.

Nhớ về một người cộng sản

.

Những năm tháng sau ngày 29-3-1975, lửa chiến trường đã tắt nhưng anh Hồ Nghinh - người tư lệnh chiến trường, đồng chí Bí thư Đặc khu ủy vẫn giữ nguyên phong cách 4 bám (1) như những ngày anh đứng mũi chịu sào ở mặt trận Quảng Đà ác liệt.

Các đồng chí lãnh đạo và nguyên là lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam chúc thọ đồng chí Hồ Nghinh.  (Ảnh tư liệu) 


Sáng sớm, anh đã có mặt ở khu tây Duy Xuyên thăm hỏi Huỳnh Tiến Năm, người dũng sĩ diệt Mỹ nổi tiếng của Xuyên Phú hôm qua, hôm nay lại lao vào cuộc chiến tháo gỡ bom mìn, giành lại đất cho cây lúa, vồng khoai, và bị trọng thương khi làm nhiệm vụ.

Chiều, lại thấy anh ngồi đó đàm đạo với các lão nông Thanh Quýt-Điện Bàn về chuyện làm thế nào di dời mồ mả để người nằm xuống có nơi có chốn mà đồng ruộng lại rộng thoáng hơn, sạch sẽ phong quang hơn. Anh nói về một ngày mai mọi người khi đi về thế giới bên kia sẽ được điện táng vừa không tốn đất, vừa lợi cho môi trường. Anh biết đây là chuyện không đơn giản vì nó động đến niềm tâm linh bao đời và đang có đây đó giọng lưỡi ác độc nói rằng, người cộng sản “giết người trong trứng, bứng người dưới mồ, xô người lên núi” (2). Nhưng anh có cách thuyết phục, cách nói đi vào lòng người.

Buổi tối lại thấy anh dự cuộc giao ban ở Ban chỉ huy công trường đại thủy nông Phú Ninh. Anh chăm chú nghe và gương mặt ánh lên niềm vui khi được biết các đơn vị của Đà Nẵng tham gia công trình này gồm nhiều bác sĩ, kỹ sư, sinh viên, những dân thành thị trắng da dài tóc làm việc rất tốt. Ai đó nói họ bị đưa đi cải tạo lao động. Giờ đây trên công trường này họ thật sự sung sướng vì được góp phần mình vào việc xây dựng lại đất nước, họ chan hòa cởi mở trong sinh hoạt cộng đồng và cảm thấy được giải phóng, được bình đẳng như mọi người khác.

Vào những ngày đó, người dân và những cán bộ cơ sở ở Quảng Nam-Đà Nẵng vẫn thấy anh gắn bó với họ như những ngày nào. Dù anh không còn là anh Ba với bộ bà ba xanh rêu, người gầy nhom lội qua những bãi bói đầy mìn đến với họ. Anh đến với họ bằng xe hơi, áo quần trắng sạch phẳng phiu, anh vẫn là anh gần gũi, thân thiết.

Nhiều việc bức bách của cuộc sống một triệu rưỡi con người, vừa đi qua chiến tranh đặt lên vai anh. Tưởng như tâm trí anh bị choán hết bởi những chuyện mùa màng cơm áo. Nhưng không chỉ có vậy...
Một buổi tối, cũng đã hơi khuya, anh có mặt ở Hội An. Anh không thể không đến ngay trong đêm vì một nguồn tin vừa đến với anh: Ở Hội An, các chiến hữu của anh đang ra quân đập phá các đền chùa miếu mạo, bởi đó là tàn tích phong kiến, là mê tín, dị đoan.

Gặp đồng chí Bí thư Thị ủy và mấy cán bộ chủ chốt của Thị, anh nhỏ nhẹ “Này mấy lão (anh vẫn có thói quen gọi các chiến hữu của mình thân mật như vậy), ở đâu họ làm chuyện đó là việc của họ, nhưng ở đây, ở Hội An này mấy lão không được làm”, chỉ vậy thôi, không lý sự, không giải thích dài dòng. Nhưng vẫn như thời chiến tranh, ý kiến của Hồ Nghinh là quân lệnh như sơn, “đêm hôm khuya khoắt thế này ông già vào đây, chuyện này phải dừng lại thôi”. Dường như trong miền tâm linh sâu kín của họ cũng có tiếng nói ấy.

Đồng chí Hồ Nghinh cùng các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy gặp gỡ cán bộ hoạt động nội thành Đà Nẵng trước 1975. (Ảnh tư liệu) 


Sau này, đô thị cổ Hội An được công nhận là di sản văn hóa thế giới và ngày càng bừng lên sức sống, các đồng chí Hội An nói với nhau, ông Nghinh là người cứu đô thị di sản.

Một hôm, anh cho gọi tôi đến làm việc. Lúc đó tôi là Phó trưởng Ty Giáo dục đang phụ trách việc tiếp quản các cơ sở của ngành Giáo dục ở Đà Nẵng vốn thuộc chính quyền Sài Gòn, các tổ chức tôn giáo, các tư nhân.

Lúc này, cùng với Bộ Giáo dục còn có Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Không có chân rết ở các địa phương nên Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp không có một cơ sở vật chất nào làm việc để trước mắt xúc tiến thành lập Trường Đại học Đà Nẵng. Một đoàn cán bộ của Bộ Đại học... do Thứ trưởng Hoàng Xuân Tùy vào gặp tôi đề nghị giúp đỡ, san sẻ. Tôi thấy đây là việc quá phải, không cần phải tính toán nhiều, tôi hứa sẽ sớm giao lại cơ sở 24 Trần Phú để các đồng chí có thể làm việc ngay.
Nhưng xin các đồng chí chờ cho ít ngày để tôi báo cáo xin ý kiến Tỉnh ủy.

Tôi vừa ngồi xuống ghế trước mặt anh, anh nói tưng tửng “Ông An này, ông thật là người lạt lòng. Ông Nho (đồng chí Võ Thuần Nho, Thứ trưởng Bộ Giáo dục) vào nói với ông, ông giao cho Bộ Giáo dục Trường Hồng Đức, ông Tùy vào ông giao cả cơ sở 24 Trần Phú. Có lẽ ông sẽ giao hết những cơ sở ngon lành cho mấy Bộ”.

Tôi đớ người, chưa biết thanh minh, biện hộ như thế nào, bởi những việc mình đã làm, mình đều nghĩ là đúng, có lý có tình và đều có xin ý kiến lãnh đạo.

Rồi bỗng thấy anh cười thoải mái “Nói chơi thế thôi, ông làm như vậy là đúng, mình không tạo điều kiện thì các bộ họ làm sao làm được. Mà chuyện xây dựng trường đại học là hệ trọng lắm cho công cuộc kiến thiết. Tôi có nói với mấy anh em văn phòng nếu họ cần cơ sở này, tôi sẵn sàng giao trụ sở Tỉnh ủy để làm trường đại học, anh em mình tìm nơi khác làm việc”.

Trụ sở Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng lúc đó (và ngày nay) là một biệt thự lớn, có khuôn viên rộng đẹp, vốn là hội sở một ngân hàng trước ngày 29-3.

Ý này của anh, tôi còn được nghe anh nhắc lại trong một lần làm việc với bà Nguyễn Thị Bình khi bà là Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Tinh thần là phải ưu tiên cho sự nghiệp giáo dục, mọi cơ quan kể cả cơ quan cao nhất của Đảng ở địa phương đều phải sẵn sàng dành những gì tốt nhất, thuận lợi nhất cho phát triển sự nghiệp giáo dục.

Một chuyện nữa tôi cũng không bao giờ quên. Hồi tôi làm Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin Đà Nẵng có tổ chức một hội nghị về xây dựng nếp sống mới, nhiều quan khách ở Trung ương vào dự, trong đó có đồng chí Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Tôi có đọc một bản báo cáo phác họa những thành tựu của cuộc vận động xây dựng nếp sống mới gắn với quá trình hợp tác hóa nông nghiệp ở Quảng Nam-Đà Nẵng và ca ngợi Hợp tác xã Duy Sơn, tôi có dẫn một câu vè thu lượm khi đi thực tế ở đây:

Mấy trăm năm theo Chúa
Không bằng một hạt lúa Lưu Ban.

(Lưu Ban, Anh hùng lao động, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Duy Sơn, đã vận động đồng bào Công giáo ở Giáo xứ Trà Kiệu, một giáo xứ có mấy trăm năm lịch sử cùng với đồng bào các tôn giáo khác đoàn kết xây dựng thành công HTX, xây dựng thành công Thủy điện Duy Sơn, đời sống đồng bào lương - giáo được cải thiện rõ rệt).

Anh Nghinh có nghe tôi báo cáo. Trưa đó gặp tôi, trước khi ăn cơm với các vị khách, anh nghiêm sắc mặt hỏi tại sao dẫn câu vè đó. Tôi nói rằng đó là tiếng nói dân dã, thực tế, đưa vào báo cáo cho có chất liệu cuộc sống. Anh bảo tôi “dân nói là việc của họ, anh đưa vào báo cáo trở thành ý của anh, mà ý này không chuẩn, người lãnh đạo nói ra không có lợi”.

Tôi giật mình nghĩ lại thấy quả là mình không thận trọng, không nghĩ hết mọi chiều của một vấn đề nhạy cảm, nói vậy có thể làm tổn thương niềm tin tâm linh, đời sống tín ngưỡng của quần chúng, lại còn có thể gây tâm lý dung tục, chủ quan, cho là cứ giải quyết tốt vấn đề đời sống vật chất ắt là có thể chi phối đời sống tinh thần. Chuyện phần hồn nào đâu có đơn giản vậy.

Bây giờ nhớ lại những ngày ấy, nhớ về anh Nghinh trong ký ức của tôi, anh là một người lính vô cùng dũng cảm kiên cường, luôn có mặt ở những nơi ác liệt dữ dội nhất của chiến trường, cùng đồng bào, đồng đội trụ bám đánh giặc. Và đó là một người cộng sản hết sức chăm lo cho con người, luôn mong muốn và làm tất cả để con người được tự do, hạnh phúc, được yêu thương tôn trọng, được sống cao đẹp phong phú.

NGUYỄN ĐÌNH AN

(1) Một phương châm hoạt động cách mạng thời chống chiến tranh cục bộ “Đảng bám dân, dân bám đất, du kích bám địch, trên bám dưới”.

(2) Ý chống đối chủ trương sinh đẻ có kế hoạch, quy hoạch mồ mả và đưa dân đi làm kinh tế mới.


;
.
.
.
.
.