(ĐNĐT) - Trái ngược với tình hình tuyển dụng lao động “đóng băng” như mùa xuân năm ngoái, năm nay vừa ra Tết, các trung tâm giới thiệu việc làm đã liên tiếp nhận được các đơn đặt hàng của doanh nghiệp tuyển dụng
Doanh nghiệp tuyển ồ ạt
Người lao động tìm kiếm công việc đầu năm |
Trung tâm Giới thiệu việc làm Khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng cho biết, mới nửa tuần hoạt động trở lại, trung tâm đã tiếp nhận 5 doanh nghiệp đến đăng ký tuyển dụng hơn 700 lao động, trong đó các doanh nghiệp may mặc và giấy “khát” lao động hơn cả.
Ông Lương Lực, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm KCN Đà Nẵng cho biết: “Năm ngoái, trung tâm chúng tôi đìu hiu, các doanh nghiệp không tuyển dụng vì ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế thế giới. Tình trạng thiếu các đơn đặt hàng từ nước ngoài đã khiến các công nhân phải chịu khó “bám việc” chứ không “nhảy việc” như trước nữa”.
Còn tại Trung tâm giới thiệu việc làm thành phố Đà Nẵng, mặc dù đến ngày 1-3 Sàn giao dịch việc làm mới mở cửa trở lại sau thời gian sửa chữa, tuy nhiên, đã có 7 doanh nghiệp đăng ký tuyển 1.500 lao động. Nhiều trung tâm giới thiệu việc làm nhận định, sự phục hồi của kinh tế thế giới kèm theo đơn đặt hàng ở nước ngoài đã “thúc” các công ty mở rộng sản xuất ngay từ đầu năm, vì vậy không thể tránh khỏi nhu cầu nhân lực với số lượng lớn.
Đặc biệt ở mảng nhân lực chất lượng cao, Trung tâm Giới thiệu việc làm KCN Đà Nẵng thông báo tin vui là Công ty Tan Chong (Malaysia) đang có nhu cầu tuyển dụng 30 lao động đi nước ngoài học nghề trong 3 năm. Công ty còn hứa hẹn số lao động này sẽ trở thành “cán bộ khung” khi chi nhánh Công ty Tan Chong mở tại KCN Đà Nẵng trong thời gian tới.
Tương tự, Công ty Thép Đà Nẵng cũng đang tuyển gấp 40 lao động đưa đi Thái Nguyên để đào tạo nghề trong 12 tháng và hứa hẹn mức lương hấp dẫn.
Trưa 26-2, tại Trung tâm Giới thiệu việc làm, nhiều công nhân tranh thủ giờ nghỉ trưa để đến xem thông báo tuyển dụng. Chị Phạm Thị Xuân Ái, quê Hòa Xuân, Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng cho biết, công việc may công nghiệp hiện tại cũng ổn định, nhưng chị vẫn muốn tìm kiếm công việc khác với mức lương cao hơn.
Tin vui hay sự thiếu ổn định?
Đầu năm, bên cạnh “thông lệ nghỉ nướng” của công nhân khiến các dây chuyền sản xuất công nghiệp ngưng trệ, các doanh nghiệp cũng đang rất đau đầu với tình trạng “nhảy việc” của công nhân. Ông Lương Lực cho biết, ra Tết đã có một doanh nghiệp tuyển ồ ạt bởi hơn 300 công nhân của họ một đi không trở lại. “Thật khó yêu cầu các công nhân ra Tết đi làm đúng ngày trong khi thưởng Tết ở mức thấp, có doanh nghiệp chỉ thưởng một chai nước tương, một gói bột ngọt hay chỉ nửa tháng lương tối thiểu…”, ông Lực nói.
Tra cứu thông tin việc làm trên máy tại trung tâm giới thiệu việc làm |
Năm qua, thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng, cho thấy mức thưởng Tết thấp nhất trên toàn địa bàn thành phố Đà Nẵng chỉ 71.000 đồng/người thuộc về các công nhân của doanh nghiệp vốn FDI.
Bên cạnh “nhảy việc”, tình trạng trên còn có nguyên nhân do các công ty như may mặc, giày da, giấy… gần đây đã mở các xí nghiệp vệ tinh ở ngay các vùng quê để thu hút lao động. Đó là xu hướng của các doanh nghiệp để tận dụng nguồn nhân công nhàn rỗi ở địa phương, được miễn thuế hằng năm…
Ông Nguyễn Đức Liên, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm thành phố Đà Nẵng phân tích, tình trạng công nhân “nhảy việc” cho thấy sự thiếu bền vững trong mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động.
“Các doanh nghiệp tại KCN đang thiếu sự ổn định nhân lực bởi lẽ công nhân không thể gắn bó khi quyền lợi không được đảm bảo. Ngoài ra, còn phải đề cập đến ý thức kỷ luật của người lao động còn thấp”, ông Liên nói.
Chính vì vậy, số lượng lao động mà trung tâm chắp nối được cho doanh nghiệp không phải là tiêu chí hàng đầu được đặt ra đối với nhiệm vụ trong năm 2010. “Chúng tôi sẽ tập trung vào chất lượng sử dụng lao động của các doanh nghiệp, hỗ trợ xây dựng mối quan hệ bền vững hơn giữa người lao động và người sử dụng lao động”, ông Liên cho hay.
Cao Sơn
|