Chồng mất khi chị 37 tuổi, để lại 3 đứa con thơ, những tưởng chị Nguyễn Thị Liên (1956), trú tổ 2, phường Tân Chính, quận Thanh Khê (Đà Nẵng) quỵ ngã trước bao khó khăn, nghiệt ngã của cuộc đời. Nhưng không, bằng nghị lực của người phụ nữ, chị đã vượt lên mọi nỗi đau, nuôi con cái thành đạt ở nơi đất khách quê người. Chẳng những thế, chị còn là người có tấm lòng nhân hậu với mọi người xung quanh, sẵn sàng giúp đỡ khi họ gặp khó khăn.
Chị Nguyễn Thị Liên và anh Dương Tấn Hiếu - một trong 9 người cháu mà chị đã nuôi ăn học thành đạt. |
Những tưởng cuộc sống cứ thế êm đềm trôi, nhưng vào ngày 22-2-1993, nỗi bất hạnh đã đổ ập lên đầu chị Liên khi được tin anh Phú qua đời trong lúc đi công tác. Ngày đưa tang anh Phú, thấy 3 đứa con thơ dại ngơ ngác nhìn nhau mà lòng chị đau quặn thắt, không biết rồi đây cuộc sống của mẹ con chị sẽ ra sao nơi đất khách quê người? Sau nhiều đêm thức trắng không ngủ được, chị tự nhủ với lòng mình rằng: “Bằng mọi giá, phải cố gắng gượng dậy nuôi con nên người, để dưới suối vàng anh Phú không buồn…”.
Hồi anh Phú còn sống, hai vợ chồng dành dụm mua được 3 chiếc xe ủi góp vốn với xí nghiệp để làm ăn. Bây giờ anh Phú mất đi, chẳng lẽ lấy xe đem bán tiêu xài hết? Câu hỏi ấy cứ làm chị đắn đo, suy nghĩ mãi, rồi cuối cùng chị quyết định xin Xí nghiệp Lâm nghiệp Duy Xuyên cho mình thế vị trí công tác trước đây của chồng quản lý đội xe, để có thu nhập nuôi con. Trước nguyện vọng này, xí nghiệp đã đồng ý, nhưng yêu cầu chị phải có chứng chỉ của khóa đào tạo quản lý hành khách, hàng hóa đường bộ, đường thủy. Vậy là, chị ngày đêm tìm kiếm tài liệu, ra sức ôn tập để thi đậu và hoàn thành xuất sắc khóa học do Sở Giao thông-Vận tải Quảng Nam-Đà Nẵng tổ chức hồi năm 1995. Thời gian này được xem là quãng đời cơ cực nhất đối với chị, vì một mình chị vừa phải ra sức quản lý, điều hành đội xe ở công trường, vừa phải đi đi, về về lo chuyện gia đình, học hành của các con.
Đến năm 2001, chị Liên nghỉ việc ở Xí nghiệp Lâm nghiệp Duy Xuyên, đồng thời lấy lại số xe hai vợ chồng mua sắm được đem về Đà Nẵng kinh doanh tự do. Thân phụ nữ chân yếu tay mềm, vậy mà hằng ngày chị lặn lội đi nhận các công trình san ủi đường, thuê thợ thi công, kiếm lời. Những lúc không có tài xế, đích thân chị “ra tay” điều khiển xe thi công công trình…
Thương mẹ hằng ngày vất vả, nhọc nhằn, 3 người con trai chị đã nỗ lực học tập và đạt kết quả cao. Năm 2000, người con đầu Dương Tấn Đa (SN 1977) tốt nghiệp ngành Dầu khí Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh và được làm việc tại Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam. Hiện anh là chuyên gia Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc dự án Dầu khí Việt Nam tại Venezuela và đang làm luận án tiến sĩ. Người con thứ 2 Dương Tấn Vinh (SN 1979), đã tốt nghiệp thạc sĩ Luật năm 2006, hiện công tác tại Tổng Công ty Địa ốc Nam Long thành phố Hồ Chí Minh. Người con trai thứ 3 Dương Tấn Lộc (1983), tốt nghiệp lập trình viên quốc tế năm 2008, hiện là sinh viên năm thứ 4 Trường Đại học Cao Thắng thành phố Hồ Chí Minh.
Không chỉ là người phụ nữ một đời tảo tần vượt khó khăn, thách thức nuôi con ăn học thành tài, chị Nguyễn Thị Liên còn là một người phụ nữ có trái tim nhân hậu đối với bà con, dòng họ, cũng như hàng xóm láng giềng. Từ năm 2003 đến nay, chị đã đem 9 người cháu bên gia đình chồng và gia đình mình ra Đà Nẵng nuôi ăn học đại học, cao đẳng. Nhờ sự cưu mang giúp đỡ này, đến nay, cả 9 người cháu đã tốt nghiệp ra trường và có việc làm ổn định tại thành phố Đà Nẵng và các tỉnh, thành trên cả nước.
Anh Nguyễn Đức Nhật, quê ở xã Bình Trung, huyện Thăng Bình (Quảng Nam), đã tốt nghiệp ngành cao đẳng xây dựng Trường Đại học Đông Á, đang làm việc tại Đà Nẵng, xúc động nói: Trước đây, gia đình em quá khó khăn, việc học tập của em luôn bị gián đoạn, nhờ có cô Liên giúp đỡ kịp thời nên em mới có ngày hôm nay. Chị Liên chân tình tâm sự: “Mình sinh ra và lớn lên ở quê, nếm trải đủ mọi thứ khó khăn cuộc sống nên thấu hiểu hoàn cảnh các cháu. Bởi vậy, giúp được cháu nào thì đỡ cho cháu đó”.
Còn đối với bà con hàng xóm ở gần nhà chị trong con hẻm số 253 đường Hải Phòng (Đà Nẵng), chị luôn gần gũi, chia sẻ mọi khó khăn với họ. Và đều đặn hơn 10 năm nay, mỗi lần Tết đến là chị đi quanh xóm tìm hiểu hoàn cảnh gia đình từng người, rồi hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho họ ăn Tết. Ngoài ra, hằng năm chị hỗ trợ hàng trăm suất học bổng cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường Tân Chính. Những phần quà của chị tuy giá trị vật chất không nhiều, nhưng đã kịp thời giúp đỡ, khuyến khích các em học sinh nghèo không bỏ học nửa chừng.
Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN