- Tiến trình Việt Nam gia nhập ASEAN:
Năm 1992 đánh dấu quá trình hội nhập khu vực của Việt Nam sau khi tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), và trở thành Quan sát viên, tham dự các Hội nghị Bộ trưởng ASEAN (AMM) hằng năm. Trong thời gian này, Việt Nam cũng bắt đầu tham gia các hoạt động của một số Ủy ban hợp tác chuyên ngành ASEAN.
Tháng 7-1994, Việt Nam được mời tham dự cuộc họp đầu tiên của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và trở thành một trong những thành viên sáng lập của Diễn đàn này.
Ngày 28-7-1995, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28 (AMM-28) tại Brunei Darussalam, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN và trở thành thành viên thứ 7 của tổ chức này. Kể từ đó đến nay, Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập, tham gia sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN và có những đóng góp tích cực trong việc duy trì đoàn kết nội khối, tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên cũng như giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, góp phần không nhỏ vào sự phát triển và thành công của ASEAN ngày hôm nay.
- Sự tham gia và đóng góp của Việt Nam trong ASEAN:
Đóng góp đầu tiên đáng ghi nhận của Việt Nam trong ASEAN là vai trò tích cực của chúng ta trong việc thúc đẩy kết nạp các nước Lào, Myanmar và Cambodia vào ASEAN, qua đó, hoàn tất ý tưởng về một ASEAN bao gồm toàn bộ 10 quốc gia ở Đông Nam Á, đưa ASEAN trở thành tổ chức đại diện cho toàn khu vực, chấm dứt thời kỳ chia rẽ giữa các nhóm nước, mở ra giai đoạn hợp tác, hữu nghị cùng phát triển ở khu vực.
Sự kiện mang dấu ấn đậm nét của Việt Nam trong ASEAN là việc tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội (12-1998) - chỉ 3 năm sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của ASEAN và trong bối cảnh khu vực đang trong cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính nghiêm trọng, được các nước thành viên ASEAN và dư luận quốc tế nói chung đánh giá cao. Với việc thông qua Chương trình Hành động Hà Nội, Hội nghị Cấp cao ASEAN 6 đã góp phần quan trọng tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh hợp tác, khôi phục hình ảnh ASEAN, đặc biệt định hướng cho sự phát triển và hợp tác của Hiệp hội trong những năm kế tiếp để thực hiện Tầm nhìn 2020.
Tiếp theo đó, từ tháng 7-2000 đến 7-2001, Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Ủy ban Thường trực ASEAN (ASC) khóa 34 và ARF, tổ chức và chủ trì thành công Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 34 (AMM 34), Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 8 (ARF 8), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các nước Đông Bắc Á (ASEAN +3), các Hội nghị sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao giữa ASEAN với các nước đối thoại (PMC + 10) và với từng nước Đối thoại (PMC +1) và Hội nghị sông Hằng - sông Mêkông vào cuối tháng 7-2001. Trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN và ARF đã đạt được những kết quả quan trọng, tiếp tục phát triển đúng hướng, phù hợp với lợi ích của từng nước ASEAN và lợi ích của cả khu vực.
+ Trong thời gian này, với vai trò chủ trì và điều phối của Việt Nam, ASEAN đã phê chuẩn Nghị định thư thứ hai của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác, thông qua Quy chế của Hội đồng Tối cao TAC và tổ chức cuộc họp đầu tiên của Hội đồng trong dịp AMM 34; lần đầu tiên ASEAN đã tiến hành tham khảo trực tiếp với 5 cường quốc hạt nhân trong khuôn khổ Hiệp định SEANWFZ. ASEAN cũng đạt nhiều tiến triển trong việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông với Trung Quốc, tạo tiền đề cho việc ra Tuyên bố về cách ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông sau này.
+ Trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ARF, tiến trình ARF tiếp tục tiến triển với việc thông qua một số tài liệu quan trọng như Tài liệu quy định về chức năng, nhiệm vụ của Chủ tịch ARF, Tài liệu về quy chế đăng ký chuyên gia ARF và Tài liệu về khái niệm và nguyên tắc của ngoại giao phòng ngừa. Các lĩnh vực hợp tác trong ASEAN đã được tăng cường qua việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình Hành động Hà Nội, thông qua Tuyên bố Hà Nội về thu hẹp khoảng cách phát triển, triển khai Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI) nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, hỗ trợ thành viên mới hội nhập khu vực. Nhiều quyết định quan trọng và thiết thực đối với Hiệp hội cũng đã được triển khai trong thời gian Việt Nam đảm đương chức Chủ tịch như lập đường dây nóng ở các cấp lãnh đạo ASEAN, cải tiến hình thức, lề lối làm việc để ASEAN hoạt động thực chất và hiệu quả hơn.
+ Quan hệ của ASEAN với các nước đối thoại được tăng cường, ASEAN tiếp tục giữ được thế chủ động và vai trò trong các mối quan hệ này và đã thiết lập quan hệ chính thức với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Phong trào Không liên kết, OAU, OAS, ECO, GCC, Nhóm Rio, SAARC… Quan hệ với EU đã có tiến triển đáng kể, hợp tác giữa các nước sông Hằng và sông Mêkông đã được khởi động, tiến trình ASEAN+3 đã tiến thêm một bước với việc thành lập Nhóm nghiên cứu Đông Á...
(Còn nữa)
(Theo asean2010.vn)
.
.
NĂM CHỦ TỊCH ASEAN 2010 CỦA VIỆT NAM
15 năm Việt Nam tham gia ASEAN
Thứ Sáu, 08/01/2010, 07:53 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.