.

Thực hiện ngược!

Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 ngày 29-6-2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2007 và các văn bản hướng dẫn thực hiện đã quy định: Hằng tháng, người sử dụng lao động giữ lại 2% trên quỹ tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội để trả kịp thời cho người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

Trong thời gian ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ có liên quan từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm giải quyết chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động. Hằng quý (hoặc hằng tháng), người sử dụng lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ của những người lao động đã được giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho tổ chức Bảo hiểm xã hội. Tổ chức Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm quyết toán trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Qua  ba năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, nhiều đơn vị sử dụng lao động chưa thực hiện đúng quy định của luật. Cụ thể như, khi người lao động nộp hồ sơ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho người sử dụng lao động theo quy định, người sử dụng lao động chưa giải quyết kịp thời các chế độ này mà lập thủ tục quyết toán với cơ quan Bảo hiểm xã hội. Sau khi có kết quả thẩm định, quyết toán của cơ quan Bảo hiểm xã hội, người sử dụng lao động mới chi trả chế độ cho người lao động. Cách làm này vừa sai quy định, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động vừa gây ảnh hưởng xấu trong xã hội. Trong ba năm qua, rất nhiều lần người lao động có đơn thư gửi đến các cơ quan, tổ chức và các đồng chí lãnh đạo thành phố thắc mắc về việc các chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe của họ không được giải quyết, chi trả kịp thời, thậm chí đình công, lãn công gây ảnh hưởng xấu trong xã hội.

Ngoài quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn, trong thời gian qua, ngành Bảo hiểm xã hội thành phố cũng đã có nhiều văn bản nhắc nhở về vấn đề này, tuy nhiên tình trạng “thực hiện ngược” vẫn còn diễn ra phổ biến ở các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Bước sang năm 2010, hy vọng tình trạng “thực hiện ngược” trong việc giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho người lao động như nêu ở trên sẽ được các đơn vị sử dụng lao động khắc phục, nhằm thực hiện đúng chế độ, chính sách, đúng quy định để bảo đảm quyền lợi cho người lao động khi thụ hưởng các chế độ Bảo hiểm xã hội nói chung, trong đó có chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

TRẦN ĐÌNH DIỆU

;
.
.
.
.
.