.

Mở tờ báo mới sáng nay...

Buổi sáng đầu ngày cuối năm Âm lịch, mở tờ báo gặp lời thông báo: “Hôm nay, 11-2, Báo Đà Nẵng ra số Tất niên mừng Xuân mới Canh Dần. Sau số báo này, Báo Đà Nẵng nghỉ Tết”. Cũng phải lẽ thôi. Làm lụng quanh năm, được ba ngày Tết phải cho báo nghỉ. Vậy mà tự nhiên vẫn cảm thấy thiếu vắng chút gì thật gần gũi trong đời sống thường ngày của mình.

Vẫn biết là trong thời gian các ấn phẩm báo in Đà Nẵng nghỉ Tết, bạn đọc vẫn có thể theo dõi tin tức thời sự và các hoạt động vui Xuân đón Tết ở Đà Nẵng qua Báo Đà Nẵng điện tử, nhưng rõ ràng những trang báo thơm mùi mực mới cầm trên tay mỗi ngày vẫn có sức hấp dẫn riêng. Nhớ lại cách đây 4 năm, vào năm 2006, nhà văn - nhà báo Trần Bạch Đằng có đăng trên tờ Sài Gòn giải phóng bài báo với cái tít gây tò mò: “Khi một thành phố công nghiệp 4 ngày liền không có báo viết”, trong đó ông đã bộc lộ một suy nghĩ băn khoăn rất thật về việc ở thành phố của ông 4 ngày Tết không có báo viết để đọc. Ông tâm sự rằng ông thử không đọc báo, chỉ xem chương trình truyền hình. Nhưng không thể được.

Và ông kết luận: Báo viết, nhất là ở thành phố, là nhu cầu bức thiết của một bộ phận người dân, không có báo đọc vào mỗi sớm là không sao chịu nổi. Không thể lý giải rằng còn có các phương tiện truyền thông khác thay thế, bởi báo viết có vai trò riêng của nó, thói quen đọc báo có từ hàng trăm năm nay với người dân thành phố. Và ông cho rằng việc các báo có mặt thường xuyên trong đời sống hằng ngày của một đô thị công nghiệp hiện đại cũng là biểu hiện của tác phong công nghiệp hóa của những người làm báo.

Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa yêu cầu báo phải ra mắt bạn đọc đều đặn cả trong mấy ngày Tết nhưng rõ ràng, báo chí đang thực sự hiện diện trong đời sống tinh thần của người dân, không chỉ đối với cư dân đô thị mà cả những vùng xa xôi. Qua những tâm sự ngày xuân càng thấy rõ thêm trách nhiệm của người làm báo và của các cơ quan báo chí.

Xây dựng được một thói quen đọc báo thường ngày, đó là chuyện của độc giả. Nhưng tạo được sức hấp dẫn để người đọc có được thói quen tìm đến tờ báo hằng ngày, đó là việc của báo giới. Đó cũng là trách nhiệm nâng cao dân trí của những người làm báo.

Mở trang báo mới mỗi ngày như bóc một tờ lịch chào ngày mới. Nhà thơ Tố Hữu viết trong một bài thơ Xuân: Mở tờ lịch mới hôm nay / Biết là Xuân đến cầm tay lên đường. Ngày đầu năm mới này, với tư cách một độc giả, mong tờ báo của Đảng bộ, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố luôn đầy ắp thông tin mới, luôn giữ được sức Xuân trong cả năm để người dân thành phố đến với báo đông đảo hơn, thường xuyên hơn.

Làm sao mỗi khi cầm tờ báo, người đọc như cảm thấy có người bạn đường đưa đến tham quan những công trình xây dựng mới, những khu dân cư mới, và cả những số phận bất hạnh cần sẻ chia, những mảnh đời khuất lấp sau những phồn hoa của chốn đô thị. Mấy dòng tâm sự ngày đầu năm này cũng là lời chúc Xuân với các cơ quan báo chí đang có mặt trong đời sống tinh thần hằng ngày của người Đà Nẵng.

NGUYÊN HƯƠNG

;
.
.
.
.
.