi có cần tồn tại trên cuộc đời này không?... Ngày đầu tiên cắp sách đến trường có lẽ là ngày tồi tệ nhất trong cuộc đời của hai cô gái khi họ bị bủa vây bởi nỗi lo sợ từ những lời nhỏ to, những ánh mắt thương hại, cái nhìn tò mò. Và không ít lần họ bị ném đá vì “người gì mà chẳng giống ai”.

Chuyện của Uyên

Chỉ hơn 1 năm nay, Hoàng Kim Uyên, 21 tuổi mới chấp nhận mình là nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC). Uyên còn nhớ, năm lớp 9, Hội NNCĐDC thành phố Đà Nẵng mời em đến nhận một dàn máy vi tính. Nghe tin, Uyên đã... đập nát toàn bộ cửa kính trong phòng riêng vì tức giận. “Tôi không bị chất độc da cam. Tôi chỉ mắc căn bệnh nào đó mà ba mẹ chắc chắn sẽ chữa khỏi”, Uyên gào thét. “Đợi ngày Uyên nguôi ngoai sự ức chế, cô Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội NNCĐDC thành phố lại đến nhà. Lần này, cô bảo món quà vẫn còn để đấy đợi em, cô không trao cho bạn nào cả. Hội tặng vì em học giỏi, sáng dạ, công cụ này có thể giúp em học tốt hơn chứ không phải vì nghĩ em là NNCĐDC. Mãi đến nước ấy em mới chịu nhận quà”, Uyên kể.

Uyên tâm sự, nghĩ lại cô sợ chính mình. Không biết cười, không nói chuyện với bất kỳ ai, cô căm ghét từng đốm đen sì, sủi vẩy nổi khắp cơ thể, trên đầu lại không có một sợi tóc. Dù đã được thay máu vài lần nhưng các triệu chứng ấy ngày một trầm trọng hơn. Là con gái nhưng Uyên kỵ nhất chuyện soi gương và làm đẹp. Uyên cho hay: “Mẹ hiểu ý nên dù trời nóng bức đến mấy vẫn chọn mua cho em những bộ quần áo kín cổ, dài tay”. Căn phòng riêng của Uyên trở thành nơi gói trọn toàn bộ tuổi thơ của cô khi ngoài giờ lên lớp “ngồi một cục”, Uyên chỉ thích nhốt mình trong phòng để khóc và sợ hãi.

Trâm không đến lớp vì không dám bước đi

Từng nhiều năm liền là học sinh xuất sắc, nhưng học hết cấp 2, Phạm Hồ Bảo Trâm, 17 tuổi quyết định không đến trường nữa vì xấu hổ với bạn bè. Trong khi các bạn tung tăng với tà áo dài trắng, Trâm lại chỉ có thể lê bước trên hai đầu gối chai sần. Ngay cả việc lên cầu thang, mẹ cô còn phải ẵm bồng. “Em còn nhớ ngày đầu tiên đi học, hai mẹ con không nói với nhau lời nào, chỉ có hai hàng nước mắt nóng hổi lăn dài trên má”, Trâm kể. Sự tủi hổ đã biến thành những cơn giận vô cớ để Trâm trút hết lên ba mẹ. “Còn quá bé để thấy nỗi khắc khoải trong ánh mắt của cha và giọt nước mắt trong nụ cười của mẹ, nhưng em biết, khi em oán thán thì ba mẹ đứt từng đoạn ruột”, dù vẫn đang ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới nhưng tâm sự của Trâm đã cho thấy một cô gái sớm già dặn qua nỗi đau.

Chị Hồ Thị Thu Thủy, mẹ Trâm cho biết: “Lúc mới chào đời, không chỉ đôi chân Trâm co quắp mà cái cổ cũng cong vẹo. Trên đầu em nổi nhiều cục u to, dị dạng”. Ôm đứa con bé bỏng mà bác sĩ khuyên gia đình nên nghĩ đến chuyện “hậu sự”, mẹ Trâm đã khóc đẫm gối không biết bao đêm.

Nhiều đoàn bác sĩ quốc tế đã chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị là cưa khoảng 2/3 đôi chân Trâm rồi gắn phần chân giả vào để cô có thể đứng thẳng. Nhưng theo thông báo mới gửi về gia đình, điều này không thể thực hiện, bởi thể trạng của Trâm không đủ sức vượt qua một ca phẫu thuật phức tạp như thế.

Em đã tìm được chính mình

Gặp Uyên trong thời điểm này, hẳn những người đã từng tiếp xúc với Uyên trước đây sẽ không ngờ về sự đổi khác trong tình cảm, tâm tính của cô. Uyên hay cười, nụ cười để lộ hai lúm đồng tiền và chiếc răng khểnh rất duyên. Cô còn diện những bộ áo màu sắc ngắn tay kết nơ. Mái tóc ngắn năng động với chiếc kính trắng trông điệu đà. Thật ra, không có liều thuốc thần kỳ nào giúp chữa lành căn bệnh của Uyên, chỉ từ trong ánh mắt và trái tim Uyên đã thay đổi cách cảm nhận về cuộc đời mình.

Sau chuyến hành trình dài ngày với các nạn nhân bom nguyên tử tại Nhật Bản trên con tàu Hòa Bình, tiếp đó là những ngày “bị” dụ dỗ đến chơi với các trẻ em là NNCĐDC, Uyên đã xác định Trung tâm Bảo trợ trẻ em bất hạnh và NNCĐDC thành phố là ngôi nhà yêu dấu của mình. Trở thành kỹ thuật viên tin học nhờ dàn máy tính được tặng, Uyên đang theo học đại học ngành Luật và hiện là sinh viên năm cuối. Một tuần bận rộn với hàng chục em nhỏ không lành lặn, buổi tối đi học đại học tại chức, thời gian trống Uyên học kèm Anh văn.

Ấy thế mà cô lại bảo mình không mệt, không áp lực gì cả. “Sau khi tốt nghiệp, có lời mời hấp dẫn hơn từ phía một doanh nghiệp nào đó, Uyên có đổi chỗ làm không?” - “Không có chuyện đó chị à. Em tuy cũng là NNCĐDC, nhưng còn may mắn là tinh thần vẫn lành lặn. Nếu chính em không giúp các em nhỏ ở đây biết nói, biết cười thì còn ai có thể chung tay làm điều này?”, Uyên trả lời.

Không tiếp tục con đường học vấn như Uyên, nhưng Phạm Hồ Bảo Trâm lại đang tìm được một niềm vui khác khi cô đã có một cái nghề trong tay. Một năm học việc, với sự thông minh kèm năng khiếu, giờ đây Trâm đã thành thạo công việc chăm sóc tóc và làm móng tay, móng chân. Trâm di chuyển nhanh nhẹn, đôi tay thoăn thoắt, lanh lẹ và “làm giỏi hơn cả người bình thường” (theo lời của người dạy nghề cho Trâm). Nói về ước mơ, Trâm bảo: “Em thích có đôi chân lành lặn”. Tuy ước mơ này khó thành sự thật nhưng trong câu nói của cô giờ đây không còn thoáng nỗi buồn phiền, bởi như sự cảm nhận của chị Thủy-mẹ Trâm: “Giờ cháu đã hồn nhiên với những gì mình đang có”.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.