.

Tết quê nay đã khác!

.

Ai đó đi xa lâu ngày về thăm quê, hẳn sẽ ngạc nhiên vì sự thay đổi của quê mình trong những ngày Tết. Bởi lẽ, khuất sau những rặng tre làng, hơi thở sức xuân của vùng đô thị đã tràn về nẻo quê. Tuy nhiên, bên cạnh sự thay da, đổi thịt đó, trong mỗi xóm thôn, mỗi gia đình vẫn còn lưu giữ một truyền thống Tết cổ truyền xưa.

Hương phố về quê

Người dân thôn quê sơn, quét mới lại nhà cửa để chuẩn bị đón Tết Canh Dần vui tươi, đầm ấm. 

Những ngày giữa tháng chạp, chúng tôi tìm về các vùng thôn quê huyện Hòa Vang để tìm hiểu đời sống của người dân khi Tết cổ truyền sắp đến. Trên mỗi bước chân chúng tôi đều cảm nhận hương xuân ấm áp tràn về với mọi nhà, mọi người. Người dân đang tất bật với công việc dọn dẹp, sơn tường, sửa nhà để chuẩn bị đón một năm mới với nhiều may mắn. Trong hơi ấm của mùa xuân đang đến, chúng tôi bắt gặp một nhịp sống đô thị đang tràn về vùng nông thôn. Ở các chợ Túy Loan, Hòa Phú, Hòa Sơn…, hàng hóa phục vụ Tết đã sẵn sàng với các loại kẹo, bánh, mứt, hạt dưa… và nhiều hàng hóa khác.

Nhiều người không chờ cận Tết đã tranh thủ sắm sửa trước để khỏi phải cập rập, sợ lên giá. Chị Kim, trú thôn Túy Loan Đông, xã Hòa Phong cho biết: “Khoảng 5 năm về trước, nhà ít khi mua sắm như thế này. Bởi lẽ, mọi thứ đều tự làm để tiết kiệm. Mỗi lần gần Tết, cả gia đình mất mấy ngày làm đồ ăn, thức uống mới đủ phục vụ cho 3 ngày xuân. Nhưng mấy năm trở lại đây, nhà tôi không làm nữa, mọi thứ đều có ở chợ, chỉ cần có tiền, mình bỏ một ngày đi mua là xong...

Có những người không muốn mua hàng ở chợ quê mà về các siêu thị ở trung tâm thành phố để mặc sức lựa chọn hàng ngon, đẹp. Chị Nguyễn Như Hoa, trú xã Hòa Phú, dù mới bước qua tháng chạp chưa đầy 10 ngày, nhưng chị cũng đã một lần về trung tâm Đà Nẵng mua sắm hàng Tết cho gia đình. Chị cho biết, phải mua sắm sớm để còn thời gian đi làm kiếm tiền cuối năm. Hơn nữa, để cận Tết mà mua sắm thì giá cả mọi thứ sẽ tăng, lại chen lấn, mất thời gian.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mấy năm trở lại đây, người dân ở nông thôn không còn vất vả để lo sắm Tết. Tùy thuộc vào điều kiện mà mỗi người có cách chi tiêu riêng, nhưng hầu như không nhà nào là không sắm sửa. Ngày nay, khi đến vùng nông thôn vào dịp Tết, mọi người đều thấy dân quê xài sang hơn. Bia, rượu đủ chủng loại thay cho những chai rượu gạo. Chị Lan, trú thôn Quan Nam 1, xã Hòa Liên chia sẻ: Dù còn khó khăn, nhưng mình cũng phải có cái gì đó sang sang dọn cho khách khi đến thăm nhà. Ít nhất là ly rượu thuốc, rượu trái cây, nếu sang thì ly bia, chứ bữa nay ai còn dùng rượu trắng, nồng như trước...

Hồn quê vẫn mãi lưu giữ

Dĩ nhiên, không phải mọi thứ ở quê đều bị đô thị hóa. Người quê vẫn lưu giữ cho mình những nét truyền thống. Theo ông Đặng Huynh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang thì dù Tết của người dân quê mình có khác đi do ý thức hay do điều kiện thì truyền thống cũ như nấu bánh chưng, bánh tét, làm dưa món, chung nhau chia thịt heo, thăm Tết chúc mừng nhau… khó có thể đổi thay. Điều này thể hiện tình làng nghĩa xóm rất lớn.

Tranh thủ mua sắm cho ngày Tết tại các chợ.
Theo ông Huynh, những ngày Tết, nếu mình không đến nhà hàng xóm, thế nào cũng bị trách móc, dù cả năm ngày nào cũng gặp nhau. Vì vậy, cứ đến Tết, mọi người lại rủ nhau đi từ đầu xóm đến cuối xóm thăm hỏi, chúc tụng nhau. Tình cảm của người dân quê, vì thế mà càng sâu đậm, gắn bó…

Chị Hồng, trú thôn Đinh Lăng, xã Hòa Phú cho biết: Giàu hay nghèo, nhưng ở quê, khi Tết đến, mỗi gia đình phải nấu bánh chưng, bánh tét… mới có không khí Tết. Nhà chị Hồng những năm gần đây các thứ đều mua sắm ở chợ, siêu thị nhưng với bánh chưng, bánh tét, dưa món thì phải tự tay làm. Bởi lẽ, theo chị, có như vậy mới thể hiện được không khí Tết, và mới kéo cả gia đình gần gũi, sum tụ, vừa giữ được hơi ấm gia đình, vừa dạy cho con cháu về nếp sống quê.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.