.

Chàng sinh viên khuyết tật đa tài

.

Cuộc đời đã không may mắn từ đầu đối với Trần Văn Sơn, quê ở thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, năm lên 2 tuổi, Sơn đã bị bại liệt tay, chân, sau một trận ốm nặng. Không chịu khuất phục số phận, bằng chính nghị lực bản thân, Sơn đã nỗ lực vươn lên để trở thành giám đốc của một doanh nghiệp, trong lúc  còn là sinh viên của Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. 

“Ăn vạ” để được đi học

Cậu sinh viên đa tài Trần Văn Sơn và cô em gái Trần Thị Ngọc Phương. 

Bà Nguyễn Thị Trúc, mẹ Sơn rơm rớm nước mắt nhớ lại, hồi năm 1983, khi nhìn thấy gương mặt cậu con trai đầu lòng Trần Văn Sơn khi mới sinh ra khá khôi ngô, tuấn tú, vợ chồng bà vui mừng khôn xiết. Đến năm 2 tuổi, Sơn bị ốm nặng, không có tiền đưa con đi bệnh viện, vợ chồng bà đành nhờ thầy lang trong xóm chữa trị. Sau một thời gian chích thuốc, bỗng dưng chân, tay Sơn không cử động được. Thấy vậy, vợ chồng bà Trúc đã bán hết đồ dùng trong nhà, vay mượn tiền hàng xóm đưa Sơn đi chữa bệnh ròng rã 6 tháng trời ở Bệnh viện Trung ương Huế, rồi đến Bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh… Nhưng kết quả, chỉ có đôi tay của Sơn là cử động được. Vậy là, từ một người khỏe mạnh, Sơn trở thành người tàn phế.

Không tự đi lại được, suốt ngày Sơn chỉ quanh quẩn trong nhà. Mỗi lần nhìn 4 đứa em và bạn bè trong xóm cắp sách đến trường, Sơn cứ khóc và ao ước một ngày nào đó mình cũng được như vậy. Thấy con tha thiết được học, hằng đêm, bà Trúc dạy Sơn tập viết, làm các bài toán chương trình tiểu học. Kỳ diệu thay, Sơn thông minh đến lạ thường, mẹ chỉ đến đâu, Sơn nhớ ngay đến đó. Khi đã biết đọc, biết viết, Sơn tự lấy sách giáo khoa lớp 4 của cô em kế Trần Thị Ngọc Phương cặm cụi ngồi giải hoàn chỉnh các bài tập trong sách. Hay chuyện Sơn có khả năng giải được nhiều bài tập toán trong chương trình tiểu học, các bạn học sinh trong xóm mỗi lần không làm được bài tập đều tìm đến Sơn nhờ giải giúp và luôn đạt điểm cao.

Đến năm 14 tuổi, Sơn được người cậu ruột Nguyễn Văn Phúc xin cho một chiếc xe lăn. Có được phương tiện đi lại, Sơn xin bố mẹ đi đăng ký học hè lớp 5 ở Trường tiểu học số 1 thị trấn Phú Lộc. Ngày ấy, vừa nhìn thấy Sơn, nhiều thầy cô giáo ở đây đã lắc đầu không chịu nhận, với lý do lâu nay em chưa học chương trình từ lớp 1 đến lớp 4. Bị nhà trường từ chối, Sơn khóc lóc, “ăn vạ” nhất quyết không chịu về nhà. May mắn cho cậu học trò hiếu học, lúc này, cô giáo Đinh Thị Vẽ, hàng xóm của Sơn biết được khả năng của em nên đã xin nhà trường cho Sơn vào học chương trình học hè lớp 5, do mình phụ trách. Kết thúc 3 tháng hè, các thầy, cô trong Ban giám hiệu Trường tiểu học số 1 thị trấn Phú Lộc “giật mình” khi biết kết quả học tập của Sơn xuất sắc nhất lớp. Sau đó, Ban giám hiệu nhà trường đã đề nghị Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Phú Lộc đặc cách cho Trần Văn Sơn vào học lớp 5, năm học 1997-1998. Cuối năm học, Sơn đã tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc dẫn đầu toàn trường.

Những năm học cấp 2 ở Trường THCS thị trấn Phú Lộc, Sơn luôn là học sinh giỏi nhất lớp, với kết quả học tập năm nào cũng từ 9 điểm trở lên. Năm học 2001-2002, Sơn tham gia đội tuyển học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh và đạt giải khuyến khích hai môn Ngữ văn và tiếng Anh. Sau 3 năm học cấp 3 ở Trường THPT thị trấn Phú Lộc, cậu học trò khuyết tật này tiếp tục gặt hái thành tích cao trong học tập, với kết quả hằng năm luôn đạt loại giỏi, khiến thầy cô, bạn bè trong trường mến phục. Tuyệt vời hơn, trong năm học 2004-2005, Sơn được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh và đạt giải khuyến khích môn Toán. Với kết quả học tập nổi trội của Sơn, đến lúc này, mỗi lần ngồi lật xem những trang học bạ ghi kết quả học tập của con trai, nước mắt bà Trúc cứ chảy dài. Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc của người mẹ trước những gì người con trai khuyết tật đã làm được.

Nhà nghèo, bố mẹ làm nông, lại đông anh em, suốt quãng thời gian học phổ thông, Sơn không có tiền đi học thêm như bạn bè. Đến kỳ thi đại học cũng vậy, Sơn tự mua tài liệu về ôn tập và năm 2005 đã xuất sắc thi đỗ vào khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, với tổng điểm 3 môn thi là 23,5 điểm (thừa 2,5 điểm so với điểm chuẩn). Gần 5 năm học tập tại Đại học Bách khoa Đà Nẵng, để có tiền trang trải cho cuộc sống, hằng ngày Sơn tranh thủ thời gian đi dạy kèm, nhận quản trị Website cho các doanh nghiệp, với mức thu nhập hằng tháng hơn 1 triệu đồng. Sơn luôn nỗ lực phấn đấu và đạt kết quả học tập loại khá qua từng năm học. Tính đến nay, Sơn đã 4 lần được nhận học bổng Odon Valet (Pháp), mức tiền từ 4 đến 6 triệu đồng/suất và được nhận học bổng dài hạn Miazaki (Nhật Bản) 500 nghìn đồng/tháng. PGS-TS Trần Văn Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng nhận xét: Trần Văn Sơn là sinh viên rất giàu nghị lực, luôn khắc phục hoàn cảnh bệnh tật để vươn lên đạt nhiều thành tích trong học tập. Đây là một trong những sinh viên tiêu biểu, xuất sắc của nhà trường từ xưa đến nay.  

Ông giám đốc giàu lòng nhân ái

Không chỉ xuất sắc trong học tập tại trường, những năm qua, cậu sinh viên khuyết tật Trần Văn Sơn còn thể hiện rõ tài năng khi đã xuất sắc “giật” được nhiều giải thưởng dành cho sinh viên. Năm 2007, với đề tài dự thi “Bán vé xe qua mạng Internet, hạn chế tình trạng xe dù, bến cóc trên đường”, Sơn đã đoạt giải nhất cuộc thi Ý tưởng kinh doanh sáng tạo do Đại học Đà Nẵng tổ chức. Tiếp đó, tại cuộc thi Thắp sáng tài năng kinh doanh trẻ, do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam tổ chức năm 2008, Sơn đã được Ban tổ chức trao giải đồng, với phần thi đánh giá, tổ chức kinh doanh và khả năng lãnh đạo doanh nghiệp. Ngoài ra, Sơn cũng đoạt nhiều giải thưởng ở các cuộc thi của khoa, của trường tổ chức hằng năm.

Với khoản tiền có được 120 triệu đồng từ những lần nhận học bổng và vay mượn thêm người thân, tháng 3-2009, Sơn đã quyết định cùng hai người quen góp vốn thành lập Công ty Phú Hải Sơn, có trụ sở nằm trên đường Nam Cao, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, chuyên hoạt động ở các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, bán vé xe khách qua mạng Internet…, mức vốn điều lệ 450 triệu đồng, do Sơn làm giám đốc. Sau thời gian hoạt động, trừ hết các chi phí, hằng tháng công ty đạt doanh thu khoảng 15 triệu đồng. Song, điều đặc biệt là công ty của Sơn khác hẳn với nhiều công ty khác, bởi lẽ hiện nay có 13 lao động chủ yếu là sinh viên, người khuyết tật làm việc. Trần Văn Sơn giải thích: “Thực ra, thời buổi này tuyển kỹ sư lành nghề không khó, nhưng mình muốn giúp đỡ các bạn sinh viên nghèo có điều kiện thực tập nâng cao tay nghề, có thêm tiền trang trải cho cuộc sống”.

Cuối năm 2009 vừa qua, để có tiền nuôi hai cô em gái Trần Thị Ngọc Phương và Trần Thị Kiếm Anh đang học tại Trường Cao đẳng Kinh tế-Kế hoạch Đà Nẵng, Sơn đã xin Ban giám hiệu Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho mượn tầng 2 của căng-tin ký túc xá và đầu tư 40 triệu đồng để mở quán cà-phê bán cho sinh viên. Thổ lộ về những dự định trong tương lai, Trần Văn Sơn tâm sự: “Sau này ra trường, mình sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng, đẩy mạnh hoạt động của công ty. Mơ ước lớn nhất của mình là có cuộc sống ổn định tại Đà Nẵng, sau này có thể phụng dưỡng, trả hiếu cho cha mẹ”.

Hằng ngày, nhìn thấy Trần Văn Sơn một buổi điều khiển xe lăn đến lớp học, một buổi đến Công ty Phú Hải Sơn làm việc, không ít người đã thán phục trí tuệ, nghị lực của cậu sinh viên khuyết tật này.

Bài và ảnh: Ngọc Đoan

;
.
.
.
.
.