.

Cần ưu ái cho trẻ em Làng Hy vọng

.

Đến thăm Trung tâm Nuôi dạy trẻ khó khăn Đà Nẵng (Làng Hy vọng) đầu năm 2010, mọi người đều vui mừng trước cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp của trung tâm này. Hiện nay, Làng Hy vọng đang nuôi dưỡng 150 em với những hoàn cảnh éo le khác nhau. Có những em mồ côi cả cha lẫn mẹ, có em còn người thân, nhưng họ không đủ sức khỏe và khả năng để nuôi dưỡng…

Những trẻ em Làng Hy Vọng rất cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng. 

Làng Hy vọng của thành phố không chỉ là nơi nương tựa của những trẻ em nghèo, bất hạnh, trẻ mồ côi, không nơi nương tựa của thành phố Đà Nẵng mà cả những em có hoàn cảnh tương tự ở những địa phương của tỉnh Quảng Nam. Không chỉ lo chuyện ăn, chuyện ở mà Làng Hy vọng này còn có trách nhiệm về chuyện học hành của 150 em từ 6 đến 18 tuổi. Nhìn bề ngoài, nơi ăn chốn ở của các em khang trang, sạch đẹp là vậy nhưng thực tế, theo lời tâm sự của anh Phan Thanh Vinh, Giám đốc trung tâm thì kinh phí cho các em học hành đang là một nỗi lo lớn của những người điều hành ở đây.

Những trẻ em ở Làng Hy vọng đều trong độ tuổi đến trường. Vì hoàn cảnh đặc biệt nên các em được miễn học phí ở tất cả các cấp học. Tuy nhiên, anh Phan Thanh Vinh cho biết: “Tiền học phí tính ra không nhiều nhưng những khoản tiền đóng phụ thêm ở trường lại rất tốn kém. Chúng tôi phải đóng ít nhất 300.000 đồng cho mỗi em trong dịp bắt đầu năm học mới. Chủ yếu là tiền phụ huynh, tiền mua thêm vật dụng cho lớp học, tiền gửi xe…” Đối với những trẻ em có hoàn cảnh khá hơn thì chuyện đóng những khoản tiền phụ thêm không đáng là bao, nhưng với những trẻ em khó khăn của Làng Hy vọng lại là một số tiền lớn. Một thực tế mà anh Vinh đề cập đến khiến chúng tôi trăn trở, đó là làm sao để các em ở làng trẻ này không cảm thấy bị thua thiệt, bị coi khinh và mặc cảm với bạn bè cùng trang lứa.
 
Anh Vinh tâm sự: “Hiện nay, các khoản tài trợ cho Làng Hy vọng đang giảm dần và đến giữa năm 2010, tổ chức Đông Tây hội ngộ sẽ không tiếp tục hỗ trợ kinh phí nữa. Do vậy, trong thời gian qua, kinh phí cho các em rất eo hẹp. Việc đóng thêm những khoản tiền ở trường là một gánh nặng nhưng phải đóng để các em không mặc cảm với bạn cùng lớp. Đáng lẽ ra những đối tượng như các em cần được miễn tất cả các loại tiền khi đến trường, vì điều kiện của Làng Hy vọng đang rất khó khăn. Tôi là “cha” của 150 em ở đây, nhiều lúc đi họp phụ huynh không đóng tiền thì sợ con mình bị bạn bè xem thường, rồi các em lại không muốn đi học nữa”.

Hiện nay, trung bình mỗi tháng, Làng Hy Vọng chi 850.000 đồng/em, bao gồm chi phí sinh hoạt, ăn ở, học tập. Trong điều kiện khó khăn về tài chính, việc duy trì mức hỗ trợ cho các em như vậy là nỗ lực rất lớn của những người điều hành nơi đây. Do kinh phí tài trợ của tổ chức sáng lập ra Làng Hy Vọng đã cắt giảm nhiều nên lãnh đạo Làng Hy Vọng phải tìm những nhà hảo tâm, những tập thể, tổ chức xã hội nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng các em qua hình thức hỗ trợ kinh phí hằng tháng. Cách làm này đã giảm bớt phần nào gánh nặng cho tập thể cán bộ Làng Hy Vọng trong việc lo liệu kinh phí để các em ăn học. Tuy nhiên, để duy trì làng trẻ lâu dài cần rất nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền, nhất là những chính sách ưu tiên đặc biệt khi các em đang còn ngồi trên ghế nhà trường.

Thành phố Đà Nẵng đang thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, trong đó, nhấn mạnh yêu cầu không để học sinh bỏ học vì kinh tế khó khăn. Với những trẻ em không có gia đình, người thân chăm sóc, nuôi dưỡng, sống nương tựa vào sự quan tâm của xã hội như các em ở Làng Hy Vọng thì việc miễn hoàn toàn các loại phí khi các em đến trường là cần thiết. Chính sách này phụ thuộc một phần vào trách nhiệm của những người điều hành nhà trường nơi các em đến học. Nếu nhà trường chủ động trong việc ưu tiên đặc biệt cho những em này thì sẽ không có chuyện tị nạnh giữa việc đóng hay không đóng các loại phí với những em học sinh ngoài xã hội và trẻ em Làng Hy Vọng sẽ không còn cảm thấy mặc cảm, tự ti với những bạn bè cùng trang lứa. Nếu từ bây giờ, xã hội quan tâm, chăm sóc và hỗ trợ kịp thời thì những em ở Làng Hy Vọng khi bước vào đời sẽ trở thành những người công dân có ích cho xã hội.

Bài và ảnh: MỸ HẠNH

;
.
.
.
.
.