.

Chợ Tết Cơtu

.

(ĐNĐT) - Những ngày này, ở hai thôn Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) mọc lên những khu chợ Tết nhộn nhịp người mua kẻ bán. Hai thôn nghèo với đông đảo đồng bào dân tộc Cơtu sinh sống, song ngày Tết được chuẩn bị tươm tất...

Lựa chọn mua sắm áo quần mới ăn Tết

Gọi là chợ Tết, thực ra là những chiếc xe máy, với những chiếc rọ lúc lỉu hai bên xe, tải hàng từ vùng xuôi lên vùng núi cao cung cấp hàng Tết cho đồng bào dân tộc. Những chiếc xe máy chở theo củ kiệu, dưa, hành, cà rốt..., những nguyên liệu để làm dưa món; các loại thịt heo để làm món thịt muối.

Chị Lê Thị Liễu (Nam Ô, quận Liên Chiểu), với thâm niên bán hàng hơn 20 năm nay, cho biết: "Bà con ngó vậy chứ sắm Tết cũng đàng hoàng lắm. Thế nào cũng đầy đủ mắm muối, dưa hành chuẩn bị Tết. Thịt thà không nhiều chứ cũng có trong nhà ba ngày Tết. Bánh mứt thì thường được nhận từ những phần quà các nơi về tặng nên dân buôn ít mang mặt hàng này lên, vì có mang lên cũng đem về".

Nói rồi, chị soạn những mặt hàng bán Tết ra, bày trên bãi cỏ để kịp cho bà con đến mua. Không cần giới thiệu nhiều, mọi người đến, thích gì lấy nấy. "Có sao bán vậy thì bà con mới tin, mới dễ bán hàng. Chứ nói thách lắm thì mất uy tín, lần sau đố bán cho bà con", anh Nguyễn Văn Hai, người đã có 5 năm thồ hàng lên vùng cao Tà Lang, Giàn Bí bán, tiết lộ bí quyết thu hút khách hàng của mình. Quả vậy, rất nhiều người tìm đến hàng anh Hai, tự nhiên lục lọi mọi thứ, cho vào bao và hô "tính tiền", chẳng khác nào đi mua hàng thoải mái như ở... siêu thị.

Phục vụ Tết, ngoài những xe hàng thực phẩm, còn xuất hiện nhiều loại hàng quần áo, giày dép, mũ nón... để phục vụ cho đồng bào. Những gian hàng đủ màu sắc được đặt trên những đám cỏ xanh ven đường trông vô cùng bắt mắt. Ông Trương Văn Mỹ (thôn Tà Lang) cứ săm soi mãi chiếc áo sơmi màu xanh nhạt. Ông thích nhưng vợ ông, bà Trần Thị Tĩnh thì lại chê. Sau một hồi giải thích, thì bà Tĩnh mới đồng ý cho ông Mỹ mua chiếc áo sơmi với giá 85.000đ. Ông cười hỉ hả, rung rung mái tóc bạc, vỗ vai vợ: "Tết ni tui đi biểu diễn múa dưới phố, kiếm tiền bù lại, nghe bà!". Rồi ông nắm tay đứa cháu nội 4 tuổi, mua cho nó một cái cột tóc mới. Con bé mừng rơn, ôm ông nội hôn lia lịa.

Chọn mua củ kiệu, dưa, hành, cà rốt... làm dưa món

Đinh Thị Tinh (thôn Giàn Bí) cười tít mắt khi được hỏi chuẩn bị Tết được gì chưa. Chị bảo đã mua áo đẹp, giày đẹp cho con và chồng rồi, còn mình thì chưa. Còn chút tiền dư dả, sau khi đã mua đủ loại để làm dưa món, chị quyết định chọn cho mình đôi dép đế cao. "Mình thấp nên chọn nó cao cao một chút, để đi cho nó có dáng", chị điệu đà quay người để thử đôi dép và quyết định chọn mua nó, dù so với chị, nó hơi... cao giá một chút, nhưng vì Tết nên tiêu phí một chút cũng không sao.

"Đời sống họ tuy cũng khó khăn, nhưng bắt đầu sống theo nếp của người Kinh mình, Tết phải có áo đẹp, quần đẹp, nhà cửa bánh mứt. Mấy hôm rày, cứ chạy xe hàng ngang nhà ai cũng đều bị kêu lại để họ khoe. Chị Tây ở đầu xóm thì khoe mình sắm được con gà, cái áo mới; anh Lợi cuối thôn Giàn Bí thì khoe vừa được vợ sắm cho đôi giày mới. Mấy đứa con nít trong xóm cũng kêu cô Liễu, cô Liễu để khoe đồ mới. Thấy vui vui mà thương thương họ. Người nghèo, nên cái gì cũng quý, cũng dễ hạnh phúc", tranh thủ lúc vãn khách chị Liễu kể chuyện.

Nhìn cảnh sắm Tết của bà con Cơtu, biết là cuộc sống tuy khó khăn, nhưng cũng thấy được đời sống đã cao lên nhiều. Ông Mỹ bảo: "Cách đây 5-7 năm, người ở đây còn không biết Tết là gì. Thấy cũng giống ngày thường, cũng đi nương, đi rẫy bình thường rứa. Chừ thì khác rồi...".

Viết Thanh

;
.
.
.
.
.