.

Người đương thời

.

Là một trong 3 công dân của thành phố Đà Nẵng vinh dự được Đài Truyền hình Việt Nam chọn là Người đương thời, phát trực tiếp trên sóng truyền hình, ông Trương Gặp, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng năng lượng mới Đà Nẵng, được cả nước biết đến khi các công trình do ông thiết kế được ứng dụng rộng rãi, vừa có giá trị kinh tế lớn, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Hành trình đến với sáng chế khoa học

Ông Trương Gặp (người đứng giữa) và các sinh viên đến từ Cộng hòa Pháp.  

Sinh ra trong gia đình nhà nông nghèo ở xã Phú Hồ, huyện Phú Vang (Thừa Thiên-Huế) trước Cách mạng Tháng Tám, tuổi thơ ông đâu dám mơ tới chuyện học hành. Trong hồ sơ, học vấn lớp 2 do ông tự khai, chứ thực ra chưa có lớp nào cả. 16 tuổi, không chữ lận lưng, chàng thanh niên làng quê nghèo này nhảy tàu vào Nam kiếm sống và ngụ lại Đà Nẵng khi gặp một người đồng hương làm ở Nhà Đèn. Sau thời gian xách đồ nghề phụ giúp người đồng hương tốt bụng, ông cũng được Nhà Đèn tiếp nhận vào làm việc. Hồ sơ xin đi làm, ông nhờ người khác viết. Khi người ta hỏi trình độ văn hóa, trong đầu ông chợt lóe lên ý nghĩ: “Nói thật mình mù chữ có khi chẳng ai nhận, cứ khai đại lớp 2 cho chắc ăn”.  Sau đó là khoảng thời gian vừa miệt mài mưu sinh vừa tự học văn hóa. Được cái sáng dạ, nhiều người tận tình chỉ bảo, chẳng bao lâu chàng thanh niên có cái tên là lạ: Trương Gặp, đã đọc thông viết thạo và hiểu biết khá tốt về nhiều lĩnh vực. Có điều, tất cả kiến thức đó đều tự học nên trình độ lớp 2 vẫn nguyên trong hồ sơ cho đến nay.

Cuộc đời ông có thể đã rẽ sang hướng khác nếu như cách đây 30 năm không bỏ mảnh đất kinh tế mới ở Krông-pắc (Đắc Lắc) về lại Đà Nẵng. 3 năm ở vùng đất mới, bàn tay chai sần cuốc nương làm rẫy vẫn không đủ ăn, nghề sửa chữa điện nước tích lũy nhiều năm xếp xó. Vào giữa năm 1979, sau nhiều đêm trăn trở, ông quyết định đưa gia đình về Đà Nẵng. Trong lúc đang bế tắc về việc làm, thu nhập, ông may mắn gặp các kỹ sư chuyên nghề khai khoáng. Họ chỉ cho ông tiềm năng khí đốt từ hầm chứa chất thải chăn nuôi. Và ông đã bật lên ý tưởng xây hầm biogas khai thác tiềm năng đó.

Từ khi ý tưởng lóe lên đến khi hầm biogas nắp cố định ra đời là khoảng thời gian khá dài ông dày công nghiên cứu, thiết kế rồi thuê thợ xây dựng. Theo ông, ít nhất đã có 10 hầm phải xây đi xây lại do không bảo đảm tính năng kỹ thuật. Đến khi ngọn lửa xanh kỳ diệu bật lên từ hầm chứa chất thải, ông mới tạo ra bước ngoặt cho mình, từ người thợ thành nhà sáng chế hầm biogas nắp cố định. Tên tuổi ông được nhiều người biết đến, công nghệ khí sinh học được đăng tải trên các báo. Kể từ đó, ông có mặt trên mọi miền đất nước, hết ra Bắc lại vào Nam chuyển giao công nghệ, thiết kế xây dựng hầm biogas cho các đơn vị, cá nhân có nhu cầu. Nhiều người cho rằng ông là “vị cứu tinh” cho các cơ sở chăn nuôi gia súc, nỗ lực trong chống ô nhiễm môi trường và là “chuyên gia” về biogas khí sinh học.    

Sự kỳ diệu của ngọn lửa xanh

Không phải ngẫu nhiên tại Chợ Công nghệ và Thiết bị Việt Nam ASEAN+3 tổ chức tại thủ đô Hà Nội tháng 9 năm 2009 vừa qua, gian hàng trưng bày 5 sản phẩm của lão nông Đà Nẵng lọt thỏm giữa hàng trăm gian hàng quy mô lớn, công nghệ tiên tiến của 10 nước ASEAN và 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, được nhiều người quan tâm. Cũng chính tại gian hàng này, Đài Truyền hình Việt Nam đã phỏng vấn ông Trương Gặp và trực tiếp lên sóng. Dấu ấn khá đặc biệt đã đưa lão nông Đà Nẵng trở thành một trong ba Người đương thời của thành phố biển miền Trung đến thời điểm hiện nay.

Nói về công nghệ hầm biogas nắp cố định, không chỉ chủ những cơ sở đã đưa vào vận hành mà cả giới khoa học đều ghi nhận tính ưu việt nổi trội của nó. Hầm biogas do ông Trương Gặp thiết kế có đường phân hủy dài, chiếm ít diện tích, chịu lực tốt, nhiệt độ ổn định, hệ thống phá váng bằng ống áp suất, quy trình nạp chất thải tự động, dễ xây dựng, phù hợp với mọi địa hình và khí hậu Việt Nam. Từ những đặc tính ưu việt này, lượng khí gas phát sinh nhiều hơn các loại hầm khác, chất thải phân hủy kỹ, tuổi thọ cao. Tính đến nay, gần 1.000 hầm trên phạm vi cả nước đã được ông thiết kế xây dựng. Có hầm chỉ vài ba m3, có hầm từ 150 đến 200 m3, xử lý chất thải cho cả dây chuyền chế biến nông, thủy sản.

Ông Nguyễn Điểm, Giám đốc Công ty CP Procimex, đơn vị có Trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm Đà Sơn, cho rằng: Hầm biogas không chỉ tạo ra lượng lớn khí đốt mà đã giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm thấp nhất nhân công thu dọn vệ sinh. Còn ông Huỳnh Ngọc Lanh, chủ trang trại nuôi hơn 1.000 con heo/lứa tại xã Hòa Phong (Hòa Vang) khẳng định: Khí gas từ hầm đưa lên dùng đun nấu, chạy máy phát điện mỗi tháng tiết kiệm 4-5 triệu đồng, đã xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện cho cơ sở phát triển.

Được biết, ông còn thiết kế, chế tạo thành công bếp sử dụng khí đốt từ hầm biogas nhỏ gọn, tiện lợi, giá thành rẻ. Năm 2006, khi đồng rau Khuê Mỹ (Ngũ Hành Sơn) nạn ruồi phát sinh bất thường, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sức khỏe người dân, ông đã tìm tòi sáng chế bẫy ruồi không sử dụng hóa chất. Bẫy ruồi này rất độc đáo, nguyên lý, kết cấu đơn giản, hiệu quả cao.

Hơn một năm nay, ông Trương Gặp nhận làm gia sư cho nhiều sinh viên ở Đại học Bách khoa Đà Nẵng và khoảng 20 sinh viên đến từ Cộng hòa Pháp. Cởi mở và tận tình, ông hướng dẫn về quy trình xử lý chất thải và công nghệ khí sinh học do ông tự thiết kế xây dựng, đưa sinh viên tham quan các mô hình đã phát huy hiệu quả tại nhiều nơi. Ông coi việc phổ cập kiến thức về khí sinh học là trách nhiệm để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.               
      
Đã bước qua tuổi 68, ông Trương Gặp vẫn tiếp tục cống hiến cho khoa học. Hiện tại ông đang triển khai dự án khai thác năng lượng gió và năng lượng mặt trời phục vụ đời sống. Ngày nối ngày, tại ngôi nhà khiêm nhường cuối hẻm nhỏ gần đường Tô Hiệu thuộc phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, ông vẫn miệt mài với các tờ giấy khổ to, chăm chú đo vẽ, tính toán. Thỉnh thoảng các sinh viên đến với ông như người nhà. Hỏi ông: Chuyển giao công nghệ, thiết kế xây dựng cả nghìn hầm biogas, là người sáng chế nổi danh, sao đời sống khiêm nhường đến vậy? Ông chỉ tay lên dãy Bằng khen các Bộ, ngành Trung ương trao tặng, nở nụ cười hiền: “Thế là vui rồi. Cuộc đời lam lũ ít học như mình mà có các công trình được ứng dụng rộng rãi trong đời sống không có hạnh phúc nào bằng. Lại còn được lên ti-vi nữa chứ. Vui nhất là đợt từ chương trình Người đương thời trở về, mình chỉ là lão nông mà có nhiều vị giáo sư, tiến sĩ ở Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Đà Nẵng ra tận sân bay đón. Hạnh phúc quá đi chứ”.

Bài và ảnh:  NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.