.

Năm 2010 phải tạo tiền đề phát triển cho các năm tiếp theo

.

Năm 2010 sẽ có nhiều thời cơ và thuận lợi hơn so với năm 2009 song cũng có không ít khó khăn; các Bộ, địa phương phải nỗ lực tận dụng mọi thời cơ để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội; đảm bảo những kết quả đạt được trong năm 2010 phải là tiền đề phát triển cho các năm tiếp theo.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Ba điểm nghẽn của nền kinh tế phải được tháo gỡ trong năm 2010" ( Ảnh: Chinhphu.vn)


Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng Chính phủ, Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010 diễn ra trong 2 ngày 6, 7-1 tại Hà Nội.

Từ thực tiễn ở các địa phương...

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã giới thiệu những nội dung cơ bản của 8 nhóm giải pháp lớn và 132 giải pháp cụ thể trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo tóm tắt kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành thực hiện Quy chế làm việc năm 2009 và chương trình công tác năm 2010 của Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc trình bày báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP và Nghị quyết số 01/2009/NQ-CP của Chính phủ.

Lãnh đạo các địa phương đã phát biểu thảo luận sôi nổi; trong đó bày tỏ sự đồng tình và nhất trí cao đối với dự thảo Nghị quyết và có những ý kiến đóng góp thiết thực vào dự thảo Nghị quyết này trên cơ sở tình hình thực tế của địa phương.

Đánh giá về phần thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, các ý kiến thảo luận, đóng góp của lãnh đạo các địa phương tại Hội nghị mang tính trách nhiệm và có tính thực tiễn cao.

“Lãnh đạo Chính phủ và các thành viên Chính phủ sẽ bổ sung các ý kiến, kiến nghị của lãnh đạo địa phương vào dự thảo Nghị quyết và sẽ sớm ban hành Nghị quyết để các địa phương triển khai thực hiện”, Thủ tướng nói.

Cũng tại Hội nghị, các vấn đề được lãnh đạo các địa phương kiến nghị, đề xuất liên quan đến chiến lược phát triển giáo dục đào tạo; nông nghiệp, nông thôn; quản lý tài nguyên đất; giao thông vận tải, công tác quy hoạch giao thông… đã được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân; Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng; Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên làm rõ và trao đổi thẳng thắn, nghiêm túc.

Giải quyết 3 “điểm nghẽn” của nền kinh tế trong năm 2010

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, năm 2009, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị; sự điều hành có hiệu quả của Chính phủ; chúng ta đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả nước; thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Đây là một kết quả rất đáng trân trọng.

Thành công nổi bật là chúng ta đã ngăn chặn được suy giảm kinh tế; ổn định được kinh tế vĩ mô; đi liền với đó, đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao (5,32%) trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm mạnh.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm mạnh, giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng vẫn tăng 5,52%; giá trị sản xuất nông lâm và thủy sản tăng 3%; dịch vụ tăng 6,63%; an sinh và phúc lợi xã hội được quan tâm đặc biệt, người nghèo, công chức thu nhập thấp được hỗ trợ đáng kể; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 12,3%...

Chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bên cạnh những vấn đề còn bất cập như chất lượng hiệu quả, sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa, công tác bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm… chúng ta vẫn chưa khắc phục được 3 “điểm nghẽn” của nền kinh tế.

Đó là hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; thể chế, thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà, vướng mắc và nguồn nhân lực còn yếu kém. “3 vấn đề này phải được tháo gỡ và giải quyết hiệu quả trong năm 2010”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, năm 2010 có ý nghĩa đặc biệt trong Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm (2001-2010) và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010; là năm có nhiều thời cơ và thuận lợi hơn so với năm 2009, song cũng có không ít thách thức khó khăn; các Bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực tận dụng mọi thời cơ vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội; đảm bảo những kết quả đạt được trong năm 2010 là tiền đề phát triển cho các năm tiếp theo.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế

Chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể trong năm 2010, Thủ tướng chỉ rõ, trước hết, các Bộ, ngành, địa phương phải thực hiện bằng được nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô; không để lạm phát cao trở lại; phải đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với lãnh đạo một số địa phương bên lề Hội nghị (Ảnh: Chinhphu.vn)

Đi liền với đó là chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao chất lượng tăng trưởng. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Yêu cầu phấn đấu thực hiện cho được mục tiêu tăng trưởng như đã đề ra là 6,5%, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đánh giá, với đà phục hồi nền kinh tế như hiện nay (quý IV/2009, tốc độ tăng trưởng là 6,9%) thì mục tiêu tăng trưởng nói trên là hoàn toàn có thể thực hiện được.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, một trong những khó khăn nhất đối với triển khai các dự án và cũng là nguyên nhân làm chậm tiến độ các dự án là công tác giải phóng mặt bằng ở các địa phương. Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; huy động tối đa các nguồn vốn để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Ngoài ra, cần tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh chương trình nông thôn mới; phát triển nông nghiệp toàn diện, hiệu quả và bền vững; thực hiện các giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu; mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chú trọng các thị trường mới có tiềm năng.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu, trong năm 2010, phải ứng dụng rộng rãi khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất và chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm.

Về việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội nói trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị: Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết, các Bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương xây dựng và ban hành các chương trình hành động cụ thể trong đó quy định rõ từng mục tiêu, nhiệm vụ để chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, nhằm tạo sự đồng thuận cao và sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2010.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Dần sắp tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các Bộ, ngành chức năng và các địa phương kiểm soát chặt chẽ thị trường hàng hóa; chống hàng giả, đầu cơ, tăng giá và đặc biệt làm tốt công tác chăm lo đời sống nhân dân, nhất là các gia đình chính sách, người nghèo.

Dự thảo Nghị quyết về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010 chỉ rõ những mục tiêu, nhiệm vụ và 8 nhóm giải pháp chủ yếu, bao gồm:

Thứ nhất là phục hồi kinh tế, chuyển dịch cơ cấu và nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Thứ 2 là điều hành chính sách tài chính, tiền tệ lĩnh hoạt, thận trọng để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát nhập siêu, ngăn chặn lạm phát cao trở lại.

Thứ 3 là đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ.

Thứ 4 là tạo chuyển biến trong công tác chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Thứ 5 là bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.

Thứ 6
là tăng cường công tác bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ 7 là nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn toàn xã hội.

Thứ 8 là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Chinhphu.vn
;
.
.
.
.
.