Trước nhu cầu phát triển KT-XH, cần thiết phải có một lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp để đảm nhận nhiệm vụ giữ gìn an ninh tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các công trình xây dựng… Đây là tiền đề cho sự ra đời của hàng loạt công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ (DVBV) trong thời gian qua.
Nhân viên Công ty Dịch vụ bảo vệ Quang Trung tập luyện võ thuật. |
Thời gian qua, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh DVBV phần nào đáp ứng được nhu cầu của một số tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ tài sản, cơ sở vật chất, bảo vệ an toàn các hoạt động văn hóa, lễ hội diễn ra trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít những vụ việc tai tiếng liên quan đến an ninh trật tự do lực lượng này gây ra. Điển hình như vào cuối tháng 7 năm 2009, trong lúc đang chăm sóc người nhà điều trị tại bệnh viện, anh Kiều Đình Thôi (34 tuổi) đã bị các nhân viên bảo vệ của Công ty Dịch vụ bảo vệ Thắng Lợi gây khó khăn và đã xảy ra xô xát, hậu quả làm anh Thôi bị thương. Hay gần đây, lợi dụng công việc được giao, hai nhân viên bảo vệ của Công ty Dịch vụ vệ sĩ Đại Phong đã cấu kết với nhau lấy cắp hàng trong siêu thị đưa ra ngoài bán lấy tiền tiêu xài.
Qua một số vụ việc nêu trên, tuy không phổ biến nhưng cũng cho thấy công tác tuyển chọn, quản lý nhân viên của một số đơn vị kinh doanh DVBV chỉ quan tâm đến số lượng đầu vào, chưa thực sự chú trọng đến chất lượng đầu ra (phẩm chất đạo đức, tư cách của học viên). Điều này cho thấy, công tác giáo dục ý thức tổ chức kỷ luật cho nhân viên chưa được lãnh đạo một số DN quan tâm đúng mức nên đã dẫn đến những sai phạm của nhân viên làm nhiệm vụ bảo vệ.
Để hoạt động của các DN kinh doanh DVBV phát triển đúng hướng, với vai trò quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này, CATP Đà Nẵng đã có nhiều biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh DVBV. Bên cạnh việc giúp đỡ các DN tiếp cận các văn bản pháp lý của Nhà nước và Bộ Công an liên quan đến hoạt động DVBV, lực lượng Công an còn thường xuyên tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, qua đó chấn chỉnh sai phạm, kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các DN chưa đủ điều kiện hoạt động trên lĩnh vực này.
Theo Thượng tá Lê Ngọc Hai, Trưởng phòng CSQLHC về TTXH, hiện nay các văn bản pháp lý liên quan đến lĩnh vực này vẫn chưa thực sự hoàn thiện và chồng chéo, gây nhiều lúng túng cho các DN. Tính chuyên nghiệp trong lĩnh vực này của các DN chưa thể hiện rõ nét, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng trước yêu cầu thực tế… Điều quan trọng là ý thức chấp hành pháp luật của một số DN kinh doanh DVBV còn thiếu nghiêm túc, nhất là trong việc quản lý, giáo dục nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, kiến thức pháp luật cho nhân viên bảo vệ.
Nghề vệ sĩ nếu được đầu tư và hoạt động đúng chức năng, từng vệ sĩ nếu biết tự trau dồi, nâng cao khả năng nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp… sẽ phù hợp với đất nước đang phát triển như Việt Nam hiện nay. Đó chính là việc mà các nhà quản lý dịch vụ này cần phải nhìn lại; trong đó nên tập trung kiện toàn khâu tuyển dụng, đào tạo, quản lý vệ sĩ của mình.
Bài và ảnh: MINH NHẬT