Mặc dù đang ăn trưa, thế nhưng khi nghe chúng tôi gợi chuyện, anh Lê Văn Đình ở xã Định Hòa, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa bỏ ngang và say sưa trò chuyện: “Làm người đàn ông, cuối năm cuối tháng cần ở nhà để sửa sang nhà cửa đón năm mới, thế nhưng đó là chuyện không thể trong lúc này. Ở quê tôi, mấy năm gần đây mất mùa liên tiếp, chỉ có trồng ớt là có chút ít thu nhập, nhưng vài trăm mét vuông thì để vợ con ở nhà lo được rồi, còn mình chịu cực một tí đi vào Đà Nẵng bán cây cảnh kiếm chút tiền lo Tết cho gia đình”.
Một phần lòng đường Lê Duẩn đã biến thành nơi buôn bán của những người dân từ các địa phương khác đến. |
Còn ông Trần Hùng Khánh ở xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh kể sự cố đầu tiên khi chân ướt chân ráo đến Đà Nẵng bán khoai lang nướng. Vào khoảng 22 giờ, khi chuẩn bị đẩy xe về nhà trọ thì có 4 thanh niên đi trên hai chiếc xe máy ghé lại mua tất cả số khoai đã nướng còn lại. Ông vội vàng gói hết số khoai và đưa cho họ, nhưng thật bất ngờ, họ cầm khoai và nổ máy xe chuẩn bị vù đi, chẳng thèm đưa tiền. Tức quá, ông chụp chiếc xe lại thì ngay lập tức, ông lãnh cả một cú đấm vào giữa mặt. Ngay đêm đó, ông gọi điện thoại về nhà định thông báo cho vợ biết sẽ về quê, thế nhưng chưa kịp nói gì thì ông đã nghe vợ than vãn thằng con trai làm thợ hồ ở Khu kinh tế Cầu Treo vừa bị ông chủ đuổi việc. Chẳng nói chẳng rằng, ông cúp máy và quyết tâm ở lại Đà Nẵng tiếp tục bán khoai lang nướng. “Cực thì tôi chịu được, nhưng cảnh nói chuyện “bằng tay” tôi quá sợ. Nhưng mà bây chừ có sợ mấy cũng phải cố, vì ở nhà mọi thứ sắm sanh cho cái Tết đều trông vào nồi khoai lang nướng này” - ông lắc đầu!
Đến mưu sinh ở một thành phố xa lạ để kiếm ít tiền lo ba ngày Tết, việc khổ cực là… tất yếu. Tuy nhiên với những phụ nữ, em gái, nhiều lúc phải đối diện những cảnh “cười ra nước mắt” mà trường hợp của chị N. T. M quê ở đảo Lý Sơn là một ví dụ. Đây là năm thứ hai đến Đà Nẵng vào những ngày cuối năm để bán vé số, nhưng chị vẫn gặp sự cố khi mời phải ông khách say xỉn. “Mua 10 tờ vé số mà ông chỉ đưa có 10 ngàn đồng, rồi nhìn tôi vừa cười vừa… tán tỉnh. Đến khi không chịu được, tôi giật lại mấy tờ vé số, và chỉ chờ có vậy, ông khách ào đến ôm tôi”. Mất tiền lại bị một phen hết hồn, nhưng chị tâm sự: “Chi thì tôi cũng phải cố chịu để kiếm tiền lo cái Tết, và dành tiền sang năm sửa lại chiếc thuyền để vợ chồng trở lại với nghề đánh cá”. Rồi bỗng dưng chị vui lên hẳn, “nghe nói năm nay ở Quảng Ngãi trúng mùa ruốc, lại xuất khẩu được nên nhiều người khá lắm, vì thế tôi sẽ cố để có tiền sửa thuyền đi biển”.
Còn cô gái Phạm Thị Thùy Trâm ở Vĩnh Tú, Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, phải nghỉ học hai năm nay để vô Đà Nẵng bán vé số, lại có tâm sự thật xúc động: “Dù bán ở đâu, đúng 11 giờ trưa con cũng về trước cổng Trường THPT Phan Châu Trinh để bán. Vì lúc này có nhiều phụ huynh đến đón con, dễ bán được nhiều, và con cũng được nhìn thấy mấy bạn mặc áo dài nên đỡ nhớ trường lớp”.
Vài năm trở lại đây, Đà Nẵng là một trong những địa chỉ mà những người dân vùng quê thuộc các tỉnh như Quảng Trị, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Quảng Nam… đổ về kiếm sống bằng đủ thứ nghề tạm bợ. Không ít người trong số họ vì nhiều lý do khác nhau, đã trở thành người gây nên cảnh nhếch nhác đường phố như kiểu ngủ trưa trên vỉa hè, buôn bán dưới lòng đường, phóng uế tùy tiện… Điều này gây rất nhiều khó khăn cho thành phố trong việc lập lại trật tự giao thông đô thị. Đó là chưa kể có một số người núp danh buôn bán thời vụ những ngày cuối năm để giở trò lừa bịp, trộm cắp. Tuy nhiên, đại đa số họ vẫn là người chịu thương chịu khó, sẵn sàng chịu cực khổ, nhận phần thiệt thòi về mình để lo cho gia đình có được một cái Tết đầm ấm.
Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN