Những ngày giáp Tết, một vòng quanh vùng đất Yến Nê chợt nhận thấy một điều thú vị: Sân vườn nhà nào cũng có một vài cây mai, có cây nhú nụ, có cây trổ hoa, cây nào cũng bừng lên một không gian ngày Tết.
Một góc vườn hoa cúc, vạn thọ của gia đình anh Nguyễn Văn Yên. |
Về Yến Nê, không thể không ghé thăm Nguyễn Thường Dân, một “nghệ sĩ làng” đúng nghĩa. Nhắc đến tên anh thì ai cũng nghĩ ngay tới những bức tranh tường có không gian khá hoành tráng. Tranh của anh được chạm nổi thật tỉ mỉ và công phu trên những bức tường lớn, ngắm tranh chợt thấy hồn quê man mác với lũy tre, cánh cò, con đò, dòng sông, đó là những hình ảnh thân thuộc mà anh thường gửi gắm trong từng mảng màu nét vẽ. Bức tranh tường lớn trong ngôi nhà của anh cũng là một điểm nhấn đầy ấn tượng trong tổng quan của một bức tranh quê ngày mới. “Mới lắm”, anh Dân nói và tâm sự: Vài hôm nữa con đường ngang qua nhà anh sẽ rực rỡ cờ hoa, dòng người ngược xuôi sẽ vui như trẩy hội, con cháu tụ về đình tổ ngày một đông hơn, bánh chưng, bánh tét được nấu chung một nồi.
Thi vị nhất là thương hiệu “bánh khô mè Bà Điểu”, lò bánh đang khẩn trương sản xuất và đóng gói để cho mọi người có quà Tết khi về thăm quê. Đã trải qua bốn đời truyền nghề, bánh khô mè sản xuất quanh năm, nhưng áp Tết nhìn thấy không khí nấu đường, rang nổ, những bàn tay lăn mè, đảo bột thoăn thoắt cùng những nụ cười vui đã thấy hương xuân rạo rực về tận bên thềm.
Lò bánh khô mè Bà Điểu chuẩn bị cho ngày Tết. |
Bà Điểu cho biết: Mấy năm trở lại đây, người dân sử dụng bánh khô mè tiếp khách trong ngày Tết nhiều hơn; theo họ thì bánh quê nấu thủ công, sử dụng nông sản từ gạo, nếp, mè vừa ngon vừa an toàn. Tuy nhiên, bánh cũng chỉ sản xuất phục vụ trong nội tỉnh chứ chưa xuất được rộng rãi, và gần Tết mới có nhiều người đặt bánh làm quà khi về quê. Cơ sở sản xuất bánh tuy nhỏ, nhân lực chỉ trên chục người nhưng mỗi năm thu lãi từ 40 đến 50 triệu đồng. Bánh khô mè Bà Điểu đã có thương hiệu vững vàng tồn tại có tiếng ở một miền quê.
Tới ngõ nhà anh Nguyễn Văn Yên, thì ai cũng có cảm giác như đến khu chợ hoa ngày Tết. Mảnh vườn 1.500m2 rực vàng hoa cúc và bông vạn thọ. Ngoài việc trồng hoa thường xuyên cho ngày rằm, vườn hoa của anh đang chuẩn bị cho vào chậu cảnh để bán trong dịp Tết, đã có người ở Huế đặt mua cả vườn vạn thọ của anh, tới 25 Tết sẽ vào chở. Vườn của anh năm nay trồng khá nhiều thanh mai và cây lộc vừng, theo anh ngày Tết gia đình nào cũng chưng mai ở bình và đặt hai chậu vạn thọ trước cửa, vì vậy trồng mai và cúc vạn thọ để phục vụ Tết vẫn là sở trường của anh. Ngắm nhìn vườn hoa nhà anh, mỗi năm thu nhập hàng chục triệu đồng từ hoa, mới thấy niềm hạnh phúc của những người dân quê đang vươn lên hòa nhập cùng xu thế phát triển của thành phố.
Trại chăn nuôi gà và cút siêu trứng của vợ chồng anh Nguyễn Đắc Đức và chị Trần Thị Lợi như một nét chấm phá của sự tảo tần và khao khát vươn lên. Trại không lớn, mỗi lứa nuôi 1.000 con gà và 10.000 con chim cút. Nói theo cách chị Lợi là: “Lấy ngắn nuôi dài mà”. Thế nhưng khi nhìn chiếc ô-tô chở hàng tấn thức ăn gia súc cho trại, mới thấy trại còn có nhiều khả năng mở rộng và phát triển.
Những ngày giáp Tết, một vòng quanh vùng đất Yến Nê, chợt nhận thấy một điều thú vị: Sân vườn nhà nào cũng có một vài cây mai, có cây nhú nụ, có cây trổ hoa, cây nào cũng bừng lên một không gian ngày Tết. Xuân, không chỉ nằm trên những bức tranh của anh Nguyễn Thường Dân, mà dường như in vào trái tim, tâm hồn của mỗi con người trên mảnh đất Yến Nê, Hòa Tiến.
Bài và ảnh: LÊ GIA THỤY