Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 117/2009/NĐ-CP về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT) với mức phạt cao nhất lên tới 500 triệu đồng, gấp nhiều lần so với quy định hiện hành. Như vậy, để nâng cao ý thức BVMT của công dân, doanh nghiệp thì việc bổ sung chế tài xử phạt mạnh, đủ sức răn đe là hết sức cần thiết.
Những hành vi xả thải trái pháp luật như thế này sẽ bị phạt tới 500 triệu đồng
Dành 33 Điều quy định cụ thể các hành vi và mức phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực BVMT, Nghị định nêu rõ mỗi hành vi vi phạm trong lĩnh vực BVMT, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong hai hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 ngàn đồng đến tối đa là 500 triệu đồng. Các điều khoản này có hiệu lực thi hành kể từ 1/3/2010.
Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả, như tước giấy phép hành nghề, tịch thu tang vật, buộc tiêu hủy và phải phục hồi môi trường,...
Đối với hành vi xả nước thải, tùy vào cấp độ vi phạm, lượng nước thải sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 500 triệu đồng, gấp hơn 7 lần so với quy định hiện hành (mức phạt tối đa là 70 triệu đồng). Ngoài ra, còn bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho đến khi thực hiện xong các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường…
Với hành vi vi phạm các quy định về BVMT trong nhập khẩu phế liệu, mức phạt quy định là từ 20 - 500 triệu đồng; ngoài ra còn tước quyền sử dụng Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu từ 6 -12 tháng... Theo quy định hiện hành, thì mức phạt cao nhất đối với hành vi này chỉ tới 70 triệu đồng.
Đặc biệt, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì ngoài bị xử phạt VPHC như trên, còn bị áp dụng một trong các hình thức xử lý như: Tạm thời đình chỉ hoạt động cho đến khi thực hiện xong các biện pháp BVMT cần thiết hoặc cấm hoạt động; buộc di dời đến vị trí xa khu dân cư và phù hợp với sức chịu tải của môi trường hoặc bị công khai thông tin về tình hình ô nhiễm và vi phạm pháp luật về BVMT trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Năm 2009 phát hiện, xử lý 4.545 vụ vi phạm pháp luật về môi trường
Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với vi phạm, tội phạm về môi trường, theo thống kê, năm 2009, Cục Cảnh sát môi trường - Bộ Công an, phối hợp với lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra, xử lý 4.545 vụ, 1.300 tổ chức, 3.128 cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. So với năm 2008, số vụ việc được Cục Cảnh sát môi trường phát hiện, phối hợp xử lý tăng gấp 4 lần.
Trong đó có 594 vụ gây ô nhiễm môi trường; 322 vụ vi phạm quy định về quản lý, xử lý chất thải nguy hại; 21 vụ đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam; 226 vụ vi phạm quy định bảo vệ động vật hoang dã; 812 vụ xâm phạm, hủy hoại tài nguyên thiên nhiên; 628 vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm ; 435 vụ vi phạm về thủ tục hồ sơ công tác bảo vệ môi trường; 483 vụ vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ rừng, khu bảo tồn thiên nhiên… 3.401 vụ (1.057 tổ chức, 1.919 cá nhân) bị xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền 28,755 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động và buộc di dời 79 cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Có 79 vụ, 109 bị can chuyển sang cơ quan điều tra khởi tố.
Lực lượng Cảnh sát môi trường Hà Nội phát hiện nhiều vụ vi phạm pháp luật môi trường nhất so với các địa bàn trong cả nước với 482 vụ, 493 đối tượng; TP. Hải Phòng đứng thứ 2 với 159 vụ và TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 3 với 132 vụ.
Điển hình là các vụ: 23 công ty thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam mua bán trái phép 546.870 lít dầu biến thế tải và hàng trăm tấn chất thải nguy hại; Công ty TNHH Đại Đông, Công ty TNHH Cao Thắng và Công ty TNHH Thương mại Thế Tường ở xã Đại Đồng, huyện Dĩ An, Bình Dương giả mạo hồ sơ hàng nhập khẩu để thông quan 2 container chất thải; Công ty Nông sản thực phẩm HaNoSa và cơ sở sản xuất rượu Thiên Long sản xuất rượu kém chất lượng, không có giấy phép…
Sở dĩ số vụ việc bị phát hiện tăng vọt không phải do tình hình vi phạm tăng đột biến so với trước mà chủ yếu do công tác xác minh, phát hiện, xử lý năm nay được triển khai rốt ráo hơn với sự vào cuộc của lực lượng Cảnh sát môi trường.
Vi phạm nhiều vì lợi nhuận
"Nóng" năm 2009 là các vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm với các vụ doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu thực phẩm đông lạnh có thủ đoạn tẩy, dán nhãn hàng hoá để kéo dài hạn sử dụng đối với hàng trăm tấn thực phẩm đã hết hạn. Tình trạng nhập trái phép các loại gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc xảy ra phổ biến tại các tỉnh phía Bắc.
Hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, kém chất lượng như thực phẩm và đồ uống được phát hiện tại nhiều nơi. Đặc biệt trong 6 tháng cuối năm phát hiện nhiều vụ tàng trữ, chế biến các sản phẩm động vật hư hỏng (mỡ, da, xương trâu bò…), gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm và ô nhiễm môi trường.
Nguyên nhân của tình hình này là do công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế, nhất là trong hoạt động xuất nhập khẩu, trong khi nhu cầu tiêu dùng cao, mua hàng giá rẻ của phần lớn người dân tiếp tay cho hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ, tiểu ngạch.
Vi phạm quy định về xử lý chất thải công nghiệp vẫn diễn ra khá phổ biến. Nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất tiếp tục sử dụng hệ thống ngầm dẫn nước thải chưa qua xử lý ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng… Mặc dù đã bị xử lý, việc khắc phục vi phạm của các cơ sở này biến chuyển còn chậm, nên ô nhiễm tiếp tục kéo dài. Nguyên nhân của tình trạng này do hoạt động sản xuất công nghiệp phát triển nhanh, số lượng cơ sở sản xuất nhiều, doanh nghiệp luôn tìm cách đối phó, hoạt động thanh tra còn nặng tính hành chính.
Trong khi đó, tình hình nhập khẩu phế thải, phế liệu có chứa chất thải nguy hại vẫn diễn ra rất nghiêm trọng. Điển hình vụ 3 công ty tại Hải Phòng và Quảng Ninh nhập khẩu 37 container (tương đương 800 tấn) nhựa phế liệu lẫn tạp chất, dưới hình thức "tạm nhập, tái xuất". Hiện tại các cảng biển đang tồn đọng rất nhiều container phế liệu có chứa chất thải nguy hại, hàng vô chủ hoặc các chủ hàng không chịu nhận (cảng Hải Phòng còn tồn trên 200 container gồm nhựa, giấy, sắt, cao su phế liệu…). Nguyên nhân tình trạng trên do đây là hoạt động có lợi nhuận cao, doanh nghiệp khai báo hải quan gian dối hoặc lợi dụng việc kiểm hoá xác suất để che giấu hàng cấm.
Hoạt động thu gom, xử lý trái phép chất thải nguy hại, phế thải có sự tham gia của một số doanh nghiệp lớn. Tuy đã có quy chế quản lý chất thải nguy hại nhưng việc cho phép một số đơn vị xử lý, tái chế trong khi công tác tổ chức giám sát thực hiện chưa nghiêm và thường xuyên đã làm cho các đơn vị có điều kiện vi phạm.
Bên cạnh đó, hoạt động mua bán, vận chuyển, nuôi nhốt động vật hoang dã, quý hiếm vẫn không hề giảm khi lợi nhuận từ nguồn này quá lớn.
Cần chế tài đủ mạnh và biện pháp khắc phục "rắn"
Cho đến nay, đa số các vụ vi phạm pháp luật về môi trường đều chỉ bị xử lý hành chính với mức phạt tiền thấp. Chỉ có 79 vụ, 109 bị can xử lý hình sự (khoảng 1,7%), còn lại xử lý hành chính trên 3 nghìn vụ, phạt tiền hơn 28 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động hoặc buộc di dời 79 cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Điển hình thời gian qua là những vụ vi phạm pháp luật về môi trường cực kỳ nghiêm trọng như vụ Vedan (Đồng Nai), vụ Hào Dương (TP. Hồ Chí Minh)… nhưng cuối cùng vẫn không đủ cơ sở để xử lý hình sự bất cứ vụ nào.
Vi phạm của Công ty VEDAN được xác định là vụ việc hết sức nghiêm trọng, nhưng cuối cùng chỉ bị truy thu trên 127 tỷ đồng; Công ty cổ phần giấy Việt Trì chỉ bị truy thu trên 1 tỷ đồng... Số tiền nộp phạt quá ít so với hậu quả mà các Công ty vi phạm gây ra cho người dân. Để các cá nhân, doanh nghiệp có ý thức chấp hành nghiêm Luật BVMT thì việc bổ sung một chế tài xử phạt đủ mạnh, đủ sức răn đe là hết sức cần thiết.
Một vấn đề nữa là về vấn đề đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Mỗi vụ xử phạt về xả rác thải, mức phạt cao nhất chỉ tới 70 triệu đồng. Con số này chỉ bằng khoảng 0,1% kinh phí nếu đầu tư dây chuyền xử lý rác thải. Như vậy, vấn đề không phải không có cách xử lý rác thải mà nằm ở kinh phí. Nếu chỉ kiểm tra, xử phạt mà không yêu cầu doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý chất thải thì việc xử phạt chỉ là nhãn tiền.
Chinhphu.vn
.
.
Tăng hơn 7 lần mức xử phạt vi phạm pháp luật về môi trường
Thứ Bảy, 09/01/2010, 19:27 [GMT+7]
.
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.