.

Người Hòa Vân đón Tết

.

Khác với sự ồn ào, náo nhiệt ở phố phường, tại thôn Hòa Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, bà con đón Tết theo cách riêng của mình: thật bình yên, giản dị, ấm cúng và tràn ngập niềm vui.

Chị Huỳnh Thị Tố Trinh, thôn Hòa Vân, đang sửa soạn bàn thờ tổ tiên để đón Tết. 

Đến với Hòa Vân những ngày cuối tháng Chạp, đâu đó trước nhà người dân đã xuất hiện những bông mai vàng rực rỡ dưới ánh nắng chan hòa của làng quê miền biển. Cảnh vật, không khí nơi đây thật khác xa với nơi phố thị ồn ào, sôi động. Đâu đâu cũng cảm nhận một khung cảnh thanh bình với những con người hồn hậu, chân chất. Người dân Hòa Vân cho biết, mỗi khi Tết đến, bà con không có điều kiện để sắm sửa nhiều, phần lớn là nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và những món quà Tết từ các tổ chức, các nhà hảo tâm. Tuy vậy, nhà nào cũng lo trang trí nhà cửa, dọn dẹp bàn thờ, chuẩn bị chào đón năm mới. Bà Nguyễn Thị Lợi, 53 tuổi, ra Hòa Vân từ năm 1974 tâm sự: “Tôi ra đây đã mấy chục năm rồi, Tết chỉ trông nhờ vào sự hỗ trợ của thôn, nhà hảo tâm gửi quà chi thì dùng thứ nấy chứ tôi tật nguyền, đâu có làm ra tiền để sắm sửa. Thường thì tới Tết, vui nhất là khi mấy đứa nhỏ đi học ở phố về, cả xóm rộn ràng, rất vui”.

Ông Trần Hữu Đức, trưởng thôn Hòa Vân cho biết: “Hòa Vân hiện nay có 120 hộ dân với 310 nhân khẩu. Để chuẩn bị đón Tết, chúng tôi đã họp và triển khai công việc đến các hộ dân. Trước mắt là dọn dẹp vệ sinh, trang trí nhà cửa, ai cần sửa chữa nhà thì chúng tôi giúp sức. Đặc biệt, từ mấy chục năm nay, cứ đến mồng một Tết là chúng tôi tập hợp tất cả hộ dân tại nhà làm việc của thôn để chào cờ, rồi cùng trò chuyện, thăm hỏi nhau, chia sẻ niềm vui trong ngày Tết”. Theo ông Đức thì bây giờ, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, đời sống của bà con thôn Hòa Vân đã khá hơn trước.

Tết sắp đến, ở trung tâm thành phố, hàng hóa tràn ngập phố phường, các chợ, siêu thị. Trong khi đó, ở Hòa Vân, bà con còn chịu nhiều thiệt thòi. Nếu muốn mua sắm thì phải đi bộ ngược về phía đèo Hải Vân xa gần hai chục cây số mới vào phố. Cho đến giờ, hằng ngày cũng chỉ có một người gánh hàng từ khu vực Kim Liên ra bán, mà chủ yếu là thịt, rau, bánh mì, hàng hóa nghèo nàn, thiếu thốn. Cách đây mấy tháng, thôn Hòa Vân có một chiếc thuyền chuyên dùng để vận chuyển người và hàng hóa khi cần thiết, nhất là những lúc cấp cứu, chữa bệnh cho người dân.

Học sinh thôn Hòa Vân rất cần sự quan tâm, hỗ trợ về vật chất, lương thực, thực phẩm để các em vui đón Tết.  

Nhưng 3 tháng trở lại đây, thuyền hỏng phải lên đà sửa chữa. Trưởng thôn Trần Hữu Đức tâm sự: “Thuyền đã sửa xong nhưng không biết vì lý do gì mà chính quyền địa phương chưa cấp đủ kinh phí để chi trả cho việc sửa chữa nên vẫn chưa được nhận về. Như mọi năm, cứ từ 25 đến 29 tháng Chạp, thôn thường tổ chức vận chuyển bà con vào phố để mua sắm nhưng giờ, nếu thuyền không kịp đưa về thì sắp đến lấy gì để đưa bà con đi, trong khi kinh phí của thôn thì rất hạn hẹp”.

So với trước đây, đời sống của bà con thôn Hòa Vân đã khá hơn nhiều. Lớp trẻ lớn lên từ mảnh đất Hòa Vân đã tích cực học hành, có em trở thành giáo viên, thành những người có ích cho xã hội. Và mỗi dịp Tết đến, những người con của thôn lại về sum họp với gia đình, khiến cho không khí Tết thêm vui tươi, đầm ấm.

Bao nhiêu năm qua, cuộc sống giản dị đã kết nối những mảnh đời bất hạnh, những gia đình khó khăn thành một cộng đồng mà ở đó mọi người sẵn sàng chia sẻ với nhau niềm vui, nỗi buồn, những khó khăn, vất vả thường nhật. Và bây giờ, khi năm cũ sắp qua đi, một năm mới lại về, dù tiếp tục sinh sống tại đây hoặc đến một vùng đất mới, người dân Hòa Vân sẽ vẫn gắn kết thành một cộng đồng bền vững, nơi mà mọi người sống và yêu thương nhau, cùng hướng tới xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc.

HÀ AN

;
.
.
.
.
.