.

Công tác cán bộ trong chiến lược phát triển KT-XH của thành phố Đà Nẵng

Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16-10-2003 của Bộ Chính trị đã xác định: “Xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế-xã hội lớn của miền Trung, với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ, là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm văn hóa-thể thao, giáo dục-đào tạo và khoa học công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước”.

Đảng bộ, nhân dân thành phố Đà Nẵng trong nhiều năm qua đã nỗ lực phấn đấu để xây dựng và phát triển thành phố, kết quả đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, kinh tế tiếp tục duy trì với tốc độ tăng trưởng hằng năm đều trên 11%, xã hội ổn định, các chính sách an dân, an sinh xã hội rất được chú trọng. Trên một số mặt như việc phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các chương trình xã hội hướng về cộng đồng, xây dựng chính quyền các cấp vững mạnh, có nhiều chính sách đột phát trong cải cách hành chính và có cả chương trình phát huy nguồn nhân lực trong khu vực công để phục vụ cho mục tiêu CNH-HĐH của thành phố. Những thành quả của thành phố cũng đã được nhân dân đồng tình, xã hội thừa nhận, hai năm liền Đà Nẵng được xếp vị trí hàng đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đứng đầu về chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin, là nền tảng của việc xây dựng chính quyền điện tử, trên một số mặt đã có sự đóng góp kinh nghiệm cho các địa phương trong cả nước.

Mục tiêu về nguồn nhân lực của thành phố là chủ động đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, phục vụ yêu cầu CNH-HĐH của thành phố, phấn đấu trong các năm tới tăng cường công tác đào tạo nghề nhằm bảo đảm từ 70-80% lao động qua đào tạo, bao gồm cả đào tạo trên đại học, riêng trong hệ thống khu vực công đã có nhiều cơ chế, chính sách vượt trội để nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ của thành phố cả trước mắt và lâu dài. Đây là sự đầu tư có trọng điểm, điều này đã nói lên tính chất, vị trí và vai trò của đội ngũ CB, CC tác động trong đời sống xã hội, trong việc quản lý và phát triển KT-XH của địa phương đầu thế kỷ 21.

Thực trạng đội ngũ CB, CC của thành phố hiện nay cũng còn nhiều việc cần phải làm cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng; trong các cơ quan hành chính, số giữ ngạch chuyên viên chính trở lên chiếm 17,5%; chuyên viên chiếm 60,5%; về trình độ đào tạo, số có trình độ sau đại học chiếm 4,5%, đại học chiếm 70%. Khối các đơn vị sự nghiệp về cơ cấu ngạch chuyên viên chính và tương đương chiếm 4,7%; chuyên viên và tương đương chiếm 62%; người có trình độ sau đại học chiếm 5,5%; đại học chiếm 46%. CB, CC phường, xã chất lượng còn thấp, người có trình độ đại học và cao đẳng chiếm 43%; trung cấp chuyên môn chiếm 24%, sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo còn hơn 33%.

Tuy vậy, nhìn chung đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố khá ổn định; hằng năm được điều chỉnh, bổ sung kịp thời để phù hợp với yêu cầu thực tế, bảo đảm cho các cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Qua thực tiễn cho thấy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, tận tụy phục vụ nhân dân; nhiệt tình trong công tác, có ý thức phấn đấu vươn lên, từng bước được chuẩn hóa, tiếp cận dần với nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức trẻ được đào tạo cơ bản, có khả năng tiếp cận nhanh những kiến thức khoa học công nghệ hiện đại, trình độ quản lý tiên tiến. Bên cạnh đó vẫn tồn tại một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn bộc lộ nhiều bất cập về kiến thức lẫn kinh nghiệm thực tiễn. Trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý, thực thi nhiệm vụ chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của một đô thị loại I; còn thiếu những người có trình độ cao, chuyên gia, nhà quản lý giỏi và thiếu tính chuyên nghiệp…

Trước những khó khăn, thách thức như vậy, nhiều năm qua thành phố đã tập trung xây dựng nhiều giải pháp:

* Nhóm giải pháp về số lượng, đó là coi trọng và quản lý chặt chẽ tuyển chọn đầu vào, chính sách khuyến khích cho đầu ra, bảo đảm bộ máy đủ khả năng thực thi nhiệm vụ; cho phép bổ sung ngoài chỉ tiêu biên chế một tỷ lệ nhất định dành cho số thu hút có trình độ và kết quả đào tạo đạt loại giỏi, xuất sắc và thay dần số người nghỉ chế độ, đi học. Kết quả sau một thời gian thực hiện chính sách thu hút, đến nay đã tiếp nhận và bố trí việc làm cho 752 người, trong đó có 1 phó giáo sư, tiến sĩ; 5 tiến sĩ; 121 thạc sĩ; 625 người tốt nghiệp đại học hạng khá, giỏi; đây là một lực lượng đông đảo góp phần nâng cao số lượng, chất lượng, sức trẻ trong đội ngũ CB, CC, VC của thành phố. Mặt khác, thành phố cũng đề ra chính sách vượt trội để khuyến khích những người do sức khỏe yếu hoặc năng lực hạn chế nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ thôi việc để có chỗ bổ sung, thay thế.

* Nhóm giải pháp về chất lượng, đó là các hình thức tuyển dụng cạnh tranh, tăng cường hình thức tuyển chọn theo vị trí, chức danh, xây dựng tiêu chuẩn nghiệp vụ cụ thể cho từng chức danh công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý; trước hết là trưởng, phó  trưởng phòng chuyên môn thuộc sở, ngành, quận, huyện; trên cơ sở đó tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo mục tiêu và đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa chức danh. Thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, đây là một trong những giải pháp nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thời kỳ hội nhập vừa mang tính đột phá vừa thể hiện quan điểm đổi mới của thành phố Đà Nẵng trong công tác cán bộ.

Kết quả đã có 53 vị trí, chức danh lãnh đạo (khối cơ quan hành chính có 9 người) được bổ nhiệm thông qua hình thức này với sự tham gia cạnh tranh của 154 người dự tuyển. Qua đó đã khơi dậy và tạo điều kiện để những người có tài năng, phẩm chất đạo đức tốt, nhất là công chức, viên chức trẻ, có trình độ, có năng lực, có cơ hội tham gia vào công tác quản lý, điều hành và tạo nguồn về lâu dài. Mặt khác, nhằm khuyến khích và tạo sự chủ động cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tự nâng cao trình độ cũng như từng bước thực hiện xã hội hóa trong đào tạo, bồi dưỡng, thành phố đã ban hành chế độ chính sách đào tạo, bồi dưỡng tương đối thông thoáng nên số lượng cán bộ, công chức, viên chức tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngày càng nhiều.

Chương trình cử cán bộ, công chức đi học tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ngoài cũng có kết quả tốt, đến nay đã cử được 17 người đi học tiến sĩ và 50 người đi học thạc sĩ. Ngoài ra, thành phố còn chủ động tạo nguồn nhân lực chất lượng cao bằng cách chọn các học sinh xuất sắc bậc THPT có thành tích cao trong học tập, đạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc tế, quốc gia và cấp thành phố thì sẽ được xem xét cấp chi phí học tập tại các trường đào tạo có chất lượng cao trong nước và quốc tế và đến nay đã có 216 học sinh tham gia, trong đó có 79 học sinh được cử đi đào tạo tại các cơ sở đào tạo ở nước ngoài.

Đây là các chính sách mới, mang tính đặc thù trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Qua thực tế cho thấy, chính sách này đã đi vào cuộc sống và đã được các cấp, các ngành, các địa phương, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ đồng tình hưởng ứng. Ngoài ra, để chuẩn bị cho nguồn cán bộ quản lý, thành phố thành lập Câu lạc bộ Cán bộ trẻ bao gồm các công chức giỏi đang công tác tại các cơ quan, đơn vị và do thủ trưởng đơn vị giới thiệu để tham gia sinh hoạt, hiến kế cho thành phố và thường xuyên được bồi dưỡng các kiến thức về lãnh đạo, quản lý và qua CLB này cũng đã giới thiệu được một số công chức trẻ đảm nhận các chức vụ chủ chốt ở sở, ngành, quận, huyện.

Đối với cán bộ xã, phường, thành phố đã xây dựng và tổ chức một chương trình đào tạo chuyên về các kiến thức lãnh đạo, quản lý dành cho các sinh viên tốt nghiệp đại học loại trung bình khá trở lên, hoặc đã kinh qua công tác tại cơ sở để có thể đảm nhận được các  chức danh cán bộ chủ chốt xã, phường. Ngoài ra, còn có nhiều chính sách như hỗ trợ cho bác sĩ, sinh viên thuộc nhóm ngành Nông nghiệp về công tác tại trạm y tế xã, các hợp tác xã...

Về công tác bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, thành phố rất chú trọng đến đào tạo kỹ năng nhằm bổ sung tính chuyên nghiệp trong hoạt động công vụ, kể cả các kiến thức về tin học, ngoại ngữ, kiến thức quản lý kinh tế... Sau lý thuyết, tổ chức thực hành bằng các hội thi như hội thi kỹ năng soạn thảo văn bản đạt hiệu quả rất cao, hoặc giao lưu giữa các câu lạc bộ tiếng Anh theo chương trình hình thành thói quen giao tiếp tiếng Anh trong công sở. Các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm theo quy định đều đạt và vượt kế hoạch; đối tượng được đào tạo, bồi dưỡng là cán bộ, công chức, viên chức thành phố và cho cả người công tác tại thôn, tổ dân phố...

Những chính sách về công tác cán bộ thời gian qua đã đem lại những kết quả, hiệu quả rõ rệt và hứa hẹn nhiều hơn nữa cho sự phát triển của thành phố trong tương lai. Các mục tiêu xây dựng chiến lược cán bộ của thành phố đã và đang được tổ chức thực hiện theo kế hoạch, phù hợp với các chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về Chiến lược cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực là yếu tố quyết định chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước...”, Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng: “... Có cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trọng dụng những người có đức, có tài”... và đó cũng là mục tiêu mà thành phố Đà Nẵng đã và đang phấn đấu vươn tới.   

ĐẶNG CÔNG NGỮ                   

;
.
.
.
.
.