Đốt vàng mã cho tổ tiên, ông bà ngày càng được phổ biến rộng rãi hơn với đa dạng các loại vàng mã “hiện đại” với quan điểm “trần sao, âm vậy”.
Hàng mã đua nhau với thời gian để phục vụ Tết Canh Dần. |
Chị H., người bán vàng mã trên đường Võ Văn Tần cho hay, trước đây, người dân chỉ mua một ít “tiền, vàng”, một vài bộ “quần áo” tượng trưng để đốt cho ông bà, tổ tiên. Nhưng mấy năm gần đây, nhu cầu đốt vàng mã ngày càng tăng, vì vậy thị trường vàng mã thứ gì cũng có, từ “tiền, vàng, quần áo, giày dép, nón mũ, dù” đến “xe hơi, xe máy, tủ lạnh, máy giặt, ti-vi, điện thoại… ”.
Chị Lành, chuyên buôn bán hàng mã ở khu B, Siêu thị Đà Nẵng cho biết, mẫu mã thì đa dạng và đủ các loại giá: một “tòa nhà biệt thự” đẹp, khang trang giá khoảng 500 đến 800 nghìn đồng; một chiếc “xe hơi” giá khoảng 300 đến 400 nghìn đồng; một chiếc “máy tính xách tay” khoảng 120 nghìn đồng. Năm nay còn có cả thẻ tín dụng, vé máy bay và hộ chiếu, mũ bảo hiểm “gửi” cho “người âm”.
Trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã triển khai thực hiện chương trình “3 có”, trong đó có xây dựng nếp sống văn hóa-văn minh đô thị. Và, nội dung không đốt vàng mã trong chương trình này cũng đã được nhấn mạnh và tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân. Tuy nhiên, việc vận động cũng đang gặp nhiều khó khăn, bởi quan niệm đốt vàng mã như là nhu cầu tâm linh trong đời sống xã hội hiện nay, và trên thực tế cũng chẳng có cơ quan nào tiến hành quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm này. Việc đốt vàng mã được nhiều người cho rằng lãng phí, là chuyện “không cần thiết”, vậy mà nó vẫn cứ tiếp tục diễn ra với mức độ ngày càng tăng. Phải chăng cũng chỉ vì chúng ta vẫn cứ mãi tuyên truyền, vận động và không còn chế tài nào khác?
Bài và ảnh: NGỌC HÂN